1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Làm sạch môi trường tư pháp

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận về luật Luật sư tại diễn đàn Quốc hội tuần qua, đại biểu Nguyễn Đình Lộc đã nêu một thực tế là giới luật sư đang đứng trước hai chữ C: “cãi” hay “chạy”. Luật sư chạy án là có, nhưng rõ ràng để có chuyện chạy này tất nhiên phải có sự tiếp nhận tiêu cực từ phía cơ quan tư pháp…

Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý phải xây dựng luật đảm bảo ngăn ngừa các đường dây chạy án trong giới luật sư.

Các vị đại biểu nêu hiện tượng chạy án, nhưng chưa thấy có những phân tích tại sao lại có hiện tượng này. Luật sư là những người hiểu biết pháp luật, chắc chắn phần lớn trong họ đều muốn hành nghề chân chính, không ai muốn làm những việc vi phạm pháp luật.

Nhưng thực tế xã hội còn quá nhiều tiêu cực, và cụ thể là môi trường tố tụng, môi trường tư pháp đang thiếu sự lành mạnh, công minh, nên đi theo con đường ngay thẳng đôi khi lại không hiệu quả.

Xin được thưa rằng, nếu các vị có trách nhiệm trong các cơ quan tố tụng liêm khiết và công tâm thì có ông luật sư nào dám “chạy”? Phải thừa nhận rằng, chính trong đội ngũ quan tòa còn có người có nhu cầu ăn hối lộ, thậm chí có lúc nhu cầu đó dần dần biến thành tập quán “xét xử” theo phong bì.

Tại không ít phiên tòa, luật sư bào chữa rất thuyết phục, có căn cứ pháp lý nhưng hội đồng xét xử lại không căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để phán xét.

Do đó, giới luật sư phải suy nghĩ rằng, hành nghề chân chính, bào chữa thật  tốt, nhưng không có kết quả tích cực cho thân chủ thì quả thật vô ích. Nhiều luật sư thiếu bản lĩnh đã phải phối hợp vừa “cãi” vừa “chạy”, hoặc chuyển sang chạy án là vì lẽ đó.

Một vấn đề liên quan khác, mặc dù pháp luật tố tụng hình sự quy định luật sư có quyền tham gia từ giai đoạn điều tra, nhưng trên thực tế, quyền này của luật sư bị hạn chế rất nhiều.

Luật sư phải làm giấy chứng nhận người bào chữa, “chạy” ngược “chạy” xuôi nhưng chưa chắc được gặp thân chủ. Nhìn từ khía cạnh này, thấy nghề luật sư thật tội nghiệp, vẫn còn thiếu sự bình đẳng trong tham gia tranh tụng, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp mớm cung, bức cung nhục hình.

Ở những quốc gia văn minh có trình độ dân trí cao, quyền dân chủ của công dân được tôn trọng tối đa thì dứt khoát phải có sự tham gia của luật sư bảo vệ bị cáo từ đầu và ngay trong từng lời khai. Vai trò của luật sư được đề cao như vậy là để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Môi trường tư pháp lành mạnh thì sẽ loại trừ tất cả những gì thiếu minh bạch và chắc chắn sẽ không có cơ hội thực hiện chạy án. Môi trường tư pháp mông muội, coi thường pháp luật và thiếu tôn trọng con người thì chắc chắn tiêu cực nảy sinh, án oan sai còn lý do tồn tại.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm