“Lái xe buýt ở Hà Nội như siêu nhân, áp lực lớn, còn bị ghẻ lạnh”
(Dân trí) - “Với điều kiện như hiện nay, người lái xe buýt phải có thần kinh thép mới lái được. Nhiều lúc tôi nói đùa họ là những siêu nhân. Với áp lực lớn, nhưng tôi có cảm giác nghề lái xe buýt đang bị ghẻ lạnh”, ông Nguyễn Công Nhật – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nói.
Ngày 16/9, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025. Theo định hướng đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đáp ứng được 20% nhu cầu, đến năm 2025 đáp ứng được 25%, trong đó vận tải bằng xe buýt vẫn là chủ lực với sự hỗ trợ của các tuyến buýt nhanh (BRT) và đường sắt trên cao.
Cả Thủ đô có 1,3km đường riêng cho xe buýt
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có 96 tuyến xe buýt, trong đó 75 tuyến trợ giá, 12 tuyến buýt không trợ giá và 9 tuyến buýt kế cận. Trên toàn mạng lưới hiện có 1.546 xe buýt, dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều phương tiện cũ. Việc sử dụng các phương tiện hiện tại dẫn tới một số hệ lụy như lượng khí xả vào môi trường cao, trung bình hàng năm hệ thống tiêu thụ cỡ 20.000 tấn diesel.
Dù định hướng tương lai, vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, trong đó xe buýt vẫn là chủ lực nhưng ông Hải đưa ra cảnh báo bắt đầu từ 2015 lượng hành khách có hiện tượng suy giảm, sản lượng đạt 431,9 triệu lượt khách (năm 2014 đạt 469 triệu lượt khách); 7 tháng đầu năm 2016 sản lượng tiếp tục giảm 9,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được chỉ rõ là do dịch vụ xe buýt bị xáo trộn, thiếu ổn định, không hấp dẫn và không thuận tiện; Những yếu tố về lộ trình cùng với ùn tắc giao thông trên tuyến vẫn tiếp tục diễn ra khiến thời gian chuyến đi tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân.
Ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng giám đốc tổng công ty vận tải Hà Nội cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để xe buýt hoạt động là đường dành riêng. Tuy nhiên, hiện trên địa chỉ có 1,3km đường dành cho xe buýt nhưng thực chất đây chỉ là nhánh của điểm trung chuyển. Ngoài việc xe buýt đi lại khó khăn trên đường, còn việc ra vào các điểm đón trả khách rất dễ xung đột với phương tiện khác.
“Gần như xe buýt phải loay hoay len lỏi trong một rừng xe máy. Với điều kiện như vậy, người lái xe buýt phải có thần kinh thép mới lái được. Nhiều lúc tôi nói đùa họ là những siêu nhân khi đối mặt với thực trạng giao thông. Với áp lực lớn, nhưng tôi có cảm giác như nghề lái xe buýt đang bị ghẻ lạnh”, ông Nguyễn Công Nhật chia sẻ.
“Đầu tàu” giảm phương tiện cá nhân
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa – Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố (Đại học GTVT) đánh giá, tại Hà Nội, ùn tắc giao thông ngày càng phổ biến và trầm trọng, nguyên nhân chính của vấn đề này xuất phát từ việc lựa chọn cơ cấu sử dụng phương tiện không hợp lý. Số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh chóng trong khi vận tải hành khách công cộng thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Theo ông Sùa, tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt trên địa bàn Hà Nội khoảng 10%, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần thêm khoảng 2.400 xe, mức 20% khoảng 3.300 xe. “Với điều kiện hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn”, Phó Giáo sư Sùa nói.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Từ Sỹ Sùa, Hà Nội vẫn cần phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân. Do vậy, để đảm báo phát triển xe buýt đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Hà Nội cần phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến chi phí và thời gian đi lại.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, vận tải hành khách công cộng cần phải chuẩn hóa các điều kiện tối thiểu về chất lượng dịch vụ, trong đó tiêu chí số một là phải đúng giờ ở tất cả các trạm dừng đỗ. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải ưu tiên hạ tầng cho xe buýt. Theo ông Khuất Việt Hùng, trước mắt cần phải chấp nhận điều tiết quyền sử dụng đường của những loại phương tiện khác.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá trở ngại lớn trong việc phát triển giao thông công cộng hiện nay không phải là nguồn vốn mà là tốc độ ra quyết định. Do vậy, về dài hạn các cơ quan chức năng cần phải thay đổi tư duy làm quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phát triển các phương thức vận tải. “Thời tôi làm chuyên môn, tôi nói chúng ta đang quy hoạch theo kiểu Thánh Gióng, tức chỉ qua một đêm chú bé 3 tuổi vút lên thành Phù đổng Thiêng Vương”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Ngoài ra, ông Khuất Việt Hùng còn đánh giá, vận tải hành khách công cộng vùng cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Hà Nội, đặc biệt trong đó là vấn đề giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ và giảm tai nạn giao thông trên các trục đường chính ra vào Thủ đô. Chính vì vậy, ông Hùng mong TP Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT không chỉ làm tốt vận tải hành khách nội đô mà cả vận tải công cộng vùng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Quang Phong