Kỹ sư vô tuyến điện “bất ngờ” làm Trưởng đoàn bay lớn nhất Việt Nam
(Dân trí) - “Năm 1994, tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ở Nga về nước và là một Kỹ sư vô tuyến điện. Lúc đó, tôi không biết nghề phi công là gì, chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ cầm lái chuyến bay chở hàng trăm người, nhưng cái duyên làm phi công bất ngờ tới và gắn bó với tôi suốt 22 năm qua…”.
Anh Tô Ngọc Giang (sinh năm 1970) - Đoàn trưởng Đoàn bay 919, Đoàn bay dân dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay - chia sẻ với PV Dân trí về hành trình một người “ngoại đạo” trở thành phi công cơ trưởng xuất sắc.
Từ mẩu tin quảng cáo
Phóng viên: Học kỹ sư vô tuyến điện nhưng đi làm phi công, đó là cơ duyên hay vì lí do đặc biệt nào khiến anh bất ngờ “thay đổi” nghề nghiệp như vậy?
Đoàn trưởng Tô Ngọc Giang: Năm 1994, tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ở Nga về Việt Nam với tấm bằng Kỹ sư vô tuyến điện. Tôi không biết nghề phi công là gì, cũng chẳng bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ cầm lái những chuyến bay chở hàng trăm người.
Thời điểm đó, tôi đang thử việc tại 2 công ty viễn thông thì tình cờ đọc được mẩu tin quảng cáo Vietnam Airlines tuyển phi công, tôi thử ứng tuyển cho biết, cho vui. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã đến với tôi là giấy báo kết quả trúng tuyển phi công, ngay lúc đó tôi vẫn chưa xác định mình sẽ theo nghề mới.
Sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định đối mặt với thử thách mới - nghề phi công. Tôi nghĩ, 25 tuổi mới vào nghề thì đúng là cơ duyên.
- Anh nói rằng mình hoàn toàn không biết gì về phi công, vậy dân “ngoại đạo” như anh đã bắt đầu bước vào nghề như thế nào?
- Năm 1995, tôi nhập học khóa phi công dân sự. Hoàn thành khóa học dự bị, tôi được cử đi học lái máy bay tại Pháp và sau đó học chuyển loại máy bay.
Là dân “ngoại đạo” bước vào nghề phi công nên tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề ngoại ngữ, tất cả mọi giao tiếp, trao đổi đều sử dụng tiếng Anh, trong khi đó môn ngoại ngữ mà tôi thành thạo nhất lại là tiếng Nga. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện bay tại nước ngoài, tôi đã gặp những trở ngại nhất định.
Việc học bay đòi hỏi rất khắt khe về yêu cầu sức khỏe và sự thích nghi nhanh chóng với môi trường đào tạo. Một kỹ sư vô tuyến điện như tôi bình thường chỉ làm việc trong không gian 2 chiều trên mặt đất, nhưng khi vào nghề phi công thì tôi phải “sống” trong không gian 3 chiều, vậy nên đây là thử thách rất lớn đối với tôi.
Lần đầu tiên được điều khiển máy bay, với tốc độ di chuyển lớn của máy bay thì thời gian để xử lý các vấn đề được tính bằng giây nên áp lực rất lớn.
- Có khi nào anh muốn bỏ cuộc vì áp lực?
- Tôi đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Mọi thứ thực sự áp lực. Đôi khi trong đầu tôi cũng thoảng qua suy nghĩ bỏ cuộc, vì lúc đó tôi cũng có những lựa chọn khác ngoài nghề phi công.
Nhưng sau khi “đấu trí” với bản thân, ổn định tâm lý và tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình, tôi đã quyết tâm phải thực hiện bằng được. Tôi không bằng lòng với những gì số phận sắp xếp và quyết tâm trở thành phi công. Đến thời điểm này, tôi thấy mình đã có quyết định đúng đắn.
Là phi công, sắp về hưu vẫn phải… học!
- Thời gian theo những cánh bay của anh đã 22 năm. Từ một kỹ sư vô tuyến điện đến nay anh đã là một cơ trưởng giàu kinh nghiệm, là Đoàn trưởng Đoàn bay 919. Cảm xúc của anh như thế nào?
- Đúng là có những điều hết sức đặc biệt xảy ra trong cuộc đời. Được ngồi trên ghế lái, được trải qua từng chuyến bay mới hiểu được tình yêu của người phi công với nghề nghiệp của mình.
Vẫn là đường bay ấy, đồng nghiệp bay ấy nhưng mỗi chuyến bay lại có những thử thách riêng. Vượt qua từng thách thức đã làm nên bản lĩnh của một người phi công và mang lại những cảm xúc không thể nào quên.
Đoàn bay 919 là nơi tôi cầm lái máy bay thương mại đầu tiên. Được là một phần của Đoàn bay có truyền thống 60 năm với tôi là niềm hạnh phúc.
- Tôi được biết ngoài công việc là lái những chuyến bay thương mại chở khách, hiện nay anh còn tham gia đào tạo phi công, kiểm tra viên của đội bay hiện đại Airbus 350. Công tác giảng dạy có gì đặc biệt đối với anh?
- Đúng là ngoài vị trí một phi công cơ trưởng thì hiện nay tôi cũng là một giáo viên tham gia giảng dạy và đào tạo phi công, kiểm tra viên của dòng máy bay Airbus 350.
Công tác đào tạo phi công rất quan trọng. Cách thức đào tạo, kiến thức truyền tải ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến người học viên trong việc thực hiện chuyến bay. Chính vì thế, ngoài đào tạo kiến thức chuyên môn, người giáo viên còn chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp cho các học viên.
Trong quá trình đào tạo phi công, tôi cũng luôn nhắc nhở các học viên phải tự tìm hiểu, tự học hỏi, bởi kiến thức ấy có thể không dùng cho chuyến bay hôm nay, chuyến bay ngày mai, nhưng có thể dùng cho chuyến bay tuần sau.
Với nghề bay, tất cả phi công của chúng tôi, kể cả tôi hay những phi công sắp về hưu đều luôn luôn phải học hỏi để sẵn sàng xử lý những tình huống bất ngờ, những trục trặc, những khúc mắc trong mỗi chuyến bay thực tế của mình.
- Với cương vị là Đoàn trưởng Đoàn bay 919, anh nhìn nhận về trách nhiệm của đội ngũ phi công như thế nào, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay?
- Đoàn bay 919 có hiện tại khoảng 1.200 phi công, trong đó khoảng 270 phi công nước ngoài, còn lại là phi công Việt Nam. Các phi công chia về 6 đội bay, đội Boeing 787, Airbus 350, Airbus 321 Bắc, Airbus 321 Nam, ATR72 và Airbus 330.
Trong hàng không, khi cửa máy bay đóng lại thì phi công sẽ là người quyết định mọi việc trên chuyến bay. Họ là người chịu trách nhiệm về tính mạng của hàng trăm hành khách và máy bay, khối tài sản hàng trăm triệu USD. Vì vậy, người phi công phải cực kỳ độc lập và quyết đoán trong công việc. Phi công phải luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và thực hiện trách nhiệm với tinh thần cao nhất, vì sự an toàn tuyệt đối của mỗi chuyến bay.
- Xin cảm ơn anh!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)