1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Làm Phu nhân Đại sứ!

(Dân trí) - Làm Phu nhân Đại sứ không đơn giản chỉ là đến các sự kiện, các bữa tiệc cùng chồng mà phía sau đó là hậu trường của rất nhiều việc tỉ mỉ không tên nhưng lại cần sự quán xuyến của một người phụ nữ - bà Phan Thúy Thanh chia sẻ với Dân trí.

Từ năm 2011-2014, cựu Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam; cựu Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Phan Thúy Thanh còn làm nhiệm vụ là Phu Nhân của Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc Thạch tại các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

"Phu nhân Đại sứ" nghe tưởng chừng rất nhẹ nhàng nhưng đối với bà Thúy Thanh, đây là việc khó trong các vị trí mà bà đã đảm nhiệm trong suốt quãng đời làm công tác đối ngoại. Người Phu nhân Đại sứ phải làm sao hài hòa mọi mối quan hệ (đối nội cũng như đối ngoại) đúng với cương vị của mình. Nếu quá mức sẽ làm hỏng việc của Đại sứ và của cả sứ quán, nếu quá ít, sẽ chẳng giúp đỡ được gì cho Đại sứ. "Đi sứ" cùng chồng trong 3 năm ấy đã cho bà biết bao bài học hữu ích.

 

Bà Phan Thúy Thanh
Bà Phan Thúy Thanh

 

Bữa tiệc sứ quán và cái "gu" của Phu nhân Đại sứ

Ở nhiều nước, Phu nhân Đại sứ thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo để cập nhật tình hình mới, giúp đáp ứng vai trò của họ. Hơn nữa, ở nước ngoài, Đại sứ hầu hết là chuyên nghiệp vì hết nhiệm kỳ, họ lại chuyển sang nước khác. Có người 15 năm và thường ít nhất cũng là hai nhiệm kỳ (8 năm) mới về nước sau khi hết nhiệm kỳ.

Trong khi ở Việt Nam, nhiều đại sứ chỉ có một nhiệm kỳ 3 năm sau đó về nước luôn và không nhiều người quá 6 năm. Các Phu nhân Đại sứ nước ta thường phải tham gia vào nhiều việc và cũng khó được tham gia các khóa đào tạo dài hơi để phục vụ vai trò của họ.

Quy mô nhân sự của một Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia vừa và nhỏ thường chỉ có khoảng trên dưới 10 người, đa phần không có đội ngũ phục vụ hậu cần chuyên nghiêp, vì vậy, mỗi dịp sứ quán tổ chức tiệc (dù lớn hay nhỏ) thì phần lớn công việc bếp núc sẽ do các chị phu nhân trong sứ quán đứng ra đảm nhiệm. Đầu mối sẽ là Phu nhân đại sứ.

Với các phu nhân đại sứ, để có một bữa tiệc ngon và ấn tượng với khách, không chỉ đơn giản là cứ có  người nấu là xong mà cần sự tìm tòi để làm sao bữa tiệc vừa phải thể hiện được tinh hoa ẩm thực Việt Nam, vừa hợp khẩu vị khách tại chính đất nước đó. Chẳng hạn, phở là món ăn truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng nếu đưa vào thực đơn chính để mời người Ả Rập thì chưa phải đã được hoan nghênh vì bên đó người ta coi phở giống như một món súp và thường chỉ được dùng khi người không được khỏe.

Thường trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao của sứ quán, món nem đứng đầu trong danh sách được lựa chọn. Tuy nhiên, đây là món chế biến khá công phu với nhiều công đoạn. Tại các buổi chiêu đãi quốc khánh, nếu mời tiệc đứng với 500  khách thì thông thường  sứ quán phải làm tới hơn một nghìn chiếc nem, chưa kể các thực đơn khác... Với một Đại sứ quán có số nhân viên có hạn khó có thể đảm bảo cho món nem luôn nóng, và ngon trong suốt bữa tiệc..

Với suy nghĩ như vậy bà đã chủ động làm quen, xin gặp bếp trưởng Dany (Chef cook) của chuỗi khách sạn InterContinental ở UAE, một người Li Băng rất yêu mến khám phá ẩm thực mới lạ. Bà xin phép đại sứ, mời bếp trưởng Dany đến sứ quán ăn trưa để ông nếm và cảm nhậnhương vị thực sự của một số món Việt Nam sẽ có trong chiêu đãi quốc khánh như phở, nem rán, nem cuốn, nộm...

Sau  khi mời ông bếp trưởng thưởng thức một số món ăn Việt, bà đã cung cấp cho bếp trưởng công thức chi tiết để nấu các món này, cách pha nước chấm, cách làm nước dùng... Các nguyên liệu làm món nem đều sẵn có ở UAE, chỉ riêng, bánh đa nem phải mua từ Việt Nam vì bên đó không có loại nào ngon như bên mình.

Biết được hương vị và công thức món ăn, người bếp trưởng nhiều kinh nghiệm đã nấu rất thành công những món bà đặt hàng trong bữa tiệc, khiến các vị khách đều tấm tắc khen ẩm thực Việt. Sau lần đó, tên tuổi của vị đầu bếp này được nhiều người biết đến hơn và nhiều sứ quán ở các nước châu Á  và Mỹ La Tinh khác cũng mời người đầu bếp này nấu giúp trong các dịp tiệc tùng lớn của họ. Một công đôi việc. Họ cũng trở thành bạn thân từ đó.

 

Bà Phan Thúy Thanh cùng chồng, Đại sứ Trần Ngọc Thạch, trong Lễ hội Việt Nam đầu tiên ở Trung Đông, tổ chức tháng 10/2013 tại UAE
Bà Phan Thúy Thanh cùng chồng, Đại sứ Trần Ngọc Thạch, trong Lễ hội Việt Nam đầu tiên ở Trung Đông, tổ chức tháng 10/2013 tại UAE

 

Chú ý đến cả những tiểu tiết

Trong bữa tiệc ngoại giao đoàn, Phu nhân Đại sứ cũng cần thể hiện sự hiếu khách chu đáo để làm sao kết nối được tất cả mọi người. Có vị khách ít nói, có người vui tính, người trầm tính... và đôi khi Đại sứ lại quá bận, không để ý hết được . Phu nhân phải làm sao tạo một không khí vui vẻ, xóa nhòa khoảng cách về văn hóa và đặc biệt làm sao để các vị khách đều thấy mình được chủ nhà quan tâm.

Là người chu đáo, sáng tạo, tỉ mỉ và tinh tế lại từng là Phu nhân Đại sứ, bà Thúy Thanh đã có những trải nghiệm thú vị và bổ ích ở vị trí này. Dù đã về hưu, nhưng bà vẫn thường được mời tới các lớp đào tạo cho phu nhân của các Đại sứ Việt Nam sắp bắt đầu nhiệm kỳ.

Bà luôn để ý xem các bà vợ Đại sứ cần gì để chia sẻ kinh nghiệm với họ. Có những cái vô cùng cụ thể, tưởng như rất đơn giản nhưng nếu không có trải nghiệm thực tế thì khó lòng mà biết được như cái gì nên mua ở Việt Nam mang sang, cái gì không nên mua…Cách truyền đạt nhẹ nhàng, nhiệt tình đi vào những cái chi tiết nhỏ nhưng thiết thực của bà làm các Phu nhân Đại sứ thích thú.

Chẳng hạn như, khăn trải bàn tiệc không nên mua ở Việt Nam vì chất liệu nhiều loại vải không ổn lắm nên có khi chỉ một chút rượu vang đổ ra cũng khó giặt và nếu giặt mạnh sẽ dễ bị nhăn nhúm. Trong khi đó, ở nhiều nước, họ có các cửa hàng chuyên bán các loại khăn trải bàn tiệc với tiêu chuẩn dài rộng rõ ràng và chất liệu tốt hơn. Tuy nhiên, riêng đũa thì nên mua ở Việt Nam vì bà đã ở nhiều nước, không đâu thấy những đôi đũa ưng ý như bên nước mình.

Sứ quán nhiều nước họ có giấy bọc quà riêng cho ngoại giao đoàn. Canada có giấy gói bọc hình lá phong đỏ hay Nhật là các áng mây in trên trên nền giấy màu xanh sẫm hơi màu vàng.

Phu nhân Đại sứ cũng cần phải chú ý đến cả các tiểu tiết như giấy bọc quà, vì không thể đến khi chồng chuẩn bị đi đâu đó, nhân viên văn phòng, lễ tân mới vội vàng đưa ra một loại giấy gói nào đó với những họa tiết không phù hợp, có thể gây phản cảm với người nhận.

Mỗi lần chuẩn bị quà cho chồng, bà luôn chọn những sản phẩm rất Việt Nam như có hình trống đồng, biểu tượng Văn Miếu, Khuê Văn Các hay có khi chỉ là một chiếc khăn lụa mềm mại; nhưng cũng luôn chú ý tránh những thứ nước sở tại cấm kỵ (Ở một số nước, họ rất kiêng kỵ khi được tặng bức tranh hình người hay thú vật).

Việc chuẩn bị bàn tiệc cũng cần phải cần tính toán cho hợp lý: dựa vào thực đơn để bày cốc và bố trí bộ đồ ăn cho phù hợp. Bên UAE, một bông hoa  rất đắt, rơi vào phải khoảng 3-4 USD, nên người phu nhân cần căn nhắc làm sao đảm bảo yếu tố vừa đẹp, vừa tiết kiệm.

Phu nhân đại sứ rất nên có quan hệ với các tổ chức hữu nghị, quần chúng của nước sở tại mà có nhiều phụ nữ tham gia, như Hội Phụ nữ vì họ thường chỉ mời Phu nhân Đại sứ đến tham dự sự kiện, chứ ít khi mời đại sứ. Đó cũng là những dịp để các bà vợ của Đại sứ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước hoặc huy động quyên góp cho Việt Nam.

Một Phu nhân Đại sứ không được tham gia quá nhiều vào công việc của chồng và đừng nghĩ mình là Đại sứ. Có lúc phải lùi vào đứng bên cạnh, có lúc lại chủ động hăng hái như trong việc hậu cần, bếp núc. Bà Phan Thúy Thanh chia sẻ, chỉ đơn giản là việc làm vợ, nhưng chuyện tưởng dễ mà không dễ!

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm