1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ký ức một thời máu lửa của cựu thanh niên xung phong

(Dân trí) - Đã gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày dẫn đoàn thanh niên xung phong (TNXP) lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thế nhưng ký ức một thời máu lửa vẫn in đậm trong trái tim người lính cụ Hồ, người TNXP Trần Võ Tánh.

Lá cờ tung bay trên đỉnh Trường Sơn

Trong phòng truyền thống của Hội cựu TNXP vẫn còn lưu giữ lá cờ với chi chít những vết thủng vằm, dấu vết của những mảnh bom đạn Mỹ găm vào. Ít ai biết được rằng, lá cờ ấy cách đây gần 50 năm đồng hành cùng TNXP vào sinh ra tử.

Để hiểu hơn về chứng nhân của một thời kháng chiến hào hùng, chúng tôi tìm gặp ông Trần Võ Tánh, chàng TNXP ngoài 20 tuổi ngày ấy dẫn theo hàng nghìn TNXP đi mở đường Trường Sơn. Ông sinh ra trên mảnh đất Lam Kinh - vùng đất địa linh nhân kiệt, Trần Võ Tánh thừa hưởng dòng máu đầy nhiệt huyết của cha ông.

Đang làm thầy giáo, Võ Tánh được điều sang làm Ban chỉ đạo TNXP Thanh Hóa vào năm 1965 khi giặc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, đánh phá miền Bắc. Lúc này tình thế cấp bách, Võ Tánh được giao nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặc dù đứa con đầu của ông mới chỉ 8 tháng tuổi nhưng gạt bỏ việc tư, Võ Tánh đã dẫn đoàn TNXP lên đường hành quân vào với miền Nam ruột thịt.

Vào ngày 18/6/1966, trước ngày lên đường, chàng thanh niên trẻ ấy nhận trên tay lá cờ rộng 1,4m có thêu dòng chữ: “Phát huy truyền thống Thanh Hóa anh hùng” do tỉnh ủy Thanh Hóa trao tặng như một lời nhắc nhở anh cùng đoàn TNXP cố gắng. Những dòng chữ đó như khắc vào tim anh một lời thề, lời hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn TNXP mang theo lá cờ tỉnh nhà trao tặng mải miết đi về phương Nam cho đến gần 1 tháng sau cuộc hành trình mới dừng lại ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Bắt đầu từ đây, lực lượng TNXP phải làm nhiệm vụ hết sức nặng nề: đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, bốc vác hàng hóa, vận chuyển thương binh, kết hợp với công binh bộ đội mở con đường Trường Sơn dài hơn 100 km chỉ trong vòng 1 tháng.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng những ngày hành quân trên chiến trường, cụ Võ Tánh vẫn còn nhớ như in, cụ kể: “Hành quân vào đến địa phận Quảng Bình cũng là thời điểm Mỹ đánh phá ác liệt ngày đêm. Đặc biệt bến phà Xuân Sơn, dốc đá Đồng Tiền, Suối ba khe, dốc Ba Thang... ấy thế mà nơi bỏng rát bom đạn ấy những TNXP chúng tôi vẫn ngời ngời khí thế. Lá cờ thêu chữ “Phát huy truyền thống Thanh Hóa anh hùng” vẫn phấp phới tung bay trên đỉnh Trường Sơn dù cho bom rơi, nhiều mảnh đạn găm vào. Lực lượng TNXP đi đến đâu, lá cờ tung bay phấp phới đến đó”.

“Những khẩu hiệu “Sống bám đường bám cầu, chết kiên cường dũng cảm”, “Dù tim ngừng đập chứ không để đường tắc”, “Địch đánh ngày thì ta làm đêm” hay “Chiến trường là trận địa, thanh niên là cuốc xẻng xà beng” luôn đồng hành cùng lực lượng TNXP. Chiến tranh càng khốc liệt, tinh thần khí thế dũng cảm quên mình của những người lính TNXP chúng tôi càng mãnh liệt” – cụ Tánh bồi hồi nhớ lại.

Cụ cũng xót xa khi nhớ về thời điểm giữa tháng 4 năm 1968, Mỹ đánh phá ác liệt hơn, âm mưu đánh sập núi, gây tắc  toàn tuyến đường, mỗi ngày có hàng chục trận bom B52 rải xuống, hàng trăm người nằm lại nơi này, hàng trăm người khác bị thương. Thế nhưng, lá cờ lại như cổ vũ động viên anh em không chùn bước.

Hơn 80 tuổi nhưng cụ Tánh vẫn nhớ như in những ngày tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Hơn 80 tuổi nhưng cụ Tánh vẫn nhớ như in những ngày tháng "xẻ dọc Trường Sơn" đi cứu nước

Đầu năm 1971, dưới sự dẫn dắt của Võ Tánh, 3.000 TNXP Thanh Hóa tiếp tục vào chiến trường làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông tuyến đường 15A từ cầu Tào lên khe nước lạnh, lại thông tuyến, mở đường, tháo bom... Có hào hùng có khốc liệt, có lá cờ mang theo như lời cổ vũ, động viên anh em TNXP vượt qua đau thương để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều trăn trở với cụ Võ Tánh sau khi trở về thời bình đó là hàng trăm nữ TNXP trở về trong cô đơn, không nơi nương tựa. Họ đã hy sinh tuổi xuân, cam phận cô đơn khi cống hiến cho công cuộc giải phóng đất nước cả một thời xuân sắc. Nỗi trăn trở này không lúc nào nguôi trong trái tim cựu TNXP, nguời lính cụ Hồ này.

Hai lần được gặp Bác Hồ

Nói về 2 lần được vinh dự gặp Bác Hồ, cụ Tánh vẫn còn bồi hồi cái cảm giác hạnh phúc, sung suớng. Cụ tâm sự: “Tôi được tỉnh cử làm trưởng đoàn gồm 7 người đi Hà Nội dự đại hội “chiến sỹ thi đua toàn quốc”. Hai ngày đầu họp báo cáo thành tích điển hình, đến ngày thứ 3, khoảng 9 giờ 30 phút  ngày 24/3/1966 thì thấy Bác Hồ với trang phục quần áo nâu chống gậy đến. Tất cả mọi người không kìm nén được sung sướng đã hò reo vang cả phòng hội nghị. Nhiều người phía sau sợ không nhìn thấy rõ Bác nên đứng cả lên ghế. Cái cảm giác lần đầu tiên được ra Hà Nội, cũng lần đầu tiên gặp Bác không thể diễn tả hết được hạnh phúc”.

Lần thứ 2 cụ được gặp Bác Hồ chỉ cách lần thứ nhất 1 ngày, đó là ngày 25/3/1966, trong buổi lễ kỷ niệm thành lập Đoàn lần thứ 35 tại hội trường Ba Đình – Hà Nội. Cụ bảo không bao giờ nghĩ lại tiếp tục được gặp Bác. Mọi người chạy lại vây kín lấy Bác. Giây phút đó cho đến bây giờ cụ vẫn còn nhớ như in.

“Bác đến nhưng không ở lại lâu, chỉ chúc các anh, chị, em sức khoẻ, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chúc đánh thắng giặc ngoại xâm. Bác đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ làm được. Những lời Bác Hồ nói như khắc sâu vào trong tim những người lính cụ Hồ. Ai nấy như nguyện một lòng làm theo lời Bác” – cụ Tánh kể.

“Rồi bác hỏi trong tất cả mọi người có ai nhớ 5 điều Bác Hồ dạy. Lúc đó tôi nghĩ không ai là không nhớ nhưng mọi người run quá không dám giơ tay. Bác đến gần anh em Thanh Hoá đang ngồi ngay hàng ghế đầu và bảo trong các cháu ai nhớ nào. Tôi mạnh dạn giơ tay và nói “thưa Bác cháu nhớ ạ”. Nhưng khi đứng lên gần Bác để đọc thì tôi chỉ nhớ được hơn 1 câu vì cảm giác run và sung sướng làm tôi bỗng dưng quên hết”.

Chàng TNXP Trần Võ Tánh bây giờ
Chàng TNXP Trần Võ Tánh bây giờ

Cho đến bây giờ, đã ngoài 80 tuổi nhưng ký ức một thời máu lửa, ký ức về những giây phút được gặp Bác Hồ chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim người TNXP Trần Võ Tánh. Lá cờ thêu chữ của tỉnh trao tặng, nhân chứng trên hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được cụ giữ cẩn thận. Cách đây 2 năm, cụ đã trao lại cho Hội cựu TNXP lưu giữ và được trưng bày tại phòng truyền thống của Hội.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm