1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỳ lạ “BOT làng” giữa thủ đô

(Dân trí) - Để phục vụ việc duy tu bảo dưỡng cây cầu bắc qua dòng sông Nhuệ ở thôn Nội, xã Văn Hoàng (Phú Xuyên, Hà Nội), nhiều năm qua, người dân thôn Nội đã tự dựng trạm thu phí ngay đầu cầu, thu phí của các loại phương tiện đi qua cầu, thậm chí thu cả... người đi bộ.

Kỳ lạ “BOT làng” giữa thủ đô - 1


Trạm thu phí qua cầu được dựng khá kiên cố.

Trạm thu phí qua cầu được dựng khá kiên cố.

Sáng ngày 21/12, PV có mặt tại thôn Nội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên.

Thu phí qua cầu để phục vụ việc duy tu bảo dưỡng?

Trao đổi với PV, một người tự xưng là đơn vị chủ thầu của cây cầu tại thôn Nội, xã Văn Hoàng cho biết, cứ mỗi năm 1 lần, tại thôn Nội sẽ diễn ra việc chọn người thầu để đảm bảo việc thu phí và trông coi cây cầu này.

“Vì đây là tiền của dân bỏ ra để làm cầu nên tất cả những ai đi qua cây cầu này, trừ người dân ở trong xã, chúng tôi đều phải thu phí để phục vụ việc bảo dưỡng và duy tu cầu” - người thu phí qua cầu cho biết.

Theo quan sát của PV, ở ngay phía trước cây cầu, người dân dựng một trạm thu phí, bên trên có gắn biển thu phí khi qua cầu. Bên trong trạm này thường có từ 1-2 người để luân phiên trông coi, thu phí người và các phương tiện qua lại cầu.

Người thu phí ở đây cho biết: “Chúng tôi chỉ thu phí qua cầu đối với những người ở ngoài địa phận xã Văn Hoàng, còn tất cả người dân trong thôn Nội, công nhân viên chức ngoài xã Văn Hoàng về đây làm việc và người dân ở trong xã Văn Hoàng sẽ không phải đóng phí khi qua cầu”.

Mức phí thu cũng khá đa dạng: Người đi bộ qua cầu hoặc xe thô sơ đóng 1.000 đồng/lượt; xe đạp điện 3.000 đồng/lượt; xe máy 4.000 đồng/lượt; ô tô 4-5 chỗ ngồi 5.000 đồng/lượt; các loại xe tải, bán tải có trọng lượng tương đương hoặc dưới 1 tấn đóng 10.000 đồng/lượt.

Kỳ lạ “BOT làng” giữa thủ đô - 3

Kỳ lạ “BOT làng” giữa thủ đô - 4


Người thu phí cho biết việc thu phí hoàn toàn là để phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng cây cầu.

Người thu phí cho biết việc thu phí hoàn toàn là để phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng cây cầu.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Trưởng thôn Nội - cho biết, từ những năm xa xưa trước đây đất thôn Nội liền thổ, sau đến năm 1937 thực dân Pháp nắn dòng sông làm cách trở 80 mẫu ruộng và một ngôi chùa Dược Sư của bà con nhân dân thôn Nội sang bên kia sông, nhân dân đi lại sản xuất bằng thuyền thường xuyên xảy ra tai nạn trên sông.

Đến năm 1960, nhân dân thôn Nội đóng góp kinh phí, chặt phi lao, bạch đàn, tre để làm cầu phao. Đến năm 1976, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Thời điểm đó, thôn được Tổng cục Đường sắt cấp cho một số thanh tà vẹt để giúp đỡ làm cầu, nhưng đến năm 1998 cầu tiếp tục bị hỏng. Người dân thôn Nội đã quyết định đóng góp kinh phí để làm mới cầu bê tông như hiện nay.

“Vì số kinh phí bỏ ra xây dựng cầu lúc ấy là rất lớn, cho nên cán bộ và nhân dân thôn Nội dự kiến sau khi hoàn thiện cây cầu sẽ thu phí đi lại để bảo dưỡng và duy tu cầu”, ông Hải lý giải.

Kỳ lạ "BOT làng" giữa Thủ đô

Huyện bảo dừng thu, xã xin thu tiếp

Liên quan đến việc thu phí giao thông đường bộ, cầu nông thôn ở xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, ngày 7/12, UBND huyện Phú Xuyên đã có thông báo về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên về việc xử lý thu phí giao thông đường bộ, cầu nông thôn.

Kỳ lạ “BOT làng” giữa thủ đô - 6


Cây cầu bê tông đang thực hiện tốt vai trò phục vụ giao thông đi lại của nhân dân.

Cây cầu bê tông đang thực hiện tốt vai trò phục vụ giao thông đi lại của nhân dân.

Trong bản thông báo nêu rõ: Giao Chủ tịch UBND xã Vân Từ dừng ngay việc thu phí ô tô đường vào thôn Dịch Vụ (xã Vân Từ). Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng dừng ngay việc thu phí cầu tre tại thôn Nội, xã Văn Hoàng theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo đề xuất UBND huyện xử lý vi phạm (nếu có) trước ngày 10/12/2017.

Sáng ngày 21/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiếu – đại diện UBND xã Văn Hoàng - cho biết, việc thu phí qua cầu tại thôn Nội đã có từ rất lâu và xã không phản đối việc này.

“Việc thu phí qua cầu xã đã giao cho thôn đảm trách. Hiện hàng năm thôn cử người ra trông nom quản lý, số kinh phí đó để bảo dưỡng cầu, còn lại một phần để sửa chữa cải tạo một số công trình phúc lợi của thôn”. Ông Hiếu cho biết.

Cũng theo vị đại diện UBND xã này, ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, xã Văn Hoàng đã có báo cáo ngày 10/12 đề nghị UBND huyện cho người dân tại thôn Nội tiếp tục thu phí để có tiền bảo dưỡng cây cầu, phục vụ việc đi lại sản xuất cho nhân dân, cho đến khi huyện triển khai xây dựng cầu mới từ trạm bơm Văn Trai qua sông Nhuệ bằng nguồn vốn của cấp trên.

Trần Thanh