Quảng Trị:
Kỳ lạ người đàn ông chi hơn 500 triệu đồng để "chơi bom"
(Dân trí) - Với sở thích khác lạ, người đàn ông tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để sưu tầm vỏ bom đạn, ấp ủ ước mơ xây dựng nhà trưng bày về chiến tranh.
Bỏ hơn 500 triệu đồng sưu tầm hiện vật chiến tranh
Vườn nhà của ông Trần Công Chức (52 tuổi, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chất đầy các loại vỏ của bom đạn, với đủ kích thước: đạn pháo, đạn cối, bom lu… Bên trong nhà, ông Chức cũng làm chiếc tủ đựng nhiều vật dụng, hiện vật chiến tranh.
Những vật dụng này ngày càng hiếm, nhưng ông Chức vẫn bỏ công sức, đầu tư tiền bạc để sưu tầm hàng chục năm nay.
Ông Chức kể: ông lớn lên bên dòng sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, địa bàn hứng chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn trong những năm chiến tranh. Nơi đây từng là ranh giới chia cắt 2 miền đất nước.
Từ năm 1996, ông Chức phát hiện nhiều loại vỏ của bom đạn sót lại sau khi bộ đội công binh đã tháo thuốc nổ bên trong. Những chiếc vỏ này sót lại dọc sông, suối, trên rừng nên ông nảy sinh ý định sưu tầm.
Khi đưa vỏ bom, đạn về nhà, ông Chức rửa sạch bùn đất, một số được ông sơn phủ bên ngoài để chơi, số vỏ khác để quanh vườn nhà.
"Lúc ấy, thấy vỏ của bom, đạn còn nhiều thì tôi mang về nhà chứ chưa có ý định làm gì. Về sau, thấy người ta thu mua phế liệu đưa vào các xưởng chế biến sắt thép. Tôi chợt nghĩ, dần dần sẽ không còn vỏ bom, đạn nữa, nếu mình giữ được sẽ rất có giá trị, để các thế hệ con cháu sau này biết được bom đạn chiến tranh ác liệt như thế nào", ông Chức nói.
Suy nghĩ như vậy, ông Chức bắt tay vào sưu tầm vỏ của bom đạn, hiện vật chiến tranh. Nghe tin ở đâu có vỏ bom, đạn thì ông liền tìm đến mua về.
Ban đầu chỉ là vỏ bom, đạn, đến các vật dụng thời chiến tranh, vật dụng dùng trong đời sống, các hiện vật khác. Một số người biết ông thích sưu tầm vỏ của bom, đạn, hiện vật chiến tranh thì biếu không hoặc bán với giá rẻ, còn không thì ông Chức tìm mọi cách mua bằng được.
Ông Chức nói rằng, đối với các loại vỏ bom đạn có kích thước lớn, nằm ở địa hình hiểm trở thì ông phải thuê nhân công, máy móc để cẩu lên rồi đưa về nhà. Có khi phải mất 2 ngày mới đưa được quả đạn pháo ra khỏi rừng.
"Hiện tôi đã sưu tầm được nhiều loại vỏ của bom đạn có kích thước lớn: MK84, bom lu, MK82… Vỏ của mỗi quả MK84 tôi phải mua với giá 16 triệu đồng, vỏ bom lu khoảng 15 triệu đồng/quả. Nhiều năm sưu tầm hiện vật chiến tranh, tôi cũng bỏ ra số tiền khá lớn, hơn 500 triệu đồng", ông Chức cho biết.
Hơn 20 năm qua, ông Trần Công Chức đã sưu tầm hơn 1.000 hiện vật chiến tranh, vỏ bom đạn các loại.
Ông Chức cho hay, sắp tới ông sẽ xây dựng một nhà trưng bày nhỏ về chiến tranh, nhằm giúp các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm thời gian khó. Qua đó, các thế hệ con cháu nhìn những kỷ vật chiến tranh để hiểu được cuộc chiến tranh ngày xưa gian nan, ác liệt như thế nào.
Dự định mở nhà trưng bày được ông Chức ấp ủ từ 5-7 năm trước. Ông Chức cũng đã chuẩn bị một mảnh đất gần Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và quyết tâm thực hiện ý định của mình vào năm tới.
Dành tiền trợ cấp, nhịn ăn sáng để "chơi bom"
Một trường hợp khác cũng có sở thích sưu tầm vỏ của bom, đạn để trưng bày là anh Lê Thanh Hạnh (36 tuổi, thôn Long Hải, xã Phong Bình, huyện Gio Linh). Anh Hạnh đã sưu tầm hơn 30 vỏ quả bom, đạn các loại. Anh Hạnh luôn xem đó là thú vui, vừa lưu giữ lại những hiện vật chiến tranh.
Một lần, anh Hạnh đi tham quan địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh và thấy trưng bày các loại vỏ bom đạn tại nhà trưng bày rất đẹp. Từ đó anh nuôi ý định sẽ sưu tầm vỏ bom đạn.
Anh Hạnh kể: "7 năm trước tôi mua lại vỏ đạn MK81 từ một người rà phế liệu ở huyện Cam Lộ. Tôi dùng giấy nhám làm cho vỏ đạn sáng lên và sơn phủ bên ngoài. Sau khi phục hồi xong, tôi đem vỏ đạn chưng trước cổng".
Nhiều năm sau, anh Hạnh mua thêm một số vỏ đạn MK82, đạn pháo 155mm, 105mm… Vỏ bom đạn ngày càng hiếm, giá rất cao nên anh phải dành tiền trợ cấp khuyết tật của mình, nhịn ăn sáng để mua.
"Mình lớn lên trên vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn chiến tranh, bản thân cũng từng đi nhặt mảnh vỡ bom đạn về bán phế liệu. Về sau thấy người ta trưng bày ở bảo tàng nên bản thân cũng quyết tâm sưu tầm về chơi", anh Hạnh tâm sự.
Để phục chế được vỏ quả bom, đạn phục vụ thú chơi theo ý thích, anh Hạnh phải bỏ nhiều công sức, có khi mất từ 2-3 ngày mới làm xong 1 quả đạn. Ban đầu vỏ quả bom bị rỉ rét, anh phải mài nhẵn, tạo mặt phẳng và sơn lên cho đẹp mắt.
Hiện trước cổng nhà anh Hạnh trưng bày một số quả bom, đạn đã được anh phục chế rất đẹp mắt.
"Mình dự định sẽ mở quán cà phê rồi chưng các loại vỏ bom, đạn ở quán để mọi người hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và ý chí vươn lên", anh Hạnh nói.
Tỉnh Quảng Trị là địa phương có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với hơn 81% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương.
Trong 26 năm qua (1995-2021), tỉnh đã vận động được gần 144 triệu USD do các tổ chức quốc tế, phi chính phủ tài trợ để khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam an toàn với bom mìn vào năm 2025, sau khi đạt được nhiều thành công trong việc hợp tác và vận động nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ để khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.