Là đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cũng bình đẳng như giáo viên
(Dân trí) - “Đã là đại biểu Quốc hội thì dù đại biểu đó là Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh hay là giáo viên cấp 1, doanh nhân… đều bình đẳng, đều có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau với tư cách là đại biểu của nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh trong buổi đối thoại trực tuyến về chủ đề “Một Quốc hội của dân, do dân, vì dân”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cho rằng đó là vì những người tự ứng cử ở vòng 2 còn phải qua sự tín nhiệm của cử tri nơi làm việc cũng như cử tri ở nơi cư trú, và nhất là qua sự cân nhắc, xem xét của chính bản thân ứng cử viên. Đương nhiên cũng có trường hợp là đảng viên do phải tập trung vào công việc đang làm, nên cấp ủy có ý kiến chỉ đạo là không nên ứng cử, mà đã là đảng viên thì phải chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp ủy.
“Vừa qua báo chí có nêu trường hợp ông Vũ Xuân Hồng và ông Nguyễn Bá Thanh có vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, vậy sao vòng hiệp thương thứ 3 họ vẫn được giới thiệu trong danh sách ứng cử?” Bạn Quốc Cường (quoccuong27@yahoo.com) nêu câu hỏi. Ông Yểu giải thích, trước Hội nghị hiệp thương vòng 3 của MTTQ Việt Nam các tỉnh và Trung ương MTTQ Việt Nam, các trường hợp có khiếu nại đã được xác minh, kết luận, trong đó có trường hợp của hai ông Vũ Xuân Hồng và Nguyễn Bá Thanh. Theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền thì hai ông này không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Chất lượng của các ứng viên là vấn đề cử tri Đỗ Hoàng (dohoang_132@yahoo.com) tỏ ra lo lắng thông qua ví dụ cụ thể: “Tôi thấy trong 5 ứng cử viên QH TP. Điện Biên thì có 2 ứng cử viên không có việc làm, 1 người là nhân viên phục vụ. Vậy làm sao họ có thể đại diện cho nhân dân?”. Ông Yểu cho rằng, các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật. Trong 876 ứng cử viên đã được Hội đồng bầu cử Trung ương chính thức công bố có 5 đại biểu ứng cử viên của thành phố Điện Biên để bầu lấy 3 đại biểu Quốc hội. Điều đó có nghĩa các ứng cử viên này đáp ứng đủ các điều kiện. Ông Yểu nhấn mạnh: “Vấn đề đã có việc làm hay chưa có việc làm không phải là quyết định. Quan trọng là cử tri thành phố Điện Biên sẽ chọn ai trong 5 ứng cử viên để bầu ra 3 đại biểu Quốc hội”.
Cũng liên quan đến bầu cử, bạn Nguyễn Thương Huyền ở hòm thư huyenphan@yahoo.com thắc mắc xung quanh việc chúng ta khuyến khích các đại biểu tự ứng cử, nhưng ở các chi bộ đảng lại quy định những đảng viên của Đảng khi tự ứng cử phải được tập thể chi bộ đồng ý và điều này có trái với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam? Theo ông Yểu, việc ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của công dân. Nếu công dân đó là đảng viên thì ngoài quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, còn phải tuân thủ quy định của Điều lệ Đảng. Khi Đảng đồng ý, chấp nhận thì mới thực hiện quyền tự ứng cử. Ông Yểu nói thêm: “Không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, cả các nước phương Tây theo chế độ đa đảng, thì nhất thiết đảng viên của họ phải được sự đồng ý của đảng mới được tự ra ứng cử”.
Quốc hội có là cơ quan quyền lực cao nhất?
Bạn Nguyễn Hoàng ở hòm thư tl8237@yahoo.com mong ông Yểu trả lời “thẳng thắn” với câu hỏi “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất hay là Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng?” Ông Yểu cho rằng, ở đây có hai vấn đề không nên nhầm lẫn. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, theo Điều 4 Hiến pháp 1992 của nước ta là lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Đây là hai lĩnh vực khác nhau.
Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội nhưng Đảng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước. Trong hệ thống Nhà nước, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân sẽ thực hiện 3 chức năng cơ bản là lập pháp; giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng nhất.
Bạn Phan Hùng Sơn (hungson@yahoo.com) nêu lên vấn đề mà ông Yểu cho là “rất thú vị”: Việc bầu các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND tối cao lâu nay chúng ta chỉ giới thiệu một người, như vậy có phải là bầu hay chỉ là “bỏ phiếu tín nhiệm”?
Đáp lại, ông Yểu cho rằng, theo quy định của pháp luật, việc bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu. Ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới sẽ chính thức giới thiệu Chủ tịch nước để Quốc hội bầu. Sau khi được bầu trúng cử thì Chủ tịch nước sẽ giới thiệu danh sách ứng cử viên Thủ tướng, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC để Quốc hội bầu.
Việc giới thiệu ban đầu một đại biểu cộng với quyền ứng cử của đại biểu Quốc hội là theo quy định của luật, chứ không nhất thiết chỉ có một ứng cử viên. Thông thường qua các cuộc bầu cử vừa rồi có trường hợp đề cử nhưng bản thân người được đề cử đề nghị Quốc hội cho rút lui sau khi tự cân nhắc. Đó là quyền của họ, và Quốc hội xem xét quyết định cho người được đề cử rút lui thì đó quyền của Quốc hội.
Nguyễn Nhị Thanh, 266 Đội Cấn, Hà Nội nêu rằng, vị thế của các đại biểu Quốc hội ở địa phương (nhất là các đại biểu không giữ vị trí lãnh đạo trong Đảng, chính quyền và MTTQ ở địa phương) không cao, không tự tổ chức được các cuộc tiếp xúc mà thường đi theo đoàn, có chuẩn bị, cử tri cũng là những “đại cử tri” đã được chuẩn bị. Ông Yểu cho rằng, Văn phòng đại biểu Quốc hội, các đồng chí trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội địa phương phải tạo điều kiện. Theo ông chính đại biểu Quốc hội đó cũng không nên tự ti, không nhất thiết phải là lãnh đạo cấp cao hay nắm một chức vụ gì ở địa phương thì việc tiếp xúc cử tri mới có trọng lượng. “Đã là đại biểu Quốc hội thì dù đại biểu đó là Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh hay là giáo viên cấp 1, doanh nhân… đều bình đẳng, đều có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau với tư cách là đại biểu của nhân dân”, ông Yểu nhấn mạnh.
Cấn Cường - Thái Sơn
(Tổng hợp)