1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ nhân... vé số

Góc quán nhậu trên đường Lê Hồng Phong (TP Huế) bỗng dưng bặt tiếng khi giữa lao xao phố xá từ đâu vọng lại khúc Ngược dòng Hương Giang. Vừa dứt tiếng sáo, một người đàn ông khó nhọc cầm xấp vé số bằng hai ngón tay lại gần mời khách.

Ông cởi mở: “Anh ơi, ủng hộ cho tôi tờ vé số...”. Khách trong quán không ai bảo ai, cứ thế mỗi người một tờ, chả mấy chốc mà xấp vé số vơi dần. Ông là Nguyễn Đức Quý, 50 tuổi, một người tật nguyền có “độc chiêu” bán vé số bằng... tiếng sáo.

Tiếng sáo... mưu sinh

“Không phải tôi dựa vào hoàn cảnh của mình cộng với chút tài lẻ thổi sáo mà đem xấp vé số lợi dụng lòng thương của thiên hạ. Cái nghiệp thổi sáo bán vé số đến với tôi như một cái duyên” - ông Quý tâm sự. Ông kể trong một lần ngồi nghỉ bên vỉa hè vì đôi chân đã mỏi nhừ sau mấy giờ đồng hồ tản bộ bán vé, vừa mệt mỏi lại vừa buồn vì xấp vé còn dày cộp, ông lấy cây sáo ra thổi say sưa bài Trăng tàn bến Ngự. Khách qua đường nghe thấy và đứng lại mua vé cho ông rất đông. Một người trong đám đông nói rằng ông không những thổi sáo rất hay mà còn khiến người nghe thổn thức. “Sao ông không cùng cây sáo của mình đi bán vé số nhỉ?” - vị khách gợi ý. Từ đó, ông Quý cùng cây sáo của mình làm nên một “thương hiệu” vé dạo Nguyễn Đức Quý không giống ai. Rồi như muốn chứng minh, ông rủ chúng tôi cùng đến một quán nhậu.
Kỳ nhân... vé số - 1
Ông Nguyễn Đức Quý - người bán vé số có tâm hồn nghệ sĩ. (Ảnh: Triệu Sơn)

Vừa dừng chiếc xe đạp đã cũ bên vỉa hè đường Đống Đa, người trong bàn nhậu đã vội lấy chiếc ghế mời ông ngồi. Đưa tay đỡ tập xé số, người này hỏi han: “Hôm nay bán được nhiều không chú?”. Bàn nhậu mời ông vui chung vài ly bia, ông tặng lại họ bài Tiếng đàn Tư-lư. Những ngón tay méo mó cứ như nhảy múa trên những lỗ sáo, tạo nên âm thanh hết sức trong trẻo và tươi vui. Khách cứ thế chuyền tay nhau tập vé, mỗi người mua một ít.

Sang một quán khác, nhiều người lại nhận ra ông như nhận ra một người thân. Người vồ vập, người suồng sã... Họ thân mật với nhau như những người quen tự khi nào. “Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 vé, có lãi 100.000-120.000 đồng. Trừ mọi chi phí trọ ở, ăn uống, tôi dành dụm gửi về cho vợ nuôi thằng con ăn học” - ông Quý cho biết.

Vượt lên tật nguyền

Với ông Quý, cây sáo là cầu nối để ông tự tin hơn với cuộc sống. Những người mua vé số của ông cũng vậy. Họ mua không phải vì thương hại mà vì lòng cảm phục và để giúp một người.

Cuộc sống tưởng như khép lại trước mắt vào ngày tai nạn bất ngờ ập đến cướp mất sự lành lặn của đôi tay ông. Rồi nghĩ mình còn trẻ, ông quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời. Năm 1990, ông rời mảnh đất Quảng Nam ra Huế tìm việc làm. Ông đôn đáo khắp nơi nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Bốc vác không thể, bưng bê càng không, nhìn bộ dạng tôi không ai dám nhận vì họ sợ... ăn bám. May thay, khi tôi gần tuyệt vọng thì có một người đến bảo trông xe tại chợ Đông Ba. Lần đầu tiên kiếm ra được đồng tiền mừng đến phát khóc anh ạ!” - ông Quý kể.

Cho đến một ngày, nhận thấy công việc bán vé số dạo có vẻ phù hợp với sức khỏe của mình, ông đã chuyển sang nghề này mà không chút ngần ngại. Rong ruổi trên mọi con phố của đất thần kinh, đôi chân ông như không biết mỏi bởi ông muốn kiếm ra tiền để báo hiếu cha mẹ nơi quê nhà. Cuộc sống lại mỉm cười với ông. Như sự sắp đặt của số phận, ông gặp được một người phụ nữ cảm thông với nghị lực và nguyện cùng ông sẻ chia mọi khó khăn, bù đắp những mất mát mà ông gặp phải trong cuộc sống. Người phụ nữ ấy đã quyết lấy ông làm chồng mặc cho miệng lưỡi thế gian. Họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh rồi về Nghệ An sinh sống.

Có con rồi, cuộc sống lại thêm vất vả hơn. Ông Quý lại từ biệt người vợ thân yêu rồi một thân một mình vào Huế. Năm 2002, ông được giới thiệu vào sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những tháng ngày lui tới mái nhà chung cho những người khuyết tật, ông nhanh chóng học chơi rất nhiều nhạc cụ. Trong đó, thổi sáo là nhạc cụ ông chơi điêu luyện và truyền cảm nhất. Và từ khi nào không hay, cây sáo như người bạn tâm giao mà đi đâu ông cũng giắt lưng để đỡ buồn và bớt nhớ vợ con. Những bản nhạc ông thổi đều chan chứa một tình cảm khó tả, đặc biệt đến độ người nghe không chỉ cảm nhận hay mà họ con nhìn thấy. Đó chính là một khát vọng sống, khát vọng vươn lên của một con người thiệt thòi, không lành lặn.

“Có tuổi rồi, giờ tôi cũng chùn chân mỏi gối lắm. Nhiều khi đau ốm trở trời, tôi lại muốn bỏ phăng cho xong. Nhưng nghĩ mình không có sức khỏe như người ta, mình không bán vé số thì làm gì đây, về nhà lại làm khổ vợ khổ con. Nghĩ mình gắng làm vài năm nữa rồi đoàn tụ sau cũng chưa muộn, tôi lại bước tiếp” - bỗng mắt ông ngấn lệ...

Gần 40 năm trước, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu bé Quý đi chăn bò thuê. Một lần lang thang cùng đàn bò trên đồng, Quý vô tình nhặt được... quả bom và chơi đùa với nó. Cú nổ ác nghiệt đã cướp đi vĩnh viễn bàn tay trái của Quý. Bàn tay phải còn lại mấy ngón nhưng cũng bị đứt đi mấy đốt và biến dạng nặng nề.

Dù không lành lặn, ông Quý luôn cố gắng vượt nghịch cảnh. Sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông còn phát huy sở trường về bơi lội. Tại Hội thi thể thao - văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ II - 2002, ông giành được huy chương Đồng trong nội dung bơi lội. “Tôi thấy mình vẫn còn có ích chứ đâu đến nỗi” - ông cười lạc quan.

Theo Triệu Sơn

PLTPHCM