Ký ức người cựu binh về trận chiến hào hùng tại mặt trận Xuân Lộc
(Dân trí) - Khác với lịch gặp hàng năm được tổ chức vào ngày 15/4, do dịch Covid-19, cuộc gặp mặt của những cựu binh góp phần làm nên chiến thắng Xuân Lộc phải lùi đến tận sáng nay, 14/11.
Xuân Lộc - khúc ca hào hùng!
Tháng 3/1975, những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ buộc chính quyền Sài Gòn phải “tử thủ Sài Gòn” kéo dài thế trận. Địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc, trong đó Xuân Lộc là một mắt xích quan trọng quyết phải giữ, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Thị xã Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các tư liệu lịch sử nêu rõ: Để quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, địch tập trung lượng lớn các đơn vị tinh nhuệ gồm: Sư đoàn 18 bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp (100 xe), 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh (42 khẩu), 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ (tương đương 2 sư đoàn bộ binh)... Trong chiến dịch, địch tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp. Phương án phòng thủ Xuân Lộc được đích thân tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ lập ra.
Đại tá Lê Tiến Hạt (nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, nguyên Trưởng bộ môn địa phương – Học viện Quốc phòng) cho biết: “Đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, trên cơ sở nhận định tình hình chiến trường, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền (tên gọi tắt của Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam) đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn.
Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7), hai tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và một đại đội xe tăng. Thiếu tướng Hoàng Cầm là tư lệnh của chiến dịch này. Lúc bấy giờ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng là cán bộ pháo binh của Trung đoàn 55, Sư đoàn 341”.
5h40 ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc, tiến hành một chiến dịch gồm nhiều trận chiến đấu liên tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau. Quân địch kháng cự quyết liệt, song, dần dần thất bại. Sau 12 ngày đêm chiến đấu cam go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm, ngoan cường ta đã đánh khiến phe địch thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52, sư đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh. Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Cuộc gặp gỡ chứa chan tình đồng chí
Đại tá Lê Tiến Hạt bồi hồi nhớ lại: “Thắng lợi của trận Xuân Lộc đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn bị rung chuyển. Tôi và đồng đội tại trung đoàn 266, sư đoàn 341 vinh dự vì được góp một phần trong chiến thắng Xuân Lộc, từ đó mở ra thời cơ chiến lược quyết định để tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Hàng năm, những người đã cùng vào sinh ra tử ở chiến dịch giải phóng Xuân Lộc thường gặp nhau vào ngày 15/4 nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc hội ngộ của những người lính già phải lùi tới tận tháng 11.
Đại tá Bùi Quang Minh nguyên Trưởng phòng Doanh trại, Bộ tư lệnh Quân chủng thông tin liên lạc nhớ lại: “Ngay sau khi quân ta giành chiến thắng tại Xuân Lộc, chúng tôi – kể cả cán bộ và chiến sỹ đều vỡ òa trong cảm xúc sung sướng, hạnh phúc và tự hào. Sau đó, chúng tôi chạy đi tìm đồng đội trong lấm lem khói súng và đất cát. Máu đã đổ, nhiều đồng đội hi sinh. Hàng năm, chúng tôi đều gặp gỡ nhau để ôn lại chuyện chiến đấu và tưởng nhớ những người đã vĩnh viễn nằm lại Xuân Lộc”.
Ông Đàm Duy Thiên, cựu lính trinh sát của Trung đoàn 266 kể: “Khi đang là sinh viên đại học, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, tôi nhập ngũ. Hồi đấy, tôi chưa đầy 20 tuổi, nặng 40kg, nhỏ nhất đơn vị. Tôi trở thành chiến sỹ của Trung đoàn 266, tham gia đánh trận Xuân Lộc. Tôi được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến dựa trên kết quả trinh sát.
Tôi phải thể hiện trận địa tấn công của ta thế nào, trận địa phòng ngự của địch ra sao để các thủ trưởng vạch kế hoạch tác chiến. Trận đánh ác liệt, mức ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Tôi còn nhớ, khi đang đánh trận, một họa sỹ đã bị thương. Vết thương quá nặng. Khi tôi đang chăm sóc thì anh ấy ra đi. Hơi thở cuối của anh, trút trên đôi tay gầy của tôi làm tôi ám ảnh cho đến tận bây giờ”.
Hòa bình lập lại, ông Thiên tiếp tục việc học và trở thành bác sỹ. Sau nhiều năm phấn đấu, ông trở thành tiến sỹ y khoa. Song, người lính trẻ năm xưa không bao giờ quên quá khứ và những người đồng đội cũ. Ông Thiên bày tỏ: “Chúng tôi trở về, người còn người mất, người thương tật, người may mắn được lành lặn. Nhưng, cá nhân tôi không bao giờ cho phép bản thân lãng quên những ngày sinh tử đó. Tôi vẫn luôn xác định mình là một người lính - người lính trên mặt trận đa diện của thời bình. Tôi chọn ngành y để cống hiến, vì tôi muốn cứu chữa cho nhân dân, cho những người thân và đồng đội mình”.
Hiện nay, các cựu chiến binh của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 vẫn gắn kết với nhau rất mật thiết. Ngoài việc gặp gỡ để ôn lại lịch sử, truyền thống họ còn giúp nhau làm kinh tế. Các cựu chiến binh cũng tổ chức xây nhà cho những người đồng đội neo đơn hoặc thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình, chiến hữu vất vả. Trong ngày 14/11, 100 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) được gửi đến những gia đình cựu chiến binh Trung đoàn 266 còn khó khăn.