PhotoStory

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh

Thực hiện: Thanh Tùng

(Dân trí) - Ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có 18 cây di sản. Trong đó có những cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn xanh tốt.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 1

Cách trung tâm thành phố Thanh hóa 50km, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (di tích Lam Kinh) rộng hơn 140ha ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa, tại khu di tích có vô số loài cây quý, cổ thụ, tạo nên vẻ cổ kính. Đặc biệt, tại đây có 18 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Trong đó có 13 cây thuộc khu Di tích Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) và 5 cây thuộc khu đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 2

Nổi bật nhất trong số cây di sản tại khu di tích là cây Đa - Thị hơn 300 năm tuổi. Theo Ban quản lý Di tích Lam Kinh, cây Đa - Thị nằm ở góc sân Rồng, cạnh cổng Ngọ Môn, được công nhận là cây di sản vào năm 2013.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 3

Chị Lê Thị Loan, hướng dẫn viên tại Di tích Lam Kinh, cho biết cây di sản này nằm ở vị trí gần như đẹp nhất Việt Nam.

"Trước đây, ở cổng Ngọ Môn có 2 bức tường thành bằng gạch, từ khi 2 bức tường thành bị đổ, bên hữu Ngọ Môn mọc lên một cây thị. Cây thị đến mùa ra quả, có mùi thơm, chim chóc thường kéo về đây ăn quả.

Vô tình, trong một lần chim kéo về ăn quả thị có tha theo những hạt đa. Sau đó hạt đa rơi xuống rất, nảy mầm thành cây rồi ôm trọn cây thị bên trong. Từ đó tạo thành cây 1 gốc 2 ngọn (vừa đa, vừa thị), mùa nào cho quả đó. Chính vì vậy người dân trong vùng gọi là cây Đa - Thị", chị Loan giới thiệu.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 4

Năm 2007, cây thị bị chết. Điều ngạc nhiên, chỉ ít năm sau, tại gốc đa vẫn mọc ra một nhánh cây thị xanh tốt. 

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 5

Mặc dù đã hơn 300 tuổi nhưng cành, lá cây đa vẫn xanh tốt. Ngọn đa cao hơn 40m, chu vi thân cây hơn 17m, phần gốc cây khoảng 10 người ôm không xuể.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 6

Trước khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ có cây Sui 600 năm tuổi. Theo đo đạc, cây Sui cao khoảng 40m, đường kính 1,13m.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 7

Trên thân cây có nhiều địa y, dương xỉ bám đầy.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 8

Cách cây Sui không xa là cây Sồi nếp cổ thụ hơn 300 tuổi. 

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 9

Ngoài ra, còn có cây lim xanh cổ thụ. 

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 10

Ngoài quần thể cây di sản, tại Di tích Lam Kinh còn có cây ổi cười chứa đựng nhiều điều huyền bí, thu hút đông đảo du khách ghé thăm. 

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 11

Theo ban quản lý Di tích Lam Kinh, cây ổi này gần 100 năm tuổi có dáng huyền, mang thế rồng chầu. Điều đặc biệt, cây ổi này "biết cười", khi ai đó dùng tay gãi, sờ nhẹ lên thân cây, cây ổi sẽ rung nhẹ.  

Cây ổi "cười" này do ông Trần Hưng Dẫn (người thôn Hành Thiện, tỉnh Nam Định) cung tiến vào năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hạ sinh được quý tử. Để tỏ lòng thành, ông đã cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ.

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 12

Trải qua thời gian, cây ổi vẫn sinh trưởng tốt và cho ra quả đều đặn. Tuy nhiên, một số cành cây có biểu hiện lão hóa. 

Kỳ lạ cây đa ôm cây thị và cây ổi biết cười ở Lam Kinh - 13

Vị trí Khu di tích Lam Kinh (Ảnh: Google Maps).

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích hơn 140ha, thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc. 

Lam Kinh là nơi an nghỉ của vua Lê Lợi cùng các đời vua, hoàng hậu nối tiếp dưới triều Lê Sơ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, khu phế tích Lam Kinh được tôn tạo, tu bổ lại.

Năm 1962, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2012, khu di tích này được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.