1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh - Quảng Trị (9/7/1968-9/7/2018):

Ký ức của vị tướng già về trận chiến Khe Sanh

(Dân trí) - Sau nửa thế kỷ Khe Sanh, Hướng Hóa được giải phóng, các cựu binh năm xưa trở lại chiến trường, trầm ngâm đứng giữa “pháo đài” Tà Cơn - nơi đã trở thành nỗi ám ảnh về đạn bom khói lửa lẫn sự chết chóc.

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng đường 9 – Khe Sanh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cùng những đồng đội trở lại thăm vùng đất khói lửa. Đến sân bay Tà Cơn, vị tướng già trầm ngâm nhớ lại những ký ức hào hùng năm xưa.

Những cựu binh tham gia chiến dịch Khe Sanh thăm lại chiến trường xưa
Những cựu binh tham gia chiến dịch Khe Sanh thăm lại chiến trường xưa

Về nơi sự sống và cái chết đan xen

Năm nay tướng Huy đã gần 90 tuổi, nhưng trong tâm trí ông những kỷ niệm về chiến trường Quảng Trị vẫn khắc sâu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 9, Sư đoàn 304; nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 - là người từng có nhiều năm gắn bó với chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể lại những ngày tháng gian khổ của trận chiến
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể lại những ngày tháng gian khổ của trận chiến

Nhớ lại trận đánh năm xưa, tướng Huy kể: Trước đây, tại Sân bay Tà Cơn, quân địch với quân số đông, trang bị hỏa lực mạnh, họ đã xây dựng nơi đây thành pháo đài chắc chắn. Lúc đầu ta chủ trương đào đường hầm như Điện Biên Phủ, nhưng do đất cứng nên không đào được. Do thời gian ngắn, không kịp tiến độ của mặt trận nên phải thay đổi chiến thuật. Sau đó, lực lượng của ta nằm trên mặt đất, ban đêm một đội tầm 10 người, có 1 Trung đội trưởng, mang theo bao cát để tiến vào. Chúng ta mang theo cuốc, xẻng cơ động trên mặt đất, đào thật nhanh dưới sự khống chế hoả lực của ta. Với cách đào như thế, chiều dài hầm tăng lên mỗi ngày khoảng 20-30m, nhưng thương vong cũng không ít.

Máy bay vận tải của Mỹ - Ngụy sử dụng trong chiến tranh
Máy bay vận tải của Mỹ - Ngụy sử dụng trong chiến tranh

Tướng Huy cùng các đồng đội nhớ lại các cao điểm tấn công Tà Cơn
Tướng Huy cùng các đồng đội nhớ lại các cao điểm tấn công Tà Cơn

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, cho biết: “Trước 23/3, sau khi đào xong hầm hào, chúng ta chia làm nhiều hướng tấn công vào sân bay Tà Cơn. Tôi chỉ huy Đại đội đột kích 1, đúng giờ G (nửa đêm), pháo bắn bên ngoài, chúng ta tiến lên phá hàng rào, diệt lô cốt. Trong thời gian rất ngắn khoảng 30 phút, ta phá hàng rào cách địch chỉ 20 m nên ta gặp nhiều khó khăn. Địch dùng xe tăng ở trong ra ép chúng ta. Trước tình hình đó, ban chỉ huy mặt trận chỉ đạo quân ta lùi ra ngoài”.

Ngày 26/3, Mỹ đưa lực lượng ra đẩy Đại đội chốt 1 nhưng bị ta diệt hơn 50 tên, địch bỏ chạy. Sau đó, quân địch đã đưa 2 Đại đội thủy quân lục chiến và đại đội Ngụy ra với âm mưu đẩy lùi quân ta.

Các loại bom, đạn Mỹ thả xuống Khe Sanh
Các loại bom, đạn Mỹ thả xuống Khe Sanh

Vào giai đoạn cuối, lực lượng của Mỹ-Ngụy thương vong nhiều nhưng không đưa được ra ngoài buộc địch phải đưa Sư đoàn kỵ binh đặc công ra để giải tỏa. Ngày 1/4/1968, địch đổ bộ Sư đoàn kỵ binh đặc công gần 2 vạn quân, hơn 400 máy bay để chở quân. Nhận định quân địch đổ bộ, cấp trên ra lệnh Tiểu đoàn 3 lập 1 chốt ở làng Khoai, đây là vị trí nằm trên đường độc đạo. Quân ta huy động 1 Trung đội là Tiểu đoàn 11 tăng cường vào đây cùng các lực lượng khác. Chốt này liên tục chiến đấu từ 4-7/4, quân địch bị ta tiêu diệt 400 tên.

Đánh giá về trận chiến, tướng Nguyễn Đức Huy nói rằng, chúng ta sử dụng chiến thuật, dù địch mạnh muốn kéo chúng ta vào Tà Cơn, nhưng ta không đánh như thế. Chúng ta dùng lực lượng vừa phải để đánh, còn lực lượng chủ lực sẵn sàng đánh cơ động. Với cách đánh ấy chúng ta thành công. Đến ngày 9/7/1968 ta đã thành công, trận chiến Khe Sanh thắng lợi.

Tướng Huy bên chiếc xe tăng Mỹ
Tướng Huy bên chiếc xe tăng Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tướng Nguyễn Đức Huy đã trải qua rất nhiều trận chiến đấu ác liệt như trận Khe Sanh (1968), trận đường 9 Nam Lào, chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972), sau đó được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thị xã Quảng Trị. Đặc biệt, tướng Huy tham gia những trận đánh trong cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975.

Xúc động về thăm "đất lửa"

Sau nhiều năm, Thượng tá Lê Hữu Bảy mới có dịp trở lại mảnh đất Khe Sanh. Ông Bảy trước đây thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Nhìn ra cánh rừng cạnh sân bay Tà Cơn, ông Bảy nói rằng: “Trước đây vốn là đồi trọc do tác động của bom đạn, hóa chất. Nhưng giờ đây cây cối đã xanh tốt. Mảnh đất này đã “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng đã thay đổi nhiều”.

Ông Bảy bồi hồi sau 50 năm trở lại
Ông Bảy bồi hồi sau 50 năm trở lại

Thượng tá Lê Hữu Bảy cho biết, ông tham gia đánh ở Khe Sanh từ tháng 2/1968. Trận đánh hết sức ác liệt, quân địch bố trí quân số đông, hỏa lực mạnh, còn quân ta với cách đánh chắc chắn, sử dụng chiến thuật đã đánh bại quân Mỹ - Ngụy. Ngày 9/7/1968, Khe Sanh – Hướng Hóa được giải phóng.

Các cựu binh nhớ về sự ác liệt với đầy rẫy bom đạn, chết chóc
Các cựu binh nhớ về sự ác liệt với đầy rẫy bom đạn, chết chóc

Những chiếc trực thăng lưu lại bảo tàng Khe Sanh
Những chiếc trực thăng lưu lại bảo tàng Khe Sanh

Trong ký ức của ông Nguyễn Nho Hằng (trước đây là chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304), hiện sống ở Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ký ức về trận chiến Khe Sanh không bao giờ quên.

Bảo tàng chiến thắng Khe Sanh
Bảo tàng chiến thắng Khe Sanh

Các cựu binh trò chuyện với người mẹ Vân Kiều
Các cựu binh trò chuyện với người mẹ Vân Kiều

Sau 50 năm ông Hằng mới có cơ hội thăm lại mảnh đất Khe Sanh, Hướng Hóa. Ông Hằng nói rằng, ông đã tham gia nhiều trận đánh ở Khe Sanh, Làng Vây, sân bay Tà Cơn. Trong trận chiến ở Tà Cơn, ông bị thương ở vùng mặt.

Các cựu binh Trung đoàn 9 chụp ảnh lưu niệm tại Sân bay Tà Cơn
Các cựu binh Trung đoàn 9 chụp ảnh lưu niệm tại Sân bay Tà Cơn

Trong chiến tranh, Khe Sanh được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố, gồm các cứ điểm Làng Vây, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Cụm cứ điểm Tà Cơn là cái lõi của tập đoàn phòng ngự Khe Sanh của Mỹ, có chiều dài khoảng 5 km, rộng khoảng 3 km, hệ thống công sự, vật cản được xây dựng kiên cố và liên hoàn. Tuy nhiên, dù được ví là Điện Biên Phủ thứ 2 nhưng Mỹ - Ngụy vẫn bị thất bại, Khe Sanh - Hướng Hóa được hoàn toàn giải phóng.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm