Bình Định:

Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5

Doãn Công

(Dân trí) - Tối 17/4, tại Quảng trường 19/4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19/4/1972-19/4/2022).

Dự lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), lãnh đạo nhiều địa phương và hàng vạn người dân huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Hơn 1.000 ngày kiên cường chống giặc

Theo ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, huyện Hoài Ân - là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Chàng Lía vào thế kỷ 18, là địa bàn hoạt động của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1887), quê hương của chí sĩ Tăng Bạt Hổ - một trong những lãnh tụ của phong trào Cần Vương ở Bình Định.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5 - 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định (Ảnh: Bảo Thoa).

Hoài Ân cũng là địa phương có phong trào cách mạng rất sớm, Chi bộ Vạn Đức được thành lập vào tháng 7/1931, một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Hoài Ân.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên Khu ủy 5 và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, là hậu cứ vững chắc của phong trào kháng chiến của Đông Bắc Gia Lai - Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là "chảo lửa" của chiến trường trọng điểm Khu 5, căn cứ địa vững chắc của tỉnh Bình Định.

Đặc biệt, Hoài Ân là nơi thành lập, nuôi dưỡng và trưởng thành của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng với nhiều chiến công oanh liệt, đánh bại nhiều đơn vị sừng sỏ của Mỹ - Ngụy.

Cách đây 50 năm, Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân cùng với bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng đã tiến công, nổi dậy, đập tan bộ máy chính quyền của chế độ Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19/4/1972.

Từ năm 1972 đến tháng 4/1975, Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng đã kiên cường trong hơn 1.000 ngày đêm giữ đất, đánh bại hàng chục đợt phản kích quyết liệt của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân và tạo hậu cứ, thế đứng chiến lược cho quân dân Bình Định tiến tới giải phóng toàn tỉnh ngày 31/3/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5 - 2

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (Ảnh: Bảo Thoa).

Ông Hồ Quốc Dũng chia sẻ, sau 50 năm giải phóng, kinh tế của huyện Hoài Ân không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi mang thương hiệu riêng của huyện Hoài Ân.

Đặc biệt, điểm sáng của huyện Hoài Ân là đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều sản phẩm thế mạnh của huyện từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường như: Chè Gò Lôi, bưởi da xanh, heo Hoài Ân, dừa xiêm, gà ta thả vườn...

Phát huy lợi thế, nội lực địa phương để thu hút đầu tư

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định huyện Hoài Ân là huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5 được giải phóng trong chống Mỹ cứu nước, đồng thời là một trong những huyện giải phóng hoàn chỉnh trên chiến trường miền Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5 - 3

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (ngoài cùng bìa phải) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Hoài Ân (Ảnh: Bảo Thoa).

Thắng lợi của chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm tiền đề cho chiến thắng Bắc Bình Định, góp phần cùng với toàn chiến trường mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Nam Trung bộ và nối liền duyên hải với Tây nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Hoài Ân vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2021 của tỉnh Bình Định.

Xúc động ngày "trở về" của các liệt sĩ

Sáng 17/4, tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng 60 hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).

Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện đồng bằng đầu tiên của Khu 5 - 4

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn.

Đêm 25 rạng sáng ngày 26/12/1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân, dân trong và ngoài huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm Xuân Sơn. Phía ta đã tiêu diệt và làm bị thương khoảng 600 lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo 105 mm và 155 mm, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại. Trên đường lui quân, quân ta diệt thêm 120 lính Mỹ và một trực thăng.

Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và từ đó nằm lại trong lòng đất tại đồi Xuân Sơn gắn với chiến công hiển hách của Trung đoàn 22.