1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Làm phó chủ tịch tỉnh, đi xe máy tôi thấy thoải mái”

(Dân trí) - “Khi tôi đi họp, hỏi một số tỉnh thì hầu hết đều nói là rất khó thực hiện. Riêng tôi thấy rất thoải mái; hai vợ chồng cùng đi một chiếc Dream “lùn”. Chúng tôi thực hiện rất nghiêm việc hạn chế xe công, có điều không phải không có đôi điều suy nghĩ...”.

>> Hải Dương: Các Phó Chủ tịch tỉnh đi làm bằng xe máy

 

Ông Lê Hồng Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - trao đổi những trăn trở, tâm tư về việc bỏ xe hơi sang xe “bình dân” 

 

Ông nói: “Theo quy định của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo không phải là chủ chốt (ngoài 4 chức danh cao nhất là chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, các phó bí thư, Chủ tịch đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách - PV) thì phải tự lo liệu việc đi đến cơ quan, đi công tác trong phạm vi 15km. Quy định này được người dân rất đồng tình, hoan nghênh.

 

Từ trước đó, Hải Dương cũng đã thực hiện khoán điện thoại, công tác phí... rất triệt để. Nay nếu mình không thực hiện nghiêm thì nhân dân nhìn vào, các cán bộ cấp dưới cũng theo đó mà không thực hiện; lúc đó nói còn ai nghe nữa. Vì thế, dù là người nằm trong diện phải thực hiện “không xe đưa, xe đón”, tôi cũng đề xuất với đồng chí chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương”. 

 

Hải Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện qui định về việc sử dụng xe công. Vậy tỉnh có làm phép tính xem việc không dùng xe công như trước đây sẽ tiết kiệm được những gì, thu được cái lợi gì, thưa ông?

 

Lợi rất nhiều, vì bây giờ các ngành, lãnh đạo các huyện thực hiện nghiêm chỉnh, tiết kiệm được xăng dầu, hao mòn xe công... Theo tôi, đây là chủ trương rất đúng và tiến tới dần dần xóa hết bao cấp về xe công.

 

Ngoài ý nghĩa tiết kiệm thuần túy như thế, việc làm này còn có ý nghĩa lớn hơn là làm gương cho cán bộ, nhân dân. Trông thấy cán bộ vứt bỏ cả những đặc quyền cá nhân thì nhân dân thêm tin vào  đảng, nhà nước và cán bộ. Điều này hoàn toàn có thể nhìn thấy được.

 

Có ý kiến cho rằng, nếu từ bỏ chiếc xe hơi, cũng đồng nghĩa với cán bộ cấp cao của tỉnh giảm mất cái “uy” khi đi công tác. Là người “trong cuộc”, ông nói gì về điều này?

 

Riêng tôi thì tôi thoải mái, vì tôi đi xe máy cũng quen, thậm chí còn phóng hơi nhanh một chút (cười). Đi ôtô nhiều khi lại bí, muốn tạt ngang tạt ngửa một chút cũng kích rích. Chỉ có điều, cái uy khi đi làm việc đúng là còn những suy nghĩ nhất định ở không ít cán bộ. 

 

Nhưng cũng có câu chuyện thật thế này. Một giám đốc Sở của tỉnh đã phản ánh lại với tôi, mọi khi đi xe ôtô vào một cơ quan nọ của tỉnh thì không vấn đề gì, nhưng hội nghị vừa rồi, đi xe máy đến họp thì ông bảo vệ “ách” lại phía ngoài và đồng chí giám đốc này phải trình bày rất lâu: đi đâu, làm gì, gặp ai thì mới được cho vào. Nói vậy để thấy rằng chúng tôi thực hiện rất nghiêm nhưng không phải không còn đôi điều suy nghĩ.

 

Ngoài việc giảm “uy” như nhiều người nói, các phó chủ tịch tỉnh với rất nhiều công việc khác nhau trong nội hạt tỉnh và việc không được dùng xe công trong phạm vi dưới 15 km cũng gặp những phiền hà nhất định?

 

Có những đồng chí phó chủ tịch nhiều tuổi, có đồng chí là nữ, có đồng chí nhà gần, có đồng chí nhà rất xa. Đó là điều rất trăn trở khi thực hiện quyết định này.

 

Khi tôi đi họp, hỏi các tỉnh thì hầu hết đều nói là rất khó thực hiện. Trước đó khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các địa phương, tỉnh Hải Dương cũng có nêu những ý kiến đó... Với quy định khoán điện thoại, công tác phí hay thậm chí cán bộ lãnh đạo tỉnh đi xe máy từ nơi ở đến cơ quan thì có thể thực hiện tốt nhưng quy định cán bộ trong vòng 15 km không dùng xe công là điều không dễ thực hiện.

 

Với những tỉnh có địa bàn hẹp như tỉnh Hải Dương, đi từ thành phố về các huyện xã chưa đầy 15 km, đi xe máy cũng có bất tiện nhất định. Cũng không thể không loại trừ những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cách đây ít lâu, đồng chí Hoàng Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh mới đi xe máy được độ chục hôm bị xe máy khác đâm vào, ngã rạn xương sườn, đến giờ vẫn chưa thể đi làm.

 

Có nhiều hướng mở để thực hiện việc không dùng xe công như dùng xe riêng, thuê taxi... nhưng với mức lương phó chủ tịch như hiện nay, thực hiện điều này cũng có độ “chênh”?

 

Bây giờ lương chưa thể đáp ứng được các yêu cầu. Lương tôi bây giờ khoảng 3 triệu, chưa thể đáp ứng được các yêu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Điện thoại một tháng nhà nước “bao cấp” 6 trăm nghìn thì hàng tháng vẫn phải “bù” thêm. Đó là chưa kể tới đám hiếu, đám hỉ và trong bối cảnh giá cả thị trường lên nhanh như hiện nay. Theo tôi, nếu các cán bộ chấp hành nghiêm quy định, chế độ dùng xe công thì Chính phủ cũng phải đồng bộ với việc tăng tiền lương.

 

Sau này, nếu khoán tiền để người ta đi taxi, tiến tới, theo mình là đưa vào lương đi. Tôi có xe riêng, tôi đi theo cách của tôi. Tôi biết rằng trên Bộ, một số Cục đã có cán bộ mua xe riêng nhưng ở dưới địa phương, điều này còn rất hiếm. Chánh văn phòng HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã mua xe riêng, tự lái đi làm rồi.

 

Còn hướng tận dụng xe, ví dụ như khi đi công tác, có thể ngồi cùng xe với các đồng chí Chủ tịch tỉnh, Bí thư…?

 

Điều này Hải Dương thực hiện cũng đã lâu. Khi cùng một cuộc họp, có khi lãnh đạo tỉnh ngồi cùng xe với các lãnh đạo Sở, ngành trong xe nhiều chỗ ngồi. Xuống huyện, mời thành phần nhiều, chúng tôi chỉ đi một xe lớn, trừ chủ tịch tỉnh hoặc bí thứ tỉnh.

 

Ở đây tôi cũng muốn nói thêm, chủ trương hạn chế dùng xe công là hoàn toàn đúng. Chỉ có điều là cần phân cấp độ thực hiện rõ ràng, cụ thể hơn đối với các cán bộ ngoài 4 chức danh được dùng xe. Nếu bỏ chung vào một rọ như thế thì cán bộ cũng hơi “chạnh lòng”.

 

Tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng xe công theo qui định của Chính phủ, nhưng vẫn có thể đặt ra tình huống, có những trường hợp thực hiện không nghiêm. Khi đó sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

 

Không thực hiện thì kiên quyết xử lý. Trước hết là nhắc nhở, nếu vẫn cố tình vi phạm thì thông báo đến các đoàn thể. Thú thực là từ khi thực hiện quyết định nói trên của Chính phủ, chúng tôi chưa xử lý tình huống này bao giờ nhưng quan điểm là xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm. Cũng cần nói thêm, khi các lãnh đạo tỉnh thực hiện nghiêm thì bên dưới anh em cũng nhìn vào làm theo.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Người dân nghĩ gì?

 

Bà Vũ Thị Tòng, 56 tuổi, bán chè: Chuyện chị Liên (Đặng Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) đi xe máy đi làm thì tôi biết từ rất lâu rồi. Nay Chính phủ có chủ trương như thế thì nhân dân ủng hộ quá đi chứ. “Nhà nước đi trước, làng nước theo sau” mà. Nhưng theo tôi, cũng nên có chi phí xăng dầu cho người ta nếu đi công tác xa.

 

Điều quan trọng hơn cả, công cuộc chống tham nhũng, lãng phí của Nhà nước cũng phải “gần” dân hơn nữa. Cứ lấy thông tin ban đầu từ nhân dân, chuyện ông nọ, bà kia vừa lên chức thay xe gì, mua nhà gì nhân dân biết hết.

 

Ông Nguyễn Đức Quế, 50 tuổi, đạp xích lô: Chính phủ có quy định như thế, nhân dân rất mừng. Không chỉ tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp cán bộ có suy nghĩ đúng, gần dân hơn. Từ đó hình thành ý thức để điều chỉnh hoạt động khác.

 

Nhà tôi gần nhà ông Phó Giám đốc Công an tỉnh, tôi biết, ngày nào ông ấy chả đi xe máy đến cơ quan. 

 

Phúc Hưng - Cấn Cường
(Thực hiện)