1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường

(Dân trí) - Đã thành thông lệ, mỗi ngày, hàng trăm người dân và học sinh xã nghèo Kỳ Thượng lại liều mình lội qua khúc sông dài hơn 100m, nước chảy xiết hoặc lênh đênh trên con đò mỏng manh để đi làm, tới trường. Khúc sông ấy đã có người phải bỏ mạng...

Kỳ Thượng là một xã miền núi nghèo của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Địa thế xã bị chia cắt thành hai vùng đất bởi con sông Rào Trổ rộng hơn 100m. Các xóm Bắc Tiến, Phúc Thành và Tân Tiến bị dòng sông tách biệt; gần 400 hộ dân với hơn 200 em học sinh các cấp nơi đây vì thế mà bị đò giang cách trở con đường tới trường.
 
Những lúc mưa xuống nước dâng cao, các xóm này bị "nhốt" trong một vùng mênh mông nước xiết. Mấy trăm em học sinh ngồi nhà chờ nước rút. Nhiều em vì thế mà phải bỏ học giữa chừng.
 
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 1
Chòng chành những chuyến đò đầy học sinh
 
 
Gian nan con đường đến trường
Chúng tôi tới xã Kỳ Thượng, ngắm con sông Rào Trổ vào lúc 11h trưa, khi trời không có mưa nhưng nước sông vẫn lớn và chảy xiết; được chứng kiến cảnh hơn 20 em học sinh chen lấn nhau được lên đò để qua sông. Con đò nhỏ như sắp chìm bởi lượng người quá tải, nước sông đã mấp mé mạn đò...
 
Để đến trường, các em phải dậy từ sáng sớm, cùng bố mẹ qua đò. Những lúc nước cạn hoặc không có đò, nhiều bậc phụ huynh liều mình cõng con bơi qua sông. Anh Nguyễn Văn Hùng, một phụ huynh vừa dẫn con qua đò, bày tỏ: "Khổ lắm các chú ạ, đưa con đi học mà lòng chẳng an. Biết rằng nguy hiểm nhưng đành chịu, chẳng lẽ để con thất học rồi lại quẩn quanh cái kiếp nghèo như bố mẹ chúng nó". 

Lo lắng của người lớn cũng là nỗi khiếp sợ của đám trẻ. Em Lê Thị Linh, học sinh lớp 9, nói: "Từ hôm thấy nhiều người đang cứu một em nhỏ bị trôi, mỗi lần qua đò là cháu lại run bắn lên. Qua sông để đến trường với bọn cháu là một quãng đường khó vượt qua nhất". 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm qua, đã có nhiều người tử nạn tại khúc sông này. Chỉ riêng 2 năm 2008 và 2009 có 4 em học sinh các cấp đều ở bên kia sông chết đuối thảm thương trên đường đi học. Đó là các em Nguyễn Thị Sương (SN 2000), Nguyễn Thị Trang (SN 1993), Nguyễn Thị Hoài (SN 1993) và Bùi Đức (SN 1999).
 
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 2
Một học sinh liều mình vác xe qua dòng nước xiết 

Là một lái đò lâu năm, anh Nguyễn Đình Chiến cũng không khỏi rùng mình khi nhớ lại những trường hợp xấu số ấy. “Sợ nhất là chở các em học sinh qua sông, có lúc nước lên cao lại chảy mạnh trên đò chở hơn 15 em bị nước đẩy ra xa hơn 200m, nhìn đám học sinh nháo nhác ôm lấy nhau lòng tôi cảm thấy bất an, may sao lúc đó có nhiều người ứng cứu. Mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy hoảng sợ”. 

Ước gì có một cây cầu!

Trao đổi với PV Dân trí về nỗi vất vả đò giang của người dân Kỳ Thượng, ông Nguyễn Trung Tính, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: Từ xưa đến nay, để sang sông họ đều phải lội bộ hoặc đi đò. Mà con sông này ngày một rộng và sâu hơn do biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông. Giao thông trắc trở, đời sống của người dân càng chồng chất khó khăn. Những năm qua, nhiều người phải bỏ mạng tại khúc sông oan nghiệt này.
 
"Kỳ Thượng là xã nghèo. Để xây dựng một cây cầu kiên cố qua sông là điều không thể. Chúng tôi chỉ biết khẩn cầu và trông chờ. Khi chưa có cầu thì đi đò là giải pháp duy nhất. Bất trắc đấy, nguy hiểm đấy, thiếu an toàn đấy nhưng không lẽ cấm. Xã chỉ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đò cố gắng đảm bảo an toàn ở mức tối đa thôi. Gần đây, xã có giải pháp mở một lớp mẫu giáo và dùng hội quán xóm cho 46 em học sinh lớp 1 và 2 học. Nhờ đó, số học sinh bỏ học có giảm bớt. Tuy nhiên, đường đến trường cho các em lớn tuổi hơn thì còn lắm gian nan" - ông Tính chia sẻ.
 
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 3
Ông Nguyễn Trung Tính, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng trao đổi với PV Dân trí
 
Được biết, sau nhiều lần kiến nghị, nhiều ý kiến cử tri, đã có một số đoàn về khảo sát, cắm mốc, lập hồ sơ xây cầu nhưng không hiểu sao đến đến giờ cầu vẫn chưa thấy? Người dân Kỳ Thượng phập phồng hy vọng mãi rồi lại thất vọng.
 
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 4
Con đò mấp mé, người đứng ngồi trên đò cũng như sắp ngã

Chia tay Kỳ Thượng và dòng sông Rào Trổ, chúng tôi không thể quên lời tâm sự của một học sinh tên Trang: “Ước gì con sông này có một cây cầu các chú nhỉ, để bọn cháu được đến trường nhiều hơn, để không còn phải nhìn thấy bạn của mình nằm lại dưới kia...”.

Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 5
Mạo hiểm  chống gậy qua sông để kịp giờ học
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 6
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 7
Bờ sông ngày càng sạt lở
Lại thót tim trông cảnh học sinh vượt sông tới trường - 8
Bến  sông cách trở  xa vời.

Minh Đức - Duy Thảo - Quốc Châu