1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỳ bí mộ “treo” giữa núi rừng Pa-tang*

(Dân trí) - Đồng bào dân tộc ở A Lưới quan niệm rằng người chết không được chôn mà phải cho tiếp xúc với khí trời để linh hồn được siêu thoát tới cõi linh. Cũng vì quan niệm này mà mảnh đất chạy dọc dãy Trường Sơn đã gìn giữ một tập tục kỳ bí: mộ “treo”.

Thăm “cõi âm” giữa lòng trần thế

Lần theo những câu chuyện huyền bí pha chất truyền kỳ của tục mộ “treo”, chúng tôi tìm về A Lưới qua độc đạo QL49 để thỏa trí tò mò. Giăng trên sườn núi, giữa trùng điệp đại ngàn Pa-tang là những chiếc tiểu đất nung, những tấm ván làm quan tài mục nát nằm ngổn ngang. Đó là những khu mộ “treo” có lẽ độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Phải khó khăn lắm ông Hồ Văn Xếp (64 tuổi) mới gật đầu đưa người khách lạ vào mục sở thị cận cảnh khu mộ “treo” ở thôn Đụt, xã Hồng Trung. Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây: người lạ vào thăm mồ mả sẽ mang xui xẻo đến cho gia chủ. Ông khoát tay ra hiệu cho chúng tôi theo chân ông sau khi đã xin ý kiến của dân làng. Ông nghiêm mặt cảnh báo: vào nghĩa trang không được nói bậy, không được tự ý làm điều gì nếu chưa được phép.

Nghĩa trang “treo” của thôn Đụt cách làng một quả núi, không có đường mòn. Chỉ có đôi chân dò dẫm và cái đầu nhớ lối rồi cứ thế vạch cây dại mà đi. Khu nghĩa địa hoang vắng là vì xưa nay người ở đây rất sợ ma, ít khi đi thăm mộ, thậm chí chẳng dám thờ cúng trong nhà. Trong ánh sáng mờ ảo buổi chiều tà, cả ông và chúng tôi đều bước thấp bước cao, cứ thỉnh thoảng lại dẫm phải một mảnh sành, những mớ vải vóc nhàu nhàu, rồi vài tấm ván đã mục nát. Đó là những huyệt mộ cũ, chén bát, quần áo… của người chết và nắp quan tài.
 
Kỳ bí mộ “treo” giữa núi rừng Pa-tang* - 1

Khu nghĩa địa "treo" nằm giữa rừng già. (Ảnh: Trương Ánh Minh)

Nghĩa địa nằm giữa bốn mặt rừng già, từ xa trông lại chỉ thấy vài chục cái piêng (theo cách gọi của đồng bào, nghĩa là lăng) ngổn ngang đủ sắc màu, kiểu dáng. Mỗi piêng là khu an táng của một gia đình, gồm nhiều tiểu gỗ hoặc đất nung, đựng hài cốt sắp xếp ngay ngắn theo tôn ti lúc còn sống. Có những tiểu không hài cốt, đó là những tiểu tượng trưng cho những người chết vì lý do nào đó không tìm thấy xác.

Mỗi piêng có ít nhất 3 tiểu, bởi theo tập tục mỗi lần cải táng phải từ 3 người trong họ trở lên. Tất cả đều lộ thiên, trơ ráo, không một nắm đất phủ. “Trước đây, khi chết người làng chỉ đào huyệt mộ rồi cho quan tài xuống chứ không lấp đất. Chừ thì chết cứ chôn đã, 3-5 năm mới cải táng, làm lễ tạ rồi đưa lên piêng” - ông Xếp giảng giải.

Trong cái giá se sắt của hoàng hôn miền ngược và cái lạnh hiu hắt của khu nghĩa địa, một thoáng rùng mình khi nghĩ đến cảnh bên trong những hàng tiểu ngay ngắn đó đã từng là một con người sống.

Tục táng “treo” và những câu chuyện nhuốm chất truyền kỳ

Ông Xếp cũng chẳng biết tập tục này có từ bao giờ, chỉ biết là khi đời cha, đời ông của ông sinh ra thì đã thấy mộ ông cụ, ông kỵ đặt trong piêng. Những người già giải thích: nếu chôn xuống đất thì linh hồn người chết sẽ bị níu chặt, không thể siêu thoát. Những ngôi mộ, vì thế phải để lộ thiên để linh hồn tìm đến cõi linh thiêng, giao hòa với trời đất.

Mỗi lần cải táng, trong họ phải họp và thống nhất cải táng ít nhất 3 ngôi mộ. Không như người miền xuôi, mọi chi phí ăn uống, tế lễ, xây piêng, mua tiểu đều do con gái chịu, kể cả những người đi lấy chồng xa. Người con trai cả chỉ phải thông báo tới họ hàng ruột, họ hàng nhà vợ và cả nhà chồng của chị em gái, nếu không sẽ bị trách cứ. Lễ cải táng là một lễ nghi quan trọng với người nơi đây, lễ diễn ra trong hai ngày một đêm, gia chủ phải gánh mọi khoản rượu thịt, ngủ nghỉ của họ hàng, bạn bè.

Lễ tế gồm một con heo, 10 cái chén, bộ quần áo và nhiều đồ thờ cúng khác. Chuẩn bị đủ lễ tế, hài cốt người chết sẽ được thầy cúng bốc lên, cho vào tiểu rồi tập trung về piêng. Trong hai ngày lễ, thanh niên trong làng được tiếp đãi no say và có trách nhiệm đánh trống khua chiêng và trông giữ hài cốt. Nếu làm mất hoặc để hư hỏng, họ sẽ bị làng phạt tội nặng.
 
Kỳ bí mộ “treo” giữa núi rừng Pa-tang* - 2

Những chiếc tiểu được xếp ngay ngắn, lộ thiên trong piêng. (Ảnh: Trương Ánh Minh)

Ông Xếp kể, có lần cả làng hoảng hốt khi một bộ hài cốt đã 3 năm nhưng khi đào lên vẫn còn nguyên khung xương, không tài nào cho vào tiểu được. Họ hàng bèn cho vào quan tài mới rồi đặt lên piêng. Ông nói, dạo đó dân làng phải góp gạo, góp heo để cúng linh đình mất ba ngày liền vì cho rằng xương còn nguyên là hồn chưa thoát, không cúng lớn sợ hồn người chết quấy nhiễu bản làng.

Theo quan niệm của đồng bào Pa-tang, nếu 3-5 năm khi cha mẹ chết mà không cải táng, quy piêng thì người sống sẽ gặp xui xẻo, bệnh tật và thất bát. Còn như ông Xếp giải thích: chưa thấy nhà ai gặp xui do cải táng chậm cả, nhưng ở đây hầu như ai cũng theo tập tục này để bày tỏ sự biết ơn với cha mẹ, tổ tiên.

Những người chết mất xác do bị con hổ, con báo ăn thịt cũng phải làm lễ cải táng. Tục cải táng cho những người này còn phức tạp hơn. Họ hàng phải đến nơi được cho là nơi người chết trút hơi thở cuối, rải chiếu và bắt con châu chấu cho vào giữa để thầy cúng cầu hồn. Sau lễ cúng, con châu chấu được cho vào một ống tre bịt kín, chỉ để một cái lỗ to bằng đầu que tăm. Sau một tuần, nếu con châu chấu còn sống thì gia chủ sẽ gặp vận may, không thì ngược lại.

Chuyện may mắn hay xui xẻo vì con châu chấu cũng chẳng ai kiểm chứng, nhưng nói như ông Xếp: quan trọng là làm lễ cầu hồn cho người chết, để yên cái bụng những người đang sống.

Dân làng ngày nay đã ít sợ con ma, họ đã học được cách hương khói tổ tiên, học cách đơn giản hóa những tập tục để phù hợp với cuộc sống. Nhưng họ vẫn giữ những ngôi mộ “treo”, như một nét văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng, đáng trân trọng của người Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều…

(*) Pa tang: Cách đồng bào dân tộc gọi vùng A Lưới, tiếng dân tộc có nghĩa là “vùng đất chết”. Tục táng “treo” hiện còn được gìn giữ ở nhiều xã thuộc huyện A Lưới (TT-Huế), một huyện miền núi là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc: Kinh, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô…

Nguyên Sa - Trương Ánh Minh