KTS Trần Huy Ánh chia sẻ một bộ ảnh lưu giữ dáng nét của Hà Nội thuần khiết trước chiến tranh. Ý tưởng giữ lại những ký ức phố phường, tạo điều kiện cho việc phụng dựng Hà Nội cổ cũng là nội dung cuộc hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội-Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế” của giới kiến trúc, xây dựng tổ chức vừa qua. Cuộc hội thảo do Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị (UAI) - Đại học Xây dựng phối hợp cùng Ban quản lý phố cổ - HN, Đại học Chiba, Đại học tổng hợp Tokyo, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức.
Hội thảo để lại những cảm xúc về tình cảm đáng trân trọng của các nhà khoa học Việt nam và Nhật bản với 36 phố phường Hà Nội. Đặc biệt các bài nghiên cứu của các nhà khoa học nữ: ThS Nguyễn Phương Nga, Tạ Quỳnh Hoa và TS Phạm Thuý Loan thuộc viện UIA về mô hình tham gia của cộng đồng, sự can thiệp có trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố và mô hình “công ty cộng đồng” đã bảo tồn rất thành công tại 3 thành phố cổ Nhật Bản, phần nào trả lời câu hỏi: Tại sao 20 năm nay phố cổ Hà nội nói nhiều, tốn nhiều thời gian và tiền bạc mà kết quả không tương xứng?
Ảnh Hồ Gươm năm 1903
Khung cảnh Hồ Gươm, trích đoạn bản vẽ Hà Nội xưa của cố hoạ sĩ Nguyễn Thế Khang.
Hội thảo cũng cho thấy cần có sự liên kết các nghiên cứu về đô thị học để tạo nên một sản phẩm đạt sức thuyết phục cao hơn, tham gia tư vấn với thành phố về bảo tồn những giá trị văn hoá kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội, đặc biệt trước sự kiện thủ đô đang lập lại Quy hoạch Hà Nội mở rộng.
Các nghiên cứu đã thể hiện những bước tiến mới trong phương pháp, cách tiếp cận đa dạng… Tuy vậy điểm yếu khó khắc phục của các nghiên cứu này là thiếu những tư liệu như bản đồ, hình ảnh, các bản vẽ ghi phố cổ Hà Nội có chất lượng.
Ngay từ những năm 1990, khi Hà Nội còn xôn xao phong trào bảo vệ phố cổ, chúng tôi đã được các bạn Đan Mạch, những người xây dựng thành công cơ sở dữ liệu về thành phố cổ RiGa (thủ đô nước CH LitVa) cho biết: “Nguy cơ biến mất các công trình kiến trúc cổ khi các thành phố đang ưu tiên phát triển kinh tế là rất hiện thực và xảy ra với tốc độ rất nhanh. Khi những cư dân phố cổ không đủ sức mạnh kinh tế hay khả năng quyết định thì tốt nhất ta vẽ ghi nó lại, khi nào có điều kiện phục dựng thì tốt. Chí ít các bạn có thể cho các thế hệ mai sau biết rằng ngày xưa phố cổ có hình hài như thế”.
Phối cảnh trục đo Hồ Gươm của KTS Lê Thị Kim Dung.
Bản đồ năm 1933 làng Hồ Khẩu ven đường Thuỵ Khuê.
Rất tiếc, không chỉ phố cổ mà rất nhiều những nghiên cứu về đô thị học hiện nay của chúng ta luôn gặp trở ngại trong việc tìm kiếm, cập nhật tư liệu một cách có hệ thống, có phương pháp để đảm bảo những bước tiến hoá có tính kế thừa khi đề cập đến sự phát triển liên tục của đô thị.
Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một vài gợi ý nhằm xây dựng mô hình lưu trữ hình ảnh đô thị có tính tư liệu lịch sử, văn hoá của Copenhagen (Đan Mạch). Ngay tại Hà Nội, hàng chục năm trước đây, cố hoạ sĩ Nguyễn Thế Khang đã dựng bức tranh khu phố xưa bằng chỉ bằng tài năng và nguồn lực tài chính của riêng mình. KTS Lê Thị Kim Dung đã dựng lại khung cảnh Hồ Gươm trong một đồ án được giải thưởng của Viện hàn lâm kiến trúc quốc tế 1996, và một ví dụ về cách vẽ “phục nguyên” Đình và Chùa làng Hồ Khẩu, trên cơ sở các bản đồ địa chính do người Pháp lập năm 1933.
Đình làng Hồ.
Bản vẽ “ phục dựng “ từ bản đồ và tư liệu chùa Vệ Quốc–làng Hồ Khẩu.
Bản vẽ mầu.
Chỉ còn ít thời gian nữa Hà Nội sẽ kỷ niệm 1000 năm, nhưng những ký ức 100 năm trở lại đây đã còn ít lắm tư liệu. Nếu không giữ được gì nhiều thì nên chăng Hà Nội ta để lại cho mai sau những ký ức phố phường bằng hình ảnh như vậy.
KTS Trần Huy Ánh
Nguồn ảnh: HaNoi data