1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giáo sư, Viện sĩ Trần Thanh Vân:

“Làm khoa học chỉ để được giải thưởng sẽ là bi kịch”

(Dân trí) - GS-TS Trần Thanh Vân là nghiên cứu viên cao cấp danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp; được Nhà nước Pháp tặng huân chương cao quý Bắc đẩu Bội tinh. Ông cũng được Nhà nước Liên bang Nga phong tặng danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm LB Nga vì những cống hiến với nền khoa học thế giới…Ông đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện cởi mở.

Xa đất nước mấy chục năm nhưng không lúc nào GS Trần Thanh Vân quên đi nguồn cội. Ông là người đề xướng và tổ chức thành công 5 chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

 

Về Việt Nam lần này, ông là Trưởng ban tổ chức chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VI”, qui tụ hơn 200 giáo sư vật lý quốc tế và sự hiện diện của 2 nhà khoa học nổi tiếng, được giải thưởng Nobel Vật lý.

 

Số đông sinh viên còn thụ động

 

Lý do nào để GS trở về Việt Nam và tổ chức những cuộc “Gặp gỡ Việt Nam”"?. Đánh giá của GS về hiệu quả của chương trình?

 

Ý tưởng tổ chức chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được nảy sinh từ năm 1993. Khi đó, tôi gặp GS Nguyễn Văn Hiệu và ông đề nghị tôi trở về phối hợp với các nhà vật lý trong nước để tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” với chủ đề cơ bản về vật lý hạt nhân và vật lý thiên văn.

 

Nếu tổ chức tốt chương trình này thì tầm ảnh hưởng sẽ lan rộng tới nhiều nhà khoa học khác, thúc đẩy sự phát triển và nghiên cứu khoa học ở VN, giúp các nhà khoa học VN có điều kiện giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới.

 

Kết quả thì rất dễ thấy, hiện một nhóm nhà khoa học VN đã được kết nạp vào một tổ chức nghiên cứu khoa học cấp cao về vật lý, và những SV được đi học ở Mỹ, Pháp cũng là thành công của chương trình này.

 

Thông qua chương trình, một số nhà khoa học trẻ đã được gửi đi nghiên cứu ở nước ngoài. GS kỳ vọng gì ở lớp nhà khoa học trẻ này?

 

Điều chúng tôi mong mỏi ở các em là sự chủ động, năng nổ hơn trong học tập và công việc của mình. Ở VN, số đông các em quá thụ động. Thầy nói gì, trò nghe nấy, không tự tạo cơ hội gặp gỡ những thầy khác để mở rộng hơn tầm hiểu biết của mình. Tình trạng “thầy nói trò nghe” rất có hại. Chẳng ai đi buôn bán mà cứ ngồi trong nhà mình, đóng cửa lại rồi bảo “Có ai mua hàng của tôi không?” cả.

 

Ai cố đoạt giải, người đó sẽ thất bại

 

Có bao giờ ông nghĩ, trong số các nhà khoa học trẻ được gửi ra nước ngoài học sẽ có người đoạt giải Nobel?

 

Không. Xin khẳng định là tôi không bao giờ nghĩ tới điều đó. Tôi nghĩ, giải thưởng Nobel là một điều bất ngờ mà không phải ai cũng nghĩ là nó sẽ “rơi” vào tay mình được. 100, thậm chí 1.000 người giỏi “gần bằng nhau”, nhưng có 1 người nào đó làm được việc có tầm quan trọng hơn thì người đó sẽ được trao giải thưởng.

 

Điều đó không có nghĩa là người được giải thưởng Nobel này là giỏi hơn tất cả mọi người, mà yếu tố bất ngờ gần như quyết định. Ai đó nghĩ rằng mình phải cố học, cố nghiên cứu để đạt được giải thưởng Nobel thì người đó chả bao giờ chạm tay vào giải thưởng Nobel cả.

 

Quan điểm của ông về việc rất nhiều SV VN được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu và thường tìm cách ở lại, không về phục vụ đất nước?

 

Sau khi hoàn thành luận án, các em còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, vì vậy nhiều em có nhu cầu ở lại để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và tìm những cơ hội cọ xát với môi trường khoa học tiên tiến của thế giới, đó là một điều hết sức dễ hiểu.

 

Ở lại nước ngoài, họ có điều kiện để hoàn thiện mình hơn nếu được làm việc với các nhà khoa học có tầm cỡ. Khi tài năng đã thực sự chín, lúc đó các em trở về để cống hiến cho đất nước cũng chưa muộn.

 

Tôi nghĩ, nên để các em tự ý thức được trách nhiệm cá nhân mình, từ đó, các em có trách nhiệm với những người xung quanh, với đất nước.

 

Bí quyết của tôi là “làm tới bến”

 

GS Trần Thanh Vân rời VN năm 1953,  khi mới 16 tuổi. Ông  may mắn được người anh trai  hướng vào khoa học. Một cuộc gặp gỡ tình cờ khác cũng  đã làm thay đổi số phận của ông. Trong kỳ thi vấn đáp năm 1957, ông đã gặp Giáo sư Maurice Lévy, người được coi là "cha đẻ" của vật lý nguyên tử Pháp và ông đã quyết định theo ngành vật lý. Theo  ông, vai trò của người thầy là cực kỳ quan trọng và ông đã may mắn có được điều này.

GS J. Cronin, người đoạt giải Nobel vật lý có nói: “Nếu như làm khoa học chỉ để mong được giải thưởng Nobel thì điều đó là một bi kịch, làm khoa học trước hết phải xuất phát từ lòng say mê”, quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

 

Tôi đồng ý với ý kiến này. Một người làm khoa học là cực khổ vô cùng. Ví dụ như cá nhân tôi, sau khi ra trường, con gái tôi đi làm với mức lương gấp 3 lần lương của tôi, dù tôi đã làm khoa học 30, 40 năm rồi. Đó là một dẫn chứng điển hình của quan điểm “Muốn giàu sang và có danh vọng thì không ai làm khoa học”.

 

Làm khoa học phải xuất phát từ đam mê, cảm thấy nếu như mình không làm khoa học, không nghiên cứu thì cuộc đời mình không còn ý nghĩa gì nữa.

 

Có bí quyết gì để tạo nên một GS Trần Thanh Vân nổi tiếng và có chỗ đứng trong làng khoa học thế giới như hiện nay?

 

(Cười) Tôi chẳng có bí quyết gì riêng biệt, độc đáo cả. Ban đầu, tôi định theo học ngành kỹ sư nhưng trong kỳ thi vấn đáp năm 1957, tôi may mắn gặp Giáo sư Maurice Lévy, người được coi là “cha đẻ” của ngành vật lý nguyên tử Pháp và tôi đã quyết định theo ngành vật lý.

 

Tôi chỉ có quan điểm duy nhất để làm việc, đó là đã làm công việc gì thì phải làm cho “tới bến” bằng tất cả tâm hồn và khả năng của mình. Liệu thành công có phải nằm ở đây chăng?

 

Nền khoa học mang tính hành chính

 

Trở về VN từ năm 1993, cảm nhận của GS về sự đổi thay của nền khoa học VN từ đó đến nay như thế nào?

 

Có một sự thay đổi rõ rệt nhất, đấy là... ngoại ngữ. Các cuộc hội nghị của chúng tôi thường diễn ra bằng tiếng Anh, năm 1993 trong hội nghị chỉ có... 1 đến 2 người hiểu được là chuyện rất bình thường. Đến nay, 95% người tham dự hội nghị đã hiểu hết được nội dung, đây thực sự là một tiến bộ lớn, vì nếu không hiểu tiếng Anh thì sẽ rất khó làm khoa học.

 

Có một sự thay đổi nữa là các Viện khoa học của chúng ta càng ngày càng “sáng” hơn, mở rộng cửa hơn với những người trẻ tuổi, như thế, họ sẽ có ý thức, trách nhiệm đối với cá nhân mình cũng như với xã hội.

 

Song theo tôi, vẫn còn phải cố gắng nhiều về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác khoa học, sao cho họ đủ thu nhập đảm bảo cuộc sống, không phải đi làm thêm, dạy thêm ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, và như thế, chúng ta mới thu hẹp được khoảng cách với các nước tiên tiến.

 

Theo ý kiến cá nhân của GS, nền khoa học VN nói chung và các nhà khoa học VN nói riêng hiện đang “đứng” ở đâu trong làng khoa học thế giới?

 

Thời gian trước, khi nước ta đang ở trong thời kỳ “cửa đóng, then cài” nên có thể nói, chúng ta mất hẳn một thế hệ lớn. Hiện nay, chúng ta có những cán bộ lớn, nhưng dường như khoa học của chúng ta vẫn mang tính chất hành chính chứ những GS giỏi, thực sực có tài năng, tầm vóc và cống hiến cho khoa học lại không đáng kể.

 

Chúng tôi mong muốn và cố gắng đào tạo những nhà khoa học trẻ, bởi đó mới là những người đứng đầu và làm chủ của xã hội tương lai.

 

*

Dòng máu Việt vẫn chảy rần rật trong cơ thể ông, vì thế, ông đã và đang làm hết sức mình để đóng góp cho đất nước. Trước khi chia tay, ông nhắc đi nhắc lại việc sắp hoàn thành xây ngôi trường SOS ở Đồng Hới quê hương ông, trị giá 1.300.000 USD bằng nguồn vốn do ông vận động. Ông bảo, tuyên truyền về việc này không phải để “lăng xê” ai, mà để mọi người thấy rằng, mỗi người cần có trách nhiệm với cộng đồng hơn, đặc biệt là nâng cao niềm tự hào của người Việt.

 

P.V