1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làm rõ thêm phương án phục hồi môi trường tại dự án Vonfram Núi Pháo

(Dân trí) - Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được yêu cầu phân tích, làm rõ những ưu, nhược điểm, các tác động ảnh hưởng đến môi trường và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Làm rõ thêm phương án phục hồi môi trường tại dự án Vonfram Núi Pháo - 1

Dự án Núi Pháo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: CTV).

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (gọi tắt là Công ty Núi Pháo) để phản hồi về việc xin ý kiến phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bổ sung của Dự án khai thác, chế biến vonfram, flourit, bismut, đồng và vàng mỏ Núi Pháo.

Theo đó, phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung của dự án Núi Pháo đã được Công ty Núi Pháo chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể, đã xây dựng và lựa chọn phương án cải tạo phục hồi môi trường mỏ Núi Pháo sau khai thác theo hướng làm cụm công nghiệp nối tiếp cụm công nghiệp Hà Thượng; đã bổ sung phương án xây dựng bờ kè chắn, cải tạo bờ moong giật cấp đảm bảo an toàn kỹ thuật, xây dựng đê xung quanh, moong đảm bảo ngăn súc vật và người; lập hàng rào và biển báo nguy hiểm tồn tại vĩnh viễn,…

Riêng đối với nội dung yêu cầu để lại độ sâu mực nước moong không được sâu hơn mức nước thông thuỷ 30m thể hiện tại công văn của UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty Núi Pháo đề nghị được giữ nguyên độ sâu moong kết thúc khai thác làm hồ chứa nước (độ sâu 130m). Lý do được đưa ra là việc đưa đáy moong khai thác về mức không sâu hơn 30m so với mức nước thông thuỷ dự kiến cần sử dụng khoảng 37,78m3 đất đá đề hoàn phục; việc xây dựng này sẽ làm phát sinh thêm dự án khai thác đất đá và gia tăng tác động xấu tới môi trường.

Hơn nữa, phương án để lại moong khai thác tạo hồ chứa nước nhằm ngăn chặn sự oxy hoá phát sinh dòng thải axit đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án mỏ Núi Pháo.

Thế nên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Công ty Núi Pháo phân tích, làm rõ những ưu, nhược điểm, các tác động ảnh hưởng đến môi trường,… Sau đó báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Làm rõ thêm phương án phục hồi môi trường tại dự án Vonfram Núi Pháo - 2

Công ty Núi Pháo trở thành nhà cung cấp Vonfram lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc).

Theo giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, Công ty Núi Pháo được phép thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo trong thời hạn 30 năm (kể từ năm 2004) để khai thác, chế biến vonfram, fluorit, bismuth, đồng, vàng thuộc khu vực mỏ với tổng diện tích 921ha.

Công ty Núi Pháo trở thành nhà cung cấp Vonfram lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc), cung cấp 36% tổng sản lượng Vonfram toàn thế giới.

Giữa năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra chỉ nhiều vi phạm tại dự án Núi Pháo. Đoàn thanh tra đã làm rõ trong quá trình khai thác vonfram, fluorit, bismuth, vàng và đồng, Công ty Núi Pháo phát hiện ra khoáng sản mới là quặng sắt nhưng không báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Núi Pháo phải kiểm soát chặt chẽ các chất độc hại Asen, Xyanua, Beri (Be). Trong 3 loại chất độc này thì có Asen, Xyanua đã được đánh giá và có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ sức khoẻ con người trong dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng chất độc Beri chưa được đề cập và đánh giá đầy đủ.

Công ty Núi Pháo phải khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan để có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc đền bù, hỗ trợ tái định cư và di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bụi phát tán và mùi thuốc tuyển từ Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo…

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt Công ty Núi Pháo số tiền 510 triệu đồng và buộc khắc phục ngay hành vi vi phạm.

Thế Kha