1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỹ thuật tung đinh tán nung đỏ trên cầu Long Biên là… “bình thường”

(Dân trí) - “Kỹ thuật tung đinh tán nung đỏ trên cầu Long Biên để tán thật nhanh là bước bắt buộc để đảm bảo theo đúng kỹ thuật xây dựng của người Pháp khi xưa…”, đại diện một đơn vị thi công, trùng tu cầu Long Biên cho biết.

Theo ông Văn Đức Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần công trình 793, một trong những đơn vị đang trực tiếp thi công trùng tu cây cầu Long Biên trăm tuổi, việc các công nhân sử dụng kỹ thuật tung đinh tán nung đỏ là kỹ thuật từng được người Pháp áp dụng từ rất lâu và khá phổ biến trước đây.

Kỹ thuật này cũng được người Pháp áp dụng để xây dựng tháp Eiffel chứ không chỉ cầu Long Biên của Hà Nội. Bên cạnh đó, ngay cả nước Mỹ cũng từng áp dụng phương pháp tung đinh tán nung đỏ trong việc xây dựng toà nhà chọc trời Empire State nổi tiếng. 

long-bien16-f442b

Những công nhân "tung hứng" đinh tán nung đỏ đều là thợ bậc 4 trở lên

Theo ông Hùng, với những người bình thường khi nhìn những công nhân trên cầu tung những con đinh tán nung đỏ rực và được bắt bởi những chiếc phễu nhôm thô sơ có lẽ sẽ “toát mồ hôi hột”. Tuy nhiên, trên thực tế, những công nhân làm nhiệm vụ “tung hứng” này đều là thợ bậc 4 trở lên với tay nghề rất cao, được đào tạo rất kỹ.

Với những công nhân này việc tung đinh tán nóng đỏ và nhanh chóng chụp gọn là chuyện “hết sức bình thường” và rất hiếm khi xảy ra những sai sót. 

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng giải thích thêm vì sao phải dùng phương pháp này là bởi nếu đinh tán nguội sẽ coi như hỏng vì không đảm bảo nhiệt độ. 

“Thực tế nhiều người cũng từng thắc mắc và cá nhân tôi cũng từng nghĩ đến một phương pháp khác thay vì để công nhân phải “diễn xiếc” như mọi người thấy. Tôi từng tính đến việc sử dụng lò điện để nung đinh tán nhưng không khả thi.

Về mặt công nghệ phải nung bằng than để đảm bảo đinh tán đỏ lên dần dần mới được. Nếu dùng lò ga thì nhiệt độ quá lớn dẫn tới đinh tán không thể “chín” đều nhau được cả hai đầu. Điều này dẫn tới việc đinh tán sẽ bị hỏng không sử dụng được.

Hơn nữa, đối với những mối đinh tán ở bên dưới còn dễ nhưng với những mối nối đinh tán ở trên cao thì đương nhiên không thể mang lò lên trên tận cao để làm được. Không chỉ thế, ngay ở dưới mặt đất, tính toán kỹ để cho kịp thời về nhiệt độ của đinh tán vẫn đảm bảo, công nhân cũng không thể chạy từ đầu này sang đầu kia. Nên để hạn chế giảm nhiệt độ thì phải “ném” cho thật nhanh mới có thể tán vào thành cầu, đảm bảo mối tán chắc chắn”, ông Hùng lý giải.

long-bien6-2dfed

Để đinh tán nóng đỏ đủ nhiệt độ, phương pháp "tung hứng" được đánh giá là tối ưu

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do người Pháp xây dựng. Bản thân kỹ thuật sử dụng phương pháp đinh tán nung đỏ khi xưa, hiện tại đã ít được sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong quá trình phục hồi phải đảm bảo cả yếu tố lịch sử, sau khi cân nhắc các phương án khác nhau, các kỹ sư tham gia trùng tu cây cầu này quyết định không thể dùng bulong cường độ cao theo công nghệ mới. 

“Muốn khôi phục lại phải làm theo đúng kỹ thuật nguyên bản. Kết cấu cũ sử dụng phương pháp đinh tán, chính vì vậy không thể dùng bulong cường độ cao. Về mặt chịu lực, phương pháp đinh tán cơ bản vẫn đảm bảo được tốt yêu cầu”, ông Văn Đức Hùng cho biết thêm.

long-bien17-cb814

Pha "diễn xiếc" trên cầu Long Biên của những người thợ

Lý giải thêm lý do vì sao người Pháp khi xưa sử dụng phương pháp đinh tán để xây dựng cầu Long Biên, ông Hùng chia sẻ những ưu điểm của kỹ thuật này đó là sự ổn định, chắc chắc trong các mối tán, chịu được tải trọng rung động và dễ kiểm tra. Bên cạnh đó ít gây hư hỏng mối ghép khi phải tháo lắp.

Kể từ sau năm 1975, cầu Long Biên đã từng được gia cố, sửa chữa 2 lần vào năm 1995 và 2010 với tổng mức đầu tư 116 tỉ đồng. Hiện tại, theo kế hoạch, việc thi công, sửa chữa, gia cố cây cầu này sẽ diễn ra đến quý 4/2015.

Xuân Ngọc - Ảnh: Cường Net