1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

(Dân trí) - Trong cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc bi hùng, cựu chiến binh, thương binh của Sư đoàn 356; 316; 313 đã khóc. Giọt nước mắt của các cựu quân nhân thời bình nhỏ xuống vì những đồng đội của họ đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc khi tuổi vừa đôi mươi.

Rạng sáng ngày 12/7/1984, gần 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã hi sinh trong trận đánh chiếm điểm cao 772 thuộc xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên - Hà Giang) trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trận đánh được ghi nhận là khốc liệt nhất tại mặt trận Vị Xuyên.

Mất mát quá lớn, những cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã lấy ngày 12/7 hàng năm làm qui ước về bên đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang) để tri ân những chiến sĩ đã hi sinh trong trận đánh. Không ai ngăn được cảm xúc, nước mắt cứ chảy tràn nơi khóe mắt, thấm xuống từng ngôi mộ.



Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

 Dù không có một văn bản cụ thể nào nhưng cứ đúng ngày 12/7 hàng năm, các cựu chiến binh (CCB) của Sư đoàn 356 lại có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang) để gặp, tri ân những người đồng đội của mình đã hi sinh.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Về thăm trận địa xưa tại xã Thanh Thủy, các CCB đang hướng về điểm cao 772 (bên phải) và 685 nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt, riêng trận đánh cao điểm 772, gần 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 hi sinh chỉ trong một buổi sáng bởi đạn pháo. Trận đánh giành lại cao điểm 685 kéo dài từ 18/11/1984 đến cuối tháng 3/1985 cũng đã khiến gần 600 chiến sĩ hi sinh. Ngọn núi đá vôi, cao điểm 685 còn được gọi tên “lò vôi thế kỉ” do bị đạn pháo cày xới tan tành và lúc nào cũng mù mịt khói súng.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Vào lúc 4 giờ 15 ngày 12/7/1984 Tiểu đoàn 1; 2; 3 thuộc Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 bắt đầu tấn công các điểm D1; D2; D3 của cao điểm 772 mở màn chiến dịch MB84 giành lại các cao điểm đã bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Những CCB của Sư đoàn 356 thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ ngã ba Thanh Thủy.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Nhạc sĩ Trương Quí Hải (thứ hai từ phải sang) hòa giọng cùng đồng đội trong bài hát cảm động “Về đây đồng đội ơi” tại điểm cao 468. Đây cũng là điểm cao chứng kiến lúc Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 sau trận đánh cao điểm 772 trở về ém quân, cả Đại đội chỉ còn lại 13 chiến sĩ.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Đã từ 14 năm nay, các CCB lấy ngày 12/7 hàng năm làm ngày “giỗ” của Sư đoàn 356, đây cũng là dịp đồng đội gặp nhau tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

CCB Phạm Ngọc Quyền rưng rưng nước mắt bên mộ đồng đội. Anh chính là chiến sĩ của Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 có mặt trong trận đánh mở màn chiến dịch MB84.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

CCB Đường Minh Tuấn vừa khóc vừa lầm rầm cầu khấn cho những đồng đội đã hi sinh. Ông là chiến sĩ đơn vị cối 120 thuộc  Đại đội 14 Trung đoàn 123 Sư đoàn 313 đóng tại điểm cao 1509 từ 10/1980 đến giữa năm 1985.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Một CCB đứng lặng lẽ bên Ngĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của 1702 ngôi mộ, phần lớn là chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc với quân Trung Quốc xâm lược. Cũng có một số ít là mộ liệt sĩ của Sư đoàn 313, 316…

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Vào ngày 12/7 hàng năm không chỉ có riêng các CCB Sư đoàn 356 trở về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên tưởng nhớ đồng đội, còn có rất nhiều CCB của các Sư đoàn 313, 316… tham gia mặt trận Vị Xuyên cũng lấy ngày này để làm cơ hội gặp gỡ đồng đội và cùng đi thăm chiến trường xưa.

Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên

Đặc biệt có một CCB hiện đã đi tu, thầy Thích Vinh Quang (tên thật là Trần Như Toản) cũng từng là Kế toán pháo binh của Sư đoàn 356 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Thầy đang trụ trì chùa Đông Đạo tại TP Vĩnh Yên. Thầy Thích Vinh Quang chia sẻ, chiến tranh vẫn là chiến tranh con người vẫn là con người, và thầy luôn day dứt về điều này.

Hữu Nghị