“Làm ở Sở Quy hoạch oai lắm chứ, nhưng tuyển người không dễ!”
(Dân trí) - “Làm ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc ai chả sướng, ai chả thích, cũng oai lắm chứ! Nhưng thực tế tuyển người không dễ”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói.
Sáng 7/12, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QHKT cho biết, hiện khối văn phòng sở này có 93 người (78 công chức, 15 hợp đồng). Khối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc có 22 người tại Ban Quản lý dự án và 65 người tại Trung tâm.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, Sở QHKT đã trưng tập, biệt phái 8 viên chức, 16 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về khối văn phòng sở hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Ông Vinh cũng cho biết, trong năm 2017, thực hiện chủ trương tinh giản bên chế, Sở QHKT đã chấm dứt 20 nhân viên hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm tư đảng viên, nhân viên đã ký hợp đồng lao động trước đây, đặc biệt là những người có thời gian công tác lâu năm ở sở.
Giám đốc Sở QHKT kiến nghị TP cho phép bổ sung (tiếp nhận không qua thi tuyển) các trường hợp là hợp đồng lao động đã làm việc tại đây có thời hạn 5 năm trở lên. Điều kiện được tuyển là cán bộ có năng lực, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu công việc còn thiếu.
Cho ý kiến về đề xuất trên, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn không hiểu tại sao từ năm 2011 đến nay, dù trải qua 3 đời Giám đốc Sở QHKT vẫn cứ đề xuất mãi việc bổ sung tiếp nhận không qua thi tuyển các trường hợp lao động hợp đồng 5 năm kinh nghiệm trở lên.
Theo ông Sáng, không có cách nào khác việc tuyển công chức phải theo quy định và làm công khai. Bởi nếu tuyển những người có 5 năm kinh nghiệm như đề xuất, ngay cả Sở Nội vụ cũng chưa dám làm vì rất phức tạp, dễ dẫn đến sai phạm, dễ bị kiện tụng.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, chính ông đã mách nước cho Sở QHKT bổ sung số công chức còn thiếu theo cách luân chuyển cán bộ từ Viện Quy hoạch Xây dựng lên và đưa những trường hợp lao động hợp đồng xuống viện để đào tạo.
Ông Sáng đánh giá những nhân viên làm ở Viện Quy hoạch có rất nhiều kinh nghiệm, rất nhiều kiến thức. Nếu những trường hợp này chuyển lên Sở QHKT thì chỉ cần làm thủ tục là trở thành công chức.
“Còn nhân viên hợp đồng ở đây, luân chuyển xuống viện để đào tạo thì sở không chịu làm, đến nay vẫn còn 20 người. Tôi không hiểu tại sao số này lại gắn bó ở đây mãi để làm gì, hay có cái gì không?”, ông Sáng nói và cho biết, 3 năm trước khi chưa thực hiện Nghị quyết 39, năm nào sở này tổ chức thi tuyển công chức và cũng không ai cấm 20 trường hợp trên dự thi.
Là người từng làm Giám đốc Sở QHKT trong 2 năm, theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các sở ngành liên quan cũng phải chia sẻ về vấn đề trên, xem xét việc tuyển chọn cán bộ cho Sở QHKT một cách hợp tình, hợp lý. Bởi theo ông Hùng, đây là lĩnh vực chuyên ngành, việc tuyển người có đặc thù riêng nên không dễ chút nào.
Ông Hùng nhớ lại thời làm Giám đốc Sở QHKT, bản thân ông cũng rất trăn trở trong việc tổ chức bộ máy của sở này. Thời điểm đó, Sở QHKT còn thiếu 24 tiêu chuẩn công chức. Ông Hùng sàng lọc mãi mới được 10 người, đưa lên Sở Nội vụ cho ý kiến thì có tới 5 người bị loại.
Theo ông Hùng, việc lấy người ở Viện Quy hoạch lên như đề xuất của ông Sáng cũng có những cái khó nhất định. Bởi có những người làm chuyên môn giỏi nhưng công tác quản lý lại hạn chế nên khi tuyển chưa chắc đã được. Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc mà đi tuyển người ở các trường đại học thì họ cũng không muốn về.
“Làm ở Sở QHKT ai chả sướng, ai chả thích, cũng oai lắm chứ! Nhưng thực tế thì tuyển người không dễ. Tuyển công chức làm công tác chuyên môn không dễ tí nào”, ông Hùng nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý Sở QHKT tuyển dụng công chức theo hai phương án mà ông Trần Huy Sáng nêu ra đều được. Theo đó, cách thứ nhất là luân chuyển những người phù hợp và cách thứ hai là thi tuyển.
Theo ông Hoàng Trung Hải, “đầu bài” đặt ra cho công tác tuyển dụng công chức vẫn phải là tuyển theo đúng chuyên môn làm việc. Ông Hải cũng lưu ý Sở QHKT: “Đừng chỉ có xem chuyên môn theo bằng cấp trên giấy, mà phải kiểm tra trực tiếp. Để tránh khi tuyển xong, có khi điểm rất cao nhưng không làm được việc. Bởi năng lực học và năng lực làm việc là hai vấn đề khách nhau”.
Quang Phong