Lá thư gửi Thủ tướng VN về vấn đề mũ bảo hiểm đối với trẻ em
(Dân trí) - Tổng giám mục Desmond Tutu từ Nam Phi, khôi nguyên giải Nobel Hoà Bình, đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, thúc giục Thủ tướng thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đối với trẻ em.
Không bắt buộc trẻ dưới 14 tuổi đội mũ bảo hiểm là sai lầm?
Trong lá thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đức Tổng Giám mục Tutu nêu một quan ngại rằng: trong khi tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn sau khi thực thi luật mới rất cao, quy định xử phạt không áp dụng cho trẻ dưới 14 tuổi đã dẫn tới việc rất nhiều trẻ em không đội mũ bảo hiểm nữa. “Giống như một cuộc chiến tranh, tai nạn giao thông đang cướp đi tính mạng và gây thương tật cho những người trẻ tuổi từng ngày”, Tổng Giám mục viết.
Chia sẻ với những lo ngại của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới, vị lãnh đạo tôn giáo của Nam Phi kêu gọi việc chỉnh sửa quy định xử phạt hành chính đối với việc đội mũ bảo hiểm của trẻ em.
Ngài Tutu nói: “Một vấn đề nguy kịch không đáng có vẫn còn tồn tại là việc trẻ em không được đội mũ bảo hiểm. Tôi được biết rằng việc không áp dụng quy định xử phạt hành chính cho hành vi không đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em dưới 14 tuổi và những thông tin đại chúng sai lệch đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm suy giảm nhanh chóng. Tôi rất buồn khi được biết hậu quả là mỗi tuần có hơn 12 em bé Việt Nam bị thiệt mạng và nhiều hơn số đó là các em bị chấn thương sọ não”.
Trong cuộc hội bàn của Liên hợp quốc, câu chuyện về bé Lê Xuân Hân, nạn nhân của tai nạn giao thông đường bộ Việt Nam được ngài Robertson, Uỷ ban An toàn giao thông đường bộ toàn cầu đề cập trong hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Lê Xuân Hân là một em bé thuộc dự án Mũ bảo hiểm cho trẻ em. Bé đã ra đi mãi mãi vào dịp Tết vừa qua khi ba mẹ bé, khác với thường lệ, đã cho phép bé không đội mũ khi đi thăm họ hàng.
Trẻ đội mũ bảo hiểm lợi hay hại?
Ngôi sao điện ảnh và là người vận động chiến dịch an toàn giao thông Make Road Safe, Dương Tử Quỳnh, cũng từng có cùng lo ngại trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3/2008.
“Mỗi năm Việt Nam đang mất đi hàng ngàn trẻ em. Logic của vấn đề ở đâu khi người lớn biết đội mũ bảo hiểm cho mình mà không đội mũ cho con? Người lớn cần phải bảo vệ con mình đúng như cách họ đã tự bảo vệ mình. Chúng ta cần phải bảo vệ tương lai của chúng ta, trẻ em của chúng ta”.
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á nói: “Việc thi hành đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em là tối cần thiết. Các bậc cha mẹ và bảo mẫu có trách nhiệm cao cả bảo vệ thế hệ trẻ, và họ phải bắt đầu thay đổi thói quen và suy nghĩ của mình. Đội mũ bảo hiểm cũng giống như tiêm phòng vắc xin để bảo vệ em bé.
Những lời đồn đại thất thiệt rằng mũ bảo hiểm có thể gây chấn thương vùng cổ hoặc vùng đầu cho trẻ là sai trái và vô trách nhiệm. Không có bất cứ một bằng chứng nào cho lập luận nói trên. Thế nhưng có rất nhiều những nghiên cứu khoa học và chuyên ngành y khoa đã kết luận rằng mũ bảo hiểm có thể cứu sống trẻ và bảo vệ não bộ”.
Ông Jesper Morch, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nói: “Việc thực thi luật đội mũ bảo hiểm của Việt Nam là cam kết nghiêm túc của chính phủ để bảo vệ tính mạng và phòng tránh những chấn thương nghiêm trọng cho người dân. Trách nhiệm của tất cả mọi người là bảo vệ con em mình. Mũ bảo hiểm dành cho trẻ em có nhiều trên thị trường và đã được chứng minh có khả năng giảm thiểu hậu quả của chấn thương sọ não”.
Ông Jean Marc Oliver, đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nói: “Các bậc cha mẹ có trách nhiệm đảm bảo rằng các con mình đội mũ bảo hiểm phù hợp bất cứ khi nào các cháu ngồi sau xe máy”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói: “Các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo phải nghiêm túc thực hiện và phổ biến luật, trong đó quy định rõ tất cả những người điều khiển và ngồi trên môtô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, bao gồm cả trẻ em”.
Lan Hương