Lại thêm một xóm “nhiễm từ”
(Dân trí) - Đối với người dân xóm 5, thôn Phước Thuận, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng, từ bao lâu nay, điện đã trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm. Chính họ cũng không hiểu nổi tại sao họ vẫn có thể sống được trong những ngôi nhà mái đỏ điện, đường dây cao thế đỏ rực và kêu rè rè liên hồi…
Phước Thuận là một thôn nhỏ với 140 hộ. Những người dân ở đây đã quen với việc sống chung với các đường dây điện. Dây hạ áp đan xen cùng những đường dây 500 kV, chạy dọc ngang trên nóc nhà dân, tạo ra một môi trường nhiễm từ nguy hiểm.
Người dân ở đây thường xuyên bị nhức đầu, thân thể mỏi mệt, đau nhức. Vào những ngày trời mưa, đặt bút thử điện lên mái tôn, điện sáng lòe. Gia súc, gia cầm nuôi không thấy lớn hoặc chết không rõ nguyên nhân. Hàng ngày, những tiếng kêu rè rè phát ra từ những đường dây cao thế khiến nhiều người mất ăn mất ngủ. Chưa hết, những hôm mưa, hai hệ thống điện cao thế phát tiếng kêu rất to, đường dây đỏ rực, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Lô cho hay, cây cối trong vườn nhà anh và các hộ sống dưới đường điện đều có hiện tượng cằn cỗi, cây cho rất ít trái hoặc không đậu trái nữa. Những hôm trời mưa hoặc không khí ẩm ướt, chỉ cần đụng nhẹ vào hàng rào sắt hay phần kim loại ở chiếc dù che mưa thì cũng bị điện giật tê tê. Ti vi ở đây thì luôn trong tình trạng nhiễu sóng.
Tất cả các hộ dân thôn Phước Thuận đều đã có đơn kiến nghị gửi lên chính quyền xã cũng như các cấp có liên quan. Đại diện của đơn vị quản lý vận hành đường dây (Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng) cùng đại diện của chính quyền xã Hoà Nhơn cũng đã về tiến hành kiểm tra hiện trường.
Tuy nhiên, đọc biên bản hiện trường, chúng tôi thấy còn nhiều điều “lạ” như: đo điện khi trời nắng to (trong khi những hiện tượng nhiễm từ thường xảy ra lúc trời mưa), biên bản ghi những thông số kỹ thuật mà chỉ người trong ngành mới hiểu (Trị số cường độ điện trường là 2,92kv/m, Ea, Eb,Ek,…).
Điều đáng nói hơn là cuối cùng, dân cũng chỉ nhận được có tờ biên bản đó. Một kết luận của cơ quan chức năng cũng không có. Từ hồi đó đến nay, cũng đã hơn 6 tháng, dân vẫn chịu cảnh sống trong môi trường điện từ nguy hiểm.
Lê Tấn Quỳnh
(Văn phòng đại diện miền Trung)