1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ bí truyền thuyết “rừng thiêng” giữa lòng thị trấn

(Dân trí) - Thật khó tin giữa lòng thị trấn lại có một cánh rừng cổ thụ căng trào nhựa sống với hàng vạn cây rừng thẳng tắp cao vút. Càng khó tin hơn, cánh rừng ấy được bảo vệ bằng một truyền thuyết thần bí “rừng thiêng” nhuốm màu sử thi.


Già làng Y Ruê Mlô kể về truyền thuyết rừng Cư
Hlăm và hồ Sình Đỉa.
Già làng Y Ruê Mlô kể về truyền thuyết rừng Cư Hlăm và hồ Sình Đỉa.

Từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi men theo trục tỉnh lộ 8 nhằm hướng thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk để tìm cánh rừng cổ thụ truyền thuyết Cư Hlăm mà người dân đồn thổi lâu nay. Không quá lâu sau khi vượt hơn 15 km đường bộ, trước mắt chúng tôi là cánh rừng nguyên sinh thăm thẳm án ngữ ngay cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện lỵ Cư M’gar. Mang quan điểm “đất có thổ công, sông có hà bá”, chúng tôi hỏi thăm già làng ở vùng này. Đó là già làng buôn Mâp, người đồng bào Ê-đê - Y Ruê Mlô (70 tuổi) - người thông thạo địa hình, ngọn ngành cánh rừng nguyên sinh Cư Hlăm. Được hỏi chuyện xoay quanh cánh rừng Cư Hlăm, già làng Y Ruê Mlô mắt sáng quắc, khuôn mặt niềm nở dẫn chúng tôi vào thăm cánh rừng và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “thần bí” về rừng thiêng Cư Hlăm.

Chuyện kể về một mối tình loạn luân giữa hai anh em cùng họ tộc Niê trong vùng. Chuyện kể rằng, xưa kia tại vùng đất này (nay là buôn Mâp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có hai anh em ruột trong vùng họ Niê là Y Din và H’Hoan lấy nhau. Chuyện đến tai già làng, già làng họp con em trong buôn để xử phạt. Cuối cùng mọi người thống nhất xử phạt đôi tình nhân phạm vào luật tục của buôn cúng một con trâu trắng cho thần. Vì nhà nghèo không có trâu trắng, đôi trai gái bị phạt vạ đã đem một con heo trắng để cúng. Khi mọi người đang làm lễ cúng thần linh, bỗng nhiên con heo trắng sống lại rồi thốc tháo chạy lòng vòng quanh buôn. Con heo trắng chạy đến đâu thì đất đai rạn nứt và sụt lún đến đó. Mọi người trong vùng không ai sống sót. Không lâu sau, vùng đất này hiện ra một một cái hồ rộng bao la và một cánh rừng thăm thẳm. Cái hồi gọi là hồ Sình Đỉa, còn cánh rừng mang tên Cư Hlăm. Rừng bởi vậy rất thiêng nên không ai có thể chặt phá cây trong rừng.

Theo già làng Y Ruê Mlô, đây là truyền thuyết bảo vệ rừng Cư Hlăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, con em trong buôn từ già đến trẻ đều biết. “Hlăm” theo tiếng Ê-đê có nghĩa là “loạn luân”. Còn “Cư” được dịch ra là “đồi núi”. “Cư Hlăm” có nghĩa là “đồi loạn luân” hay “rừng loạn luân”. Hồ Sình Đỉa, trước đây có rất nhiều đỉa, có con to đến 2 - 3 lóng tay người. Chỉ cần tay chạm nhẹ vào mặt hồ y như rằng có hàng trăm con đỉa lao tới.

Già làng Y Ruê Mlô kể về truyền thuyết rừng Cư
Hlăm và hồ Sình Đỉa.

Hàng chục năm qua người dân buôn Mâp (thị trấn Ea Pốk, Cư M’gar, Đắk Lắk) luôn nhắc nhở con cháu truyền tai truyền thuyết Cư Hlăm bảo vệ rừng.

Cũng theo lời của già làng Y Ruê Mlô, khoảng những năm 60, 70 thế kỷ trước dân cư quy tụ về vùng này đông đúc rồi người dân khai phá rừng làm nương, làm rẫy thành lập buôn Mâp (nay thuộc thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Cuộc sống ấm no, con cái đầy đàn, hưởng lợi không khí trong lành từ rừng Cư Hlăm nên người dân buôn Mấp hàng chục năm qua luôn nhắc nhở con cháu truyền tai truyền thuyết Cư Hlăm bảo vệ rừng. “Các già làng trước đây kể rừng Cư Hlăm rất linh thiêng. Có một số người vào rừng lấy gỗ về làm nhà thì nhà cháy, gặp chuyện xui xẻo, con cái thường ốm đau liên miên…”, già làng Y Ruê Mlô nói.

Rừng Cư Hlăm rộng gần 20 ha, theo chân già làng Y Ruê Mlô vào rừng, chúng tôi bắt gặp có nhiều cây đại thụ cao vút, đường kính gốc cây 3 - 4 người ôm. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loại động vật phong phú có giá trị lớn về mặt sinh thái. Phía bên cạnh cánh rừng Cư Hlăm là hồ Sình Đỉa ôm một phần chân đồi rộng hơn 10 ha có làn nước trong veo, hiền hòa.

G

Glàng Y Ruê Mlô chỉ tay về hướng đỉnh núi Cư Hlăm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Y On Niê - Phó chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) - cho biết: “Truyền thuyết về rừng Chư Hlăm thực ra là một câu chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường sống. Hàng chục năm qua nhờ truyền thuyết này mà rừng Cư Hlăm xanh tươi, mát dịu. Cánh rừng tạo nên một bầu không khí trong lành không chỉ cho buôn Mâp mà còn cả thị trấn Ea Pốk…”.

Sự tích về rừng Cư Hlăm có thể đã truyền thuyết hóa về những biến động địa chất hàng triệu năm trước. Theo nhận định của các nhà địa chất, trên đỉnh Cư Hlăm có một hố sâu có thể đó là dấu tích của miệng núi lửa khi xưa. Hồ Sình Đỉa được cho là hình thành do lòng đất dưới chân núi sụt xuống sau khi núi lửa phun trào.

Trong khi nhiều cánh rừng tại các VQG, khu bảo tồn đang bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ vô tội vạ thì tại thị trấn Ea Pốk đang lưu truyền một truyền thuyết, dù có phần thần bí, nhưng có giá trị lớn lao trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường sống. Được biết, cánh rừng này hiện đang được nghiên cứu, quy hoạch để xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa trong tương lai gần.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm