1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ký ức Vị Xuyên những năm khói lửa

(Dân trí) – “Phía sau lưng chúng tôi là thị xã Hà Giang, người dân sinh sống bình thường. Nhưng chỉ qua Hà Giang 4km về phía Bắc là cửa khẩu Thanh Thủy – vùng chiến địa khói lửa, ngày đêm địch dội pháo...” - cựu binh Nguyễn Xuân Đệ, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 nhớ lại.

Ký ức bi hùng

Hà Giang, sáng 26/7, không khí mát lành đến lạ thường tại đô thị vùng cao với dòng sông Lô hiền hòa uốn quanh. Nhưng mốc thời gian những ngày tháng 7 lại khiến người ta gợi nhớ đến những địa danh “Ngã ba tử thần”, “Đồi xay thịt”, Điểm cao 685…của 30 năm trước với những người lính Sư đoàn 356 đã ngã xuống bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ký ức Vị Xuyên những năm khói lửa

Những cựu binh Sư đoàn 356 và các chiến sĩ bộ đội địa phương dâng hương tại miếu thờ các đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày ấy, 30 năm đã qua, xa quê hương gần nghìn cây số từ Nghệ An lên Hà Giang, trong ngôi nhà nhỏ của người đồng đội tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang), cựu binh Nguyễn Xuân Đệ, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 nhớ lại những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 -1989): “Khi đó phía sau lưng chúng tôi là thị xã Hà Giang, người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng đi qua Hà Giang về phía Bắc 4 km là cửa khẩu Thanh Thủy - vùng chiến địa đầy lửa khói, pháo địch dội bất kể ngày đêm. Lúc ấy mỗi người một việc, và nhiệm vụ của người lính chúng tôi là cầm súng bảo vệ quê hương, gia đình mình”.

Cũng chính trong cuộc chiến này, ông Đệ đã yêu và cưới một cô gái Vị Xuyên làm vợ. Sau đó, khi giải ngũ, ông và gia đình định cư luôn tại mảnh đất mà ông đã từng cùng đồng đội chiến đấu và đã may mắn hơn nhiều đồng đội của mình là được trở về với quê hương.

Trở lại chiến trường xưa sau 30 năm, cựu binh Nguyễn Đình Thắng, Sư đoàn 356, một trong những sư đoàn chủ lực tham gia trận chiến vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên (Hà Giang) nhớ lại, vào những năm tháng khốc liệt nhất của những năm 1984-1985, chỉ riêng trận đánh ngày 12/7/1984, cả sư đoàn đã hi sinh khoảng 600 người.

Ông Thắng nhớ: “Đại đội tôi đánh cửa mở ở vách đá 468 (nay thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên), 104 người lính tiến vào cao điểm khi trở lại về chỉ còn 39 người là lành lặn”. Trong câu chuyện của người cựu binh, dường như những ký ức của 30 năm trước như vừa xảy ra hôm qua. Nét mặt của những đồng đội trước khi ngã xuống trong trận đánh ngày 12/7/1984 ông vẫn còn nhớ rõ đến từng chi tiết.

Ký ức Vị Xuyên những năm khói lửa

Chiếc mũ sắt sót lại tại hang Suối Cụt - một trong những địa điểm ém quân của ta trước khi bước vào trận đánh.

Mất mát quá lớn trong trận đánh ngày 12/7, các cựu binh sư đoàn 356 đã lấy ngày này hàng năm làm ngày giỗ, cùng nhau về bên đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang) để tri ân những người đã ngã xuống trong trận đánh.

Day dứt đưa đồng đội về quê hương

Theo chân cựu binh Nguyễn Đình Thắng cùng người đồng đội của ông là cựu binh Nguyễn Ngọc Thạch, chúng tôi tiến vào hang Suối Cụt (nay thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên), một trong những địa điểm ém quân trước mỗi trận đánh của quân ta. Hà Giang thay đổi từng ngày, sầm uất, phồn vinh hơn xưa. Nậm Ngặt cũng đã có người dân về ở với hơn 50 nóc nhà.

Đường vào hang Suối Cụt sau 30 năm cuộc chiến vẫn um tùm cỏ dại, bụi cây. Biết vậy nhưng cũng không ai dám vào mở phát các bụi cây cho đường thông thoán hơn bởi ở đó vẫn còn rải rác những bãi bom mìn chưa được rà soát gỡ bỏ. Tiến sâu vào trong hang, vẫn còn những chiếc mũ sắt hoen gỉ, thủng lỗ chỗ, những chiếc đế giầy cao su, mảnh vải ba lô… đồ dùng của những người lính vệ quốc năm xưa.

Đường vào hang Suối Cụt vẫn rậm rạp um tùm và nhiều bãi mìn vẫn còn sót lại.

Đường vào hang Suối Cụt vẫn rậm rạp um tùm và nhiều bãi mìn vẫn còn sót lại.

Cựu binh Nguyễn Đình Thắng cho biết: “Quanh đây, đồng đội của chúng tôi vẫn còn nằm đó, rải rác quanh những bãi mìn dày đặc”. Cựu binh Thắng cho biết, tại chiến trường cũ, do có những điểm cao lính ta và lính địch giành đi giật lại đến 40 lần chỉ trong 1 năm, quanh đó rải rất nhiều mìn bộ binh. Hậu quả của nó để lại sau cuộc chiến khiến cuộc sống của hơn 50 hộ gia đình quanh đây đang gặp rất nhiều khó khăn".

Theo người dân địa phương, có khá nhiều người dân bị thương khi vấp phải mìn trong lúc đi rừng làm nương rẫy. Những năm gần đây, ít người bị thương hơn nhưng trâu bò, gia súc thi thoảng lại chết vì mìn thì khó tính xuể. Hiện người dân xã Thanh Thủy đa phần nuôi dê, vì dê nhẹ cân, ít bị va mìn. Hiện nay, việc rà phá bom mìn đang được một đơn vị công binh của Quân khu II tiến hành.

Ông Hoàng Thế Cương, nguyên Phó Ban tác chiến Sư đoàn 356 (hiện trú tại thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên) cho biết, hiện nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có hơn 1.700 ngôi mộ liệt sĩ đã ngã xuống trong 10 năm tham gia cuộc chiến vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989). Mỗi năm, danh sách ấy lại dày thêm do hài cốt của các liệt sị tại các xã, huyện khác được quy tập về cùng.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều đồng đội của ông vẫn nằm lại nơi chiến trường xưa mà do điều kiện chưa chưa quy tập được. Cho đến nay, mới chỉ duy nhất trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh (quê Quảng Bình) là được gia đình và đồng đội đưa tìm thấy hài cốt từ chiến trường xưa vào năm 2012, do đồng đội biết rõ được nơi anh ngã xuống.

Ông Cương cho biết thêm, cứ đến ngày 27-7 hàng năm, ban liên lạc Sư đoàn 356 của Hà Giang lại hỗ trợ 2-3 trường hợp người nhà tìm liệt sĩ. Hầu hết các trường hợp tìm được do đã quy tập về Nghĩa trang Vị Xuyên. Số còn lại không tìm thấy, do chưa quy tập về được.

Đường vào hang Suối Cụt vẫn rậm rạp um tùm và nhiều bãi mìn vẫn còn sót lại.

Ngày 12/7 hàng năm là ngày tưởng niệm những chiến sĩ Sư đoàn 356 đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt nhất năm 1984 (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo Cựu binh Nguyễn Đình Thắng, ngày 12/7 vừa qua, các cựu binh Sư đoàn 356 đã về Vị Xuyên hội ngộ để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống sau 30 năm diễn ra trận đánh ác liệt. Cuộc chiến vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc là một phần của lịch sử, một giai đoạn của đất nước sau cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là việc rà phá bom mìn được tiến hành nhanh hơn, để những đồng đội đang nằm tại chiến trường xưa sớm được về với đại gia đình, người dân nơi đây cũng yên ổn để sinh sống trên phần đất canh tác của mình”, cựu binh Nguyễn Đinh Thắng nói.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm