Quảng Trị:
Kỳ lạ giếng nước hàng trăm năm tuổi luôn trong xanh, chưa bao giờ cạn
(Dân trí) - Trải qua hàng trăm năm, dòng nước trong xanh, mát rượi từ giếng Đô ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn là nguồn nước sinh hoạt chung tuyệt vời của người dân. Dẫu trải qua nhiều đợt khô hạn nhưng người dân nơi đây nói rằng giếng Đô chưa bao giờ bị cạn nước.
Giếng Đô nằm giữa cánh đồng lúa thuộc thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm. Cạnh giếng là con đường lớn nên thuận tiện cho người dân lui tới lấy nước. Đặc biệt, vào mùa khô, khi nước tại các giếng trong làng đều cạn khô thì người dân tập trung đến giếng Đô rất đông để lấy nước sinh hoạt. Vào những dịp này, giếng Đô đông đúc, nhộn nhịp như có hội, với dòng nước trong mát không bao giờ cạn.
Cho đến hôm nay, nhiều thế hệ người dân vẫn truyền tai nhau giai thoại về giếng Đô, làm cho giếng nước này càng trở nên thần kỳ, kỳ bí.
Truyền thuyết kể rằng, một hôm ông Thồ Lồ đang gánh đất thì bị gãy đòn gánh, hai đầu đất rơi xuống, tạo nên đảo Cồn Cỏ và đồi Lò Reng (xã Vĩnh Thủy) ngày nay. Cũng vì giận dữ, người khổng lồ dậm mạnh chân xuống đất, dấu chân thần hóa thành giếng nước gọi là giếng Đô. Ông cũng đấm tay vào hòn đá để lại dấu tích 5 ngón nằm ở cồn Giàng (hiện ở thôn Tiên Mỹ 2). Trong khi dấu tích hòn đá không còn nguyên vẹn thì giếng Đô vẫn tồn tại.
Một giai thoại khác về giếng Đô nói đến một vị tướng quân thời phong kiến, có sức mạnh phi thường. Ông Nguyễn Bá Thỉu (89 tuổi), vị cao niên của làng Tiên Mỹ kể câu chuyện ông đã nghe ông cha mình kể lại qua 4 thế hệ.
Giếng nước trở thành điểm sinh hoạt chung của người dân.
Theo lời kể của ông Thỉu, có một vị tướng quân ở cố đô Huế dẫn theo đoàn quân, có mang theo hòn đá lớn đến cồn Giàng, thuộc xã Vĩnh Lâm hiện nay. Đến nơi, cả tướng và quân ngồi nghỉ mát. Sau đó, vị tướng này cho quân lính chôn hòn đá xuống đất, 2 phần bên dưới, một phần nhô lên mặt đất. Ông tướng quân làm dấu trên phiến đá và nói đây là cồn Vàng.
Ông Nguyễn Bá Thỉu (89 tuổi), vị cao niên của làng kể giai thoại về giếng Đô.
Quân lính khát nước nên đề nghị tướng quân cho nghỉ uống nước. Vị tướng liền dẫn quân xuống chỗ giếng hiện nay và yêu cầu lính ngồi bao quanh, còn ông dùng chân trọi xuống đất tạo nên khoảng lõm sâu 3m, đường kính khoảng 10 m. Khi vị tướng này bước ra khỏi hố thì nước trào lên, quân lính vui mừng liền nghỉ ngơi và sử dụng nước để uống. Sau vị tướng quân đặt tên cho giếng nước này là giếng Đô.
Ông Thỉu nói rằng, khi ông lớn lên đã thấy giếng. Người dân trong vùng đều sử dụng nguồn nước từ giếng Đô để ăn uống và sinh hoạt. Ông Thỉu còn nhắc đến 2 câu thơ vị tướng quân đã đọc lên khi dừng chân tại khu vực này:
“Nước giếng Đô vừa trong, vừa mát
Đường Cồn Vàng mịn cát dễ đi”.
Dẫu rằng truyền thuyết về giếng nước khá ly kỳ, huyền ảo song điều mà bất cứ người dân nào tại địa phương cũng có thể khẳng định được là giếng Đô đã tồn tại hàng trăm năm nay; dòng nước giếng Đô luôn trong xanh và mát lạnh quanh năm, cung cấp nguồn nước cho biết bao thế hệ người dân. Theo các cụ cao niên trong làng, dù giếng chỉ sâu chừng 3m nhưng qua các đợt khô hạn, giếng vẫn chưa bao giờ bị cạn nước.
Điểm di tích ghi chiến công của người dân Vĩnh Lâm trong những năm chiến tranh.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Vĩnh Lâm cũng như nhiều địa bàn lân cận chịu bom đạn ác liệt. Và sự kiện ngày 19/8/1967 vẫn còn nguyên trong kí ức nhiều người cao niên trong làng. Hôm đó, B52 dội xuống Tiên Mỹ, đánh trúng giếng Đô, nhiều người bị thương, giếng cũng hư hại nặng. Cũng trong ngày đó, khẩu đội 12 li của xã Vĩnh Lâm đã bắn cháy 1 máy bay địch, chiến công vang dội khắp vùng.
Người dân trong làng dù đi đâu làm ăn sinh sống vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn, tuổi thơ đã lớn lên cùng sự tồn tại của “giếng thần”. Giếng nước được bà con nhân dân trong vùng xem như “báu vật” đã cung cấp nguồn sống, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn người dân bản địa.
Nước trong giếng mát lạnh, trong xanh.
Với những câu chuyện đầy thú vị về sự hình thành giếng Đô, giếng nước này trở thành điểm tham quan, tìm hiểu văn hoá của người dân các nơi, thu hút du khách đến với địa phương.
Giếng Đô được người dân trong làng xem như báu vật, được bà con gìn giữ hàng trăm năm nay.
Nhằm lưu giữ giá trị văn hoá của giếng Đô, các thế hệ người dân, con cháu trong làng đã ủng hộ kinh phí để tu sửa giếng.
Sau thời gian khôi phục, tôn tạo, giữa tháng 8 vừa qua, người dân địa phương đã khánh thành giếng Đô mới, mở ra những hứa hẹn tươi đẹp trong lòng dân về di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh.
Giếng Đô sẽ nhắc nhớ con em về cội nguồn, ý chí kiên cường và khát vọng hạnh phúc của người dân, cũng như cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng báu vật này. Hiện địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận giếng Đô di tích lịch sử văn hóa.
Đ. Đức