Đám cưới giữa chiến khu Trị - Thiên
(Dân trí) - Bảo chị “cọc đi tìm trâu”, chị cười. Nụ cười hạnh phúc không giấu diếm. Trong chiến tranh khắc nghiệt, trong đau thương mất mát, chị tìm thấy người để nương tựa. Người đàn ông làm đám cưới với chị giữa rừng đã đồng hành với chị đến tận ngày hôm nay.
Chị là người khá bốc đồng, “phổi bò” đúng chất miền Trung gió Lào cát trắng. Anh mang vẻ điềm đạm, lịch thiệp, nhã nhặn của trai đất Bắc. Hai tính cách tưởng chừng trái ngược ấy hóa ra lại bù trừ hoàn hảo cho nhau. Nhìn cách anh chăm sóc chị mới hiểu hết tình yêu đã đơm hoa trong khói lửa chiến tranh có sức sống mãnh liệt như thế nào.
16 tuổi, cô gái Thái Thị Thành (thuở nhỏ có tên là Chót - quê Phong Điền, Huế) đã tiếp bước cha anh, vượt vùng địch hậu theo các anh, các chú đi đánh giặc. Nhiệm vụ của Thành là thu mua quân lương, gạo, muối, thuốc men từ đồng bằng lên cho Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên (đóng tại Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị). Ngày lên rừng, một chữ bẻ đôi Thành cũng chẳng biết nhưng công việc được giao đến tay cô gái này thì cứ băng băng.
Nhà Thành có 7 chị em thì đều tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Cậu em út mới 14 tuổi cũng theo chị lên rừng, phục vụ chiến đấu rồi trưởng thành vào đơn vị chủ lực. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1969 – 1972, Thái Thị Thành lần lượt đón nhận 5 cái tin dữ: 3 người anh em trai, trong đó có cậu em út mới 18 tuổi, người chị gái và một người cháu hi sinh. Đau đớn không thể nói hết bằng lời, ngọn lửa hờn căm trở thành động lực để Thành hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao.
Lên rừng từ thuở bé, chăm chỉ, gan dạ, mưu trí và hoàn cảnh gia đình quá đặc biệt nên các anh, các chú thương Thành lắm. Mải công tác, 24 tuổi, Thành vẫn “phòng không gối chiếc”. Lúc đó, Thủ trưởng Trần Văn Anh – Cục trưởng Cục chính trị Quân khu Trị - Thiên gọi Thành lại: “Con không còn nhỏ nữa, con gái có thì. Chiến tranh rồi cũng kết thúc, con về quê mà không nghề ngỗng gì thì các chú thương lắm. Con chịu khó đi học, sau này hết chiến tranh còn có cái nghề mà nuôi thân”.
Được các chú động viên và cử đi học lớp y tá, Thành chỉ còn cách phục tùng mệnh lệnh. Khổ nỗi, chưa biết chữ, lại sống lâu trong rừng, quen với bom đạn rồi, đi học với Thành còn khổ hơn đi đánh giặc. Phải xốc lại tinh thần nhiều lắm Thành mới theo kịp lớp y tá được mở ngay trong rừng. Ngoài việc học, Thành tham gia cứu chữa, chăm sóc thương, bệnh binh.
Được đơn vị tổ chức đám cưới ngay giữa chiến khu
Một lần về thăm đơn vị, chỉ huy lại gọi Thái Thị Thành lên tâm sự: “Con cũng có tuổi rồi, phải lấy chồng đi thôi. Các chú “nhắm” cho con anh sỹ quan công binh này rồi”. Anh sỹ quan công binh này Thành biết nhưng không ưng. Trong suốt thời gian học tập và phục vụ tại Trạm xá, chị đã thầm thương trộm nhớ anh bác sỹ Đội trưởng đội đội phẫu thuật Trần Ngọc Phan (quê Ninh Bình).
Nghe Thành trình bày, các chú trầm ngâm: “Rứa hắn có biết mi ưng hắn không? Chú chỉ sợ hắn là trai đất Bắc, lại học đại học rồi, giờ đã là bác sỹ, còn con thì mới bắt đầu học y tá, chữ nghĩa lại chẳng được mấy, liệu sau này có thông cảm được với nhau mà sống hạnh phúc không?”. Thành cũng chẳng dám trả lời. Ừ đã biết tình cảm của họ với mình như thế nào đâu?
Thành trở về bệnh xá, lặng lẽ làm việc và âm thầm nuôi dưỡng tình yêu với chàng bác sỹ. Lần đó, Thành có ý định trở về đơn vị cũ công tác, anh bác sỹ chỉ nhìn cô y tá tập sự một hồi lâu rồi khuyên Thành nên ở lại tiếp tục học hành. “Ừ, nếu không có tình cảm thì chuyện mình đi hay ở có ảnh hưởng gì đến anh ấy đâu? Tại sao anh ấy lại bảo mình ở lại?”, Thành phấp phỏng với niềm hi vọng.
Đùng một cái, bác sỹ Trần Ngọc Phan được lệnh ra Bắc để sang Liên Xô tiếp tục học. Thành là phận gái, chả nhẽ lại tỏ tình trước. Mà chắc gì anh ấy đã để ý đến mình? Nhưng nếu không nói ra thì sợ mình để lỡ mất một người? Bao nhiêu câu hỏi bủa vây trong đầu nhưng rồi chính cô lại chẳng dám nói ra. Thành đâu biết rằng, tổ chức đã sắp xếp để cô cũng ra Bắc với anh trong đợt này để có thể tiến một bước xa hơn trong chuyện tình cảm nhưng thật không may, công văn cấp trên khi xuống đến đơn vị thì đã bị thất lạc.
Bác sỹ Trần Ngọc Phan lên đường, Thái Thị Thành cũng tìm về đơn vị cũ. Ở rừng gần chục năm nhưng Thành lại lạc đường nên phải ở lại đơn vị bào chế dược giữa rừng đến 3 tháng.
Lại nói về anh chàng bác sỹ người Bắc, khi về đến tổ chức, chỉ thấy anh đi một mình, các đồng chí lãnh đạo hỏi: “Thành đâu?”. Anh ngớ người ra, bảo chỉ có mình anh nhận được lệnh ra Bắc để đi học. Tổ chức nói rõ ý định của mình cũng như tình cảm của Thành, lúc này anh mới lặng đi. Hóa ra, cô gái nhỏ bé mà anh dành nhiều tình cảm nhưng chỉ dám giấu kín trong lòng lại có nhiều tình cảm với anh đến vậy. “Đồng chí hoãn việc lên đường, quay trở về đón đồng chí Thành lên đây. Tổ chức sẽ làm đám cưới cho hai người trước khi ra Bắc”.
Anh ngay lập tức xuống đơn vị để đón Thành. Lúc này, Thành cũng đang trên đường tìm về đơn vị. Một đồng chí giao liên được lệnh đưa Thành về Cục trong thời gian sớm nhất. “Sau 4 ngày vượt rừng, khi tôi và đồng chí giao liên vừa vượt qua được con suối thì anh ấy cũng vừa tới. Hai đứa dắt nhau về báo cáo đơn vị. Tôi là người của Cục Chính trị, anh ấy là người của Cục Hậu cần. Hai đơn vị kết hợp tổ chức đám cưới cho hai đứa ngay giữa rừng”, chị nhớ lại.
Đám cưới giữa rừng Khe Sanh vào năm 1973, giữa bao nhiêu thiếu thốn, chỉ có tình yêu, tình đồng đội là đong đầy. Chẳng biết Cục Chính trị “ngoại giao” đâu được con lợn, mổ ra làm tiệc đãi “họ hàng” hai bên. Cục Hậu cần “vét” cả kho được 2 cái màn đơn và một tút thuốc lá làm quà cưới. Đảm cưới chỉ có lãnh đạo 2 đơn vị thay mặt gia đình hai bên, có đồng đội, đồng chí chúc phúc. Ngày cưới, chị tủi thân đến phát khóc vì không có lấy một người ruột thịt bên mình. Mãi sau đó một thời gian, một người khách dự đám cưới vốn được cơ sở của mẹ chị nuôi dưỡng trong đợt đi công tác qua báo tin, mẹ chị mới biết con gái mình đã làm dâu đất Bắc.
Sau đám cưới, hai vợ chồng vượt Trường Sơn ra Bắc. Bác sỹ Trần Ngọc Phan tiếp tục đi học nâng cao trình độ còn Thái Thị Thành đi điều dưỡng. Một cô gái gốc Quảng Trị làm dâu đất Bắc không phải là đơn giản nhưng cuối cùng chị cũng dung hòa được với cách sống và nếp suy nghĩ của nhà chồng.
Sau mấy chục năm theo chồng về làm dâu xứ lạ, chị có thể tự hào bởi hai vợ chồng đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước thời hậu chiến. Ba người con của anh chị đã trưởng thành, có vị trí xã hội. Ở tuổi này, những khớp xương bắt đầu hành hạ chị, có lẽ đó là hệ quả của những năm tháng vượt núi, vượt rừng ngày trước. Đôi chân tấp tểnh, đi lại khó khăn nhưng hễ có dịp chị lại đi. Đi về chiến trường xưa, tìm và đón những đồng đội ngã xuống về với quê hương. Thật may mắn, trong những chuyến đi của chị luôn có anh “tháp tùng”.
Giữa những ngày chói chang cuối xuân, đầu hè, anh chị lại từ Hà Nội lên chiến khu xưa. Lần này, anh chị bảo phải tìm bằng được người đồng nghiệp của anh, người anh đã tự tay chôn cất giữa rừng cách đây hơn 40 năm. Người đàn ông gầy gò lặng lẽ dìu vợ đi vào chiến trường – nơi đã ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu của họ.
Hoàng Lam