1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ

Thái Bá

(Dân trí) - Khi vị lang xứ Mường mất, thi hài được đặt trong quan tài gỗ quý sơn son thếp vàng, kèm nhiều vàng bạc châu báu. Tương truyền có 50 đồng nam, 50 trinh nữ bị chôn sống cùng để theo hầu, bảo vệ của cải.

Khu mộ Mường Đống Thếch nằm ở đầu thung lũng thuộc xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, Huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có từ thế kỷ XVII. Trải qua hơn 400 năm, những lời nguyền, đồn đoán về khu mộ của nhà lang xứ Mường Động vẫn là câu chuyện huyền bí chưa có lời giải.

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 1

Toàn cảnh khu mộ Đống Thếch ở xứ Mường Động, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: TB).

Khu mộ Đống Thếch (Đống là từ chỉ những ngôi mộ; Thếch là tên một địa danh cũ ở Mường Động) của dòng họ Đinh, họ quan lang cai quản xứ Mường Động, giàu có bậc nhất người Mường xưa.

Ông Đinh Công Dung (66 tuổi) - hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Đinh xứ Mường - kể, cách đây hơn 4 thế kỷ, vùng đất xứ Mường Động này do ông Đinh Như Lệnh khai lập.

Trải qua nhiều thế hệ, đến thời ông Đinh Công Kỷ, do là người có công giúp vua Lê Trung Hưng chống giặc và xây dựng triều chính nên được ban cai quản vùng Mường Động (một trong 4 vùng Mường lớn ở Hòa Bình gồm Bi - Vang - Thàng - Động).

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 2

Trên các ngôi mộ được chôn các cột đá to, cao, ghi chữ Hán để đánh dấu (Ảnh: Thái Bá)

"Gia phả dòng họ còn lưu lại, cụ Đinh Công Kỷ sinh năm 1592, mất năm 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Năm 1650, thi hài cụ được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa và 20 hình nhân.

Cụ được mai táng theo tước hầu, quan tài bằng gỗ trám đen (loại gỗ quý nhất vùng), bên ngoài sơn son thếp vàng. Vì có công với nhà Lê nên khi dựng mộ, nhà Lê cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ", - hậu duệ dòng họ Đinh xứ Mường kể.

Nhiều đồn đại còn lưu truyền tại xứ Mường Động là khi chôn cất vị lang, trong mộ chôn theo nhiều vàng bạc, châu báu, chôn voi và người hầu. Đặc biệt, có 50 đồng nam, 50 trinh nữ cũng bị chôn sống để theo hầu lang ở bên kia thế giới và bảo vệ kho báu.

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 3

Chữ Hán cổ và hình vẽ trên một cột đá tại khu mộ Đống Thếch (Ảnh: Thái Bá).

Những lời đồn đoán trên đã khiến khu mộ Đống Thếch một thời gian dài bị kẻ gian đào bới, xới tung tìm cổ vật và những đồ có giá trị. Trong đó, ngôi mộ của lang Đinh Công Kỷ đã bị trộm đào xới, khuân cả những phiến đá to có khắc chữ Hán cổ mang đi.

Ông Dung chia sẻ thêm, trước đây khu mộ cổ Đống Thếch có hàng trăm ngôi mộ của dòng họ Đinh Mường Động, với những tấm bia đá bao quanh có khắc văn tự bằng chữ Hán. Trong nhiều năm không được trông giữ, kẻ gian đã xâm hại nơi đây khiến khu mộ bị biến dạng, nhiều cột đá cổ cũng đã bị lấy cắp. Giờ cả khu mộ chỉ còn lác đác số ít cột đá, chữ không còn rõ nét, nhiều ngôi đã bị san phẳng.

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 4

Nhiều năm bị kẻ gian đào bới, xới tung, khu mộ bị biến dạng, nhiều cổ vật đã bị đánh cắp (Ảnh: Thái Bá).

Trước tình trạng mộ cổ bị xâm hại, năm 1984, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà sơn Bình (cũ) đã tiến hành khai quật toàn bộ số mộ còn lại.

Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều chứng tích quý giá trong các ngôi mộ cổ ở Đống Thếch như: trống đồng loại nhỏ (niên đại từ thế kỷ 2-12); đồ gốm sứ có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc (niên đại từ thế kỷ 11-16)…

Điều này đã minh chứng khu di tích có giá trị đặc biệt về sử học, dân tộc học, văn hóa, xã hội Mường cổ. Đặc biệt khu di tích cung cấp nhiều thông tin quý giá về tục táng của người Mường nói chung và của dòng họ Đinh Mường Động nói riêng.

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 5

Tỉnh Hòa Bình đầu tư tôn tạo lại khu mộ Đống Thếch để bảo tồn giá trị văn hóa Mường (Ảnh: Thái Bá).

Các chứng tích cũng cho thấy không có sự liên quan đến việc, mồ chôn của vị lang Mường có các đồng nam và trinh nữ bị chôn sống tập thể như các đồn đoán trong dân gian.

Căn cứ vào quy mô, cấu trúc, hiện vật thu được, hiện khu mộ Đống Thếch được chia thành hai khu khác nhau gồm: Khu A - nhóm mộ khu trung tâm và khu B -  nhóm mộ, nằm trên tổng diện tích hơn 2ha. Xung quanh khu mộ hiện đã được quy hoạch, xây hàng rào, nhà bảo vệ. Nơi đây mỗi năm thu hút nhiều người đến tham quan khám phá, tìm hiểu về văn hóa của người Mường xưa.

Kỳ bí mộ cổ vị lang Mường cùng lời đồn chôn sống 50 trinh nữ - 6

Khu mộ cổ Mường Thếch sẽ trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách (Ảnh: Thái Bá).

Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 1997, khu mộ Đống Thếch được công nhận là Di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia. Đây là di tích khảo cổ học cung cấp nhiều thông tin quý giá về xã hội Mường cổ.

Tuy nhiên, để phát huy được giá trị của khu mộ cổ cần có thêm sự đầu tư bài bản để nơi đây trở thành một điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm