1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Làm luật” ở cảng Sài Gòn

Trước khi khởi hành, tài xế Lân căn dặn: “Ông mới đi lần đầu phải biết mấy khoản “đầu tiên” (tiền đâu) với mấy tay bảo vệ cổng. Bằng không bị lên danh sách cấm vô cảng là húp cháo cả đám”. Hàng trăm lượt xe tải, xe container ra vào cảng Sài Gòn mỗi ngày, đều phải gánh nhiều khoản phí bất thành văn…

Vé cổng 5.000 đồng nhưng thu gấp đôi!

 

Ngày 7/11, chúng tôi vào cảng Khánh Hội (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM) để nhận cám chở về Bình Dương.

 

Khi xe tới cổng Bến Súc, tôi thấy có bảng thông báo: “Phí xe tải 5.000 đồng/lượt”. Tuy nhiên, tài xế đưa tôi 10.000 đồng bảo vào mua vé. Mặc dù có bảng thông báo như vậy nhưng tôi vẫn hỏi một nữ bảo vệ: “Vé vào cổng bao nhiêu hả chị?”. “Mười ngàn” (10.000 đồng) - chị nhân viên này đáp cộc lốc.

 

Tôi đưa tiền, chị nhân viên đưa lại một vé thu tiền giá 5.000 đồng và một “giấy vào cảng” do trưởng phòng bảo vệ Hoàng Văn Biên ký, giấy không số, không ngày cấp... Chúng tôi thắc mắc: “Sao vé ghi năm ngàn mà thu tới mười ngàn?”. Chị nhân viên nhìn chúng tôi với vẻ mặt khó chịu: “Thêm tờ giấy này (giấy vào cảng) năm ngàn nữa ông ơi”.

 

Vé vào cổng đã thế nhưng khi ra cổng vẫn phải chi thấp nhất từ 5.000-10.000 đồng, mặc dù khoản tiền này không hề có trong qui định. Theo một lơ xe, có hai cổng ra là cổng Kho 5 và cổng Nhà Rồng. Tiền chi phụ thuộc ca trực của bảo vệ. Có người lấy 5.000 đồng nhưng cũng có người “chặt” 10.000 đồng.

 

Theo thống kê, bình quân ban ngày có hơn 500 lượt xe vào, ra cảng (ngày cao điểm lên đến 800 xe) thì ước tính nhân viên bảo vệ các cổng cảng đã thu hơn 10 triệu đồng (cả xe vào lẫn xe ra), trong đó chỉ có 4 triệu đồng là thu theo qui định (5.000 đồng/vé vào cổng).

 

Hoạnh họe để làm tiền

 

Đêm 7/11, tôi theo xe vào cảng Khánh Hội để chờ nhận hàng. Đang lim dim định chợp mắt thì nghe những tiếng đập thình thình vào thùng xe. Mở cửa xe, tôi thấy một nhân viên bảo vệ đứng dưới đất, tay chống nạnh nhìn lên hất hàm hỏi: “Xe lấy hàng gì mà đậu đây ngon vậy? Muốn ghi số xe không?”.

 

Tôi hiểu “ghi số xe” là để phạt tiền vì nơi đây không được đậu xe. Tôi nói xe đang chờ lấy sắt chở về Bình Dương, xin đậu qua đêm. Nhân viên bảo vệ nhìn biển số xe rồi phán: “Xe này trước đây bị phạt một lần rồi, lần này cấm vô luôn”. Tôi năn nỉ xin bỏ qua, anh nhân viên bảo vệ nhìn trước ngó sau rồi hạ giọng: “Bây giờ muốn gì thì nói?”.

 

Biết ý, chúng tôi rút tờ 50.000 đồng, anh này lập tức cầm đút vào túi. Các tài xế xe chờ hàng phải đậu qua đêm cho biết: “Muốn đậu đêm ở cảng phải gặp các “sếp” trưởng, phó ca trực để nhờ giúp đỡ”.

 

Theo hướng dẫn của các tài xế tôi tìm gặp Vũ Gia Khánh, phó ca trực cổng Bến Súc (đội bảo vệ cảng Nhà Rồng) lúc 23h ngày 7/11. Sau vài câu chào hỏi, tôi nhập đề: “Tụi tôi có mấy xe đậu dưới cảng Khánh Hội mất đồ dữ quá nên xin lên trên này đậu, nhờ anh giúp”.

 

Khánh làm bộ khó dễ: “Trên này còn chỗ nào đâu mà đậu”. Tôi hỏi tiếp: “Anh chiếu cố giúp cho đậu chừng 6-7 chiếc được không?”. Khánh đổi giọng: “Thôi, đưa danh sách xe coi. Được rồi, để đây đi”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Lấy bao nhiêu hả anh?”. Khánh nháy mắt đưa một ngón tay (100.000 đồng).

 

Khoảng 22h ngày 9/11, tôi tiếp tục theo xe vào nhận hàng ở khu vực cảng Khánh Hội. Đêm nay là ca trực của Trần Văn Bon, thuộc đội bảo vệ cảng Nhà Rồng. Gặp chúng tôi, ông Bon hỏi có mấy xe muốn đậu qua đêm, sau khi chúng tôi nói sáu xe, ông Bon quay qua bà Nguyệt (nhân viên thu phí) hội ý rồi nói: “Phải đi sớm mới được, đưa danh sách đây”.

 

Liếc qua danh sách của chúng tôi đưa, ông Bon chìa tay ra hiệu đưa tiền. Tiếp đó, ông Bon lên tiếng: “Sáu xe sáu chục ngàn”.

 

Tương tự, trong ca trực đêm 17/11 do ông Kế làm trưởng ca, lúc 22h chúng tôi chứng kiến một nhóm tài xế đến gặp ông Kế để xin đậu qua đêm. Ông Kế dọa một tài xế: “May mà ông gặp tui, tám xe đưa đây 100.000 đồng thôi”.

 

Theo thống kê của chúng tôi, hằng đêm trung bình có 250-300 lượt xe vào cảng giao nhận hàng hóa, trong đó số lượng xe phải đậu qua đêm chờ giao nhận hàng hơn 100 xe/đêm. Tính ra một ca trực (bảy người) đã bỏ túi riêng 5-6 triệu đồng/đêm.

 

Ngoài lỗi đậu xe qua đêm, những xe nào chở vượt tải trọng đều bị bảo vệ xử “triệt để” theo kiểu phạt vạ hoặc đòi chung tiền rồi mới ra quyết định giải tỏa biên bản vi phạm. Theo các tài xế, muốn giải quyết xe vi phạm phải gặp “bộ tứ” Nhỏ - Thanh - Hải và Hoàng. 12h30 ngày 24/11, chúng tôi gõ cửa phòng bảo vệ cảng Sài Gòn để gặp ông Huỳnh Văn Nhỏ, phó phòng.

 

Sau một hồi nghe tôi ca cẩm về việc xe bị cấm vào cảng, ông Nhỏ đọc qua “giấy cam kết”, số xe và tình trạng vi phạm rồi phán: “Xe này bị nặng quá. Gặp Thanh chưa? (Thanh là đội trưởng đội điều tra thụ lý - PV). Cái gì biết trước mới dễ giải quyết. Xuống đội đi, tí tao xuống”.

 

12h40, tôi có mặt tại phòng bảo vệ quân sự cảng Sài Gòn (đội điều tra thụ lý nằm chung ở đây) đặt ở cổng Kho 5. Tôi trình bày với ông Hải có chiếc xe vi phạm đậu đêm, nhờ giải tỏa để xe vào cảng lấy hàng. Cũng như thái độ của ông Nhỏ, ông Hải nhắc đi nhắc lại rằng “xe vi phạm quá nặng”, nhưng cuối cùng nói: “Để đơn lại đây, lên cổng Bến Súc gặp thằng Khánh nói nó gọi điện xuống đây cho chú”.

 

Thấy hai tờ giấy bạc loại 50.000 đồng kẹp vào đơn xin giải tỏa xe, ông Hải mỉm cười bảo “để đó đi”... 10 phút sau đó tại cổng Bến Súc, chúng tôi gặp Khánh theo như chỉ dẫn của ông Hải. Khánh nói chắc như đinh đóng cột: “Tí nữa lên đội điều tra thụ lý tao giúp giải tỏa gọn ghẽ cho mày luôn”.

 

Theo H. Khương – V.H.Quỳnh

Báo Tuổi Trẻ