1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Loạn súng săn ở Mai Châu (Hoà Bình):

Kỳ cuối: Bao giờ rừng im tiếng súng?

(Dân trí) - Khi ở thành phố Hoà Bình, các quán đặc sản thú rừng mọc lên như nấm sau mưa thì trong các thôn bản, thợ săn cũng ráo riết vác súng băng rừng, mong hạ được những con thú có giá trị...

Săn thú “được” người

 

Thợ săn trong vùng Xăm Khoè, Bao La, Piềng Vế… không ai không biết những câu chuyện rùng mình về các tai nạn khi đi săn đêm. Mới đây nhất là câu chuyện về vụ Khà Văn Thơ bắn chết một người dân Thanh Hoá, đến giờ vẫn còn “nóng hổi”, râm ran khắp xóm Muối xã Xăm Khoè.

 

Rừng ban ngày hiền hoà, tĩnh mịch, ban đêm bỗng trở nên ma quái, liêu trai. Lẫn trong bóng tối, có những thợ săn lầm lũi đi tìm nguồn sống. Như bao đêm khác, đêm đó (trung tuần tháng 10/2006), Khà Văn Thơ khoác súng vào rừng. Thơ vốn là thợ săn có tiếng ở vùng Xăm Khoè, đã đi là không bao giờ chịu về không.

 

Trong cái rét cắt da cắt thịt của đêm đại ngàn, Thơ bắt gặp một vết chân khá to. Đoán đây là dấu vết của một con lợn rừng cỡ bự, Thơ nhồi nhiều thuốc nổ, nhiều chì hơn thường lệ. Vừa hay, Thơ nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây phía trước. Đám cỏ lay động. Thơ giương súng bóp cò. Phát súng đanh gọn của một tay thiện xạ như Thơ khiến con mồi gục ngã ngay.

 

Khi chạy đến nhặt “chiến lợi phẩm”, trước mặt Khà Văn Thơ không phải là con thú mà là một người đàn ông nằm thoi thóp trên vũng máu. Quá khiếp hãi, Thơ vứt súng chạy thục mạng. Ngay đêm đó, Thơ ra đầu thú. Nạn nhân bị Thơ bắn chết là một người dân ở huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá...

 

Súng - “Công cụ” mua vui

 

Kỳ 1: Mua súng dễ như mua rau

 

Kỳ 2: Nỗi sợ săn đêm

Ngoài tác dụng chính là săn bắn, những khẩu súng kíp oan nghiệt còn được dùng như một thứ để mua vui cho dân bản. Vui - nổ súng. Buồn - nổ súng. Đùa nhau - nổ súng. Mâu thuẫn, cãi nhau - nổ súng. Tiếng súng đã trở nên quá quen thân với dân bản, khiến giới chức Mai Châu đau đầu.

 

Mới đây thôi, tối hôm 14/11/2006, Lê Văn Công trú tại xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khoè, sau khi ăn nhậu với anh rể là Phạm Bá Hồng, đôi bên lời qua tiếng lại đã phát sinh mâu thuẫn. Công lập tức vớ lấy khẩu súng kíp, chĩa thẳng mặt anh rể, dọa bóp cò. Rất may mắn cho Hồng, hôm đó có nhiều người can ngăn nên không có viên đạn nào bay ra khỏi nòng.

 

Xa hơn, hồi tháng 8/2006, sau cuộc rượu ở nhà bạn tại xã Cun Pheo, Hà Văn Nhận (SN 1976) say rượu, nảy sinh ác ý. Sẵn khẩu súng kíp khoác sau lưng, hắn đã bắn chết bạn nhậu để cướp tiền.

 

Với một khẩu súng, một án mạng và một án tù đến dễ như trở bàn tay.

 

Bao giờ rừng im tiếng súng?

 

Những biện pháp tuyên truyền, vận động dân giao nộp súng tự chế chỉ mang lại kết quả rất nhỏ nhoi. Thống kê của Công an huyện Mai Châu: Từ năm 2005 đến nay, lực lượng mới chỉ vận động giao nộp, thu hồi được… 34 khẩu súng, trong đó có 12 khẩu thể thao và 22 khẩu súng săn các loại.

 

Một thống kê khác: Từ năm 1996 đến nay đã xảy ra 16 vụ đi săn bắn nhầm người và dùng súng kíp để giải quyết mâu thuẫn. Trong đó, 7 người chết và 10 người bị thương.

 

Thực tế thì không cần phải đọc một thống kê nào, cứ đến Mai Châu sẽ thấy, những cuộc đi săn vẫn diễn ra hàng ngày. Trong các cánh rừng già, mùi khét của thuốc súng vẫn đượm theo làn khói, những tiếng nổ thảng hoặc lại dền vang khắp nơi.  

 

Nhóm PV trong chuyến công tác lên Mai Châu đã nhiều lần liên hệ với ông Trưởng Công an huyện Hà Công Cận nhưng ông này kiên quyết từ chối tiếp xúc, từ chối trả lời phỏng vấn. Có thể ông sợ phải trả lời câu hỏi: “Bao giờ rừng im tiếng súng?”. Cũng có thể ông không biết giải thích làm sao cho những tiếng súng khô khốc giữa bản làng, cho những người đã bị bắn chết một cách oan uổng, bị bắn như một con thú…

 

Lê Bảo Trung