1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cận cảnh cánh rừng “hấp hối” vì lâm tặc:

Kỳ 2: Về cơ bản đã… phá xong rừng!

(Dân trí) - Trong khi các trạm Kiểm lâm, Bảo vệ rừng, Biên phòng tìm mọi cách để lý giải cho thực trạng phá rừng thì chủ rừng - Lâm trường Minh Hóa - đã đưa ra một thực tế đau lòng: cơ bản rừng ở tiểu khu 218 đã bị… phá hết.

“Làm gì có!”

 

Ngày 20/7, chúng tôi tìm đến trạm Kiểm lâm (KL) Thượng Hóa những mong tìm câu trả lời cho tình trạng phá rừng bán công khai ở tiểu khu 218. Ông Trạm trưởng Hồ Nguyên Ngọc tiếp chuyện với sự thiếu thiện chí hiện rõ trên từng cử chỉ.

 

“Làm sao có chuyện cả chục m3 gỗ nằm cách mặt đường 200m được, làm gì có chuyện phá rừng. Ngày nào chúng tôi chẳng đi tuần mà có phát hiện gì đâu?” - ông Ngọc mở đầu câu chuyện.

 

Thậm chí, khi PV tái khẳng định tình trạng phá rừng và số gỗ được tập kết chuẩn bị tuồn đi, ông Ngọc còn “đánh cược”: “Tôi đi với anh, nếu đúng có gỗ như thế thích gì tôi cũng chịu".

 

Chúng tôi không nhận lời thách đố của ông, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau tuyên bố “không thể có” của ông Ngọc, lực lượng KL cơ động (Chi cục KL Quảng Bình) đã phối hợp với Trạm Bảo vệ rừng (BVR) Khe Sến phát hiện 6m3 gỗ đã được tập kết ngay trong tiểu khu 218.


Kỳ 2: Về cơ bản đã… phá xong rừng! - 1
6m3 gỗ lậu - điều "không thể có" - đã bị phát hiện cách mặt đường Hồ Chí Minh chỉ 150m.

Về phần mình, mặc dù PV đã rất nhã nhặn và xuất trình đầy đủ giấy tờ song ông Ngọc cự tuyệt trao đổi thông tin. Đến tên của mình, phải mất 10 phút “dỗ dành” ông mới chịu nói ra.

 

Đáng ngạc nhiên hơn, trong khi rừng Thượng Hóa đang bị tàn phá từng ngày thì ông Trạm trưởng Trạm BVR Thượng Hóa lại đi tận thu gỗ cành ngọn, lóc lõi ở tận xã Tân Hóa (cách Thượng Hóa chừng 50 km).


Kỳ 2: Về cơ bản đã… phá xong rừng! - 2
Gỗ khai thác che khuất tầm mắt của trạm BVR Thượng Hóa
 
 

Sau khi xem những hình ảnh tan hoang trong tiểu khu 218, ông Đinh Văn Cam - Giám đốc Lâm trường Minh Hóa cho biết: “Nhân lực bảo vệ rừng của Lâm trường ít, hơn nữa nhà nước lại không cấp kinh phí BVR nên công tác này gặp nhiều khó khăn”. Ông nói thêm, khi rừng ở tiểu khu này được giao cho Lâm trường thì về cơ bản đã bị… phá hết rồi. Trước những dấu hiệu “bảo kê”, “làm luật” mà dư luận phản ánh, ông Cam khẳng định sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện có sự liên quan của Trạm BVR Thượng Hóa.


Chúng tôi phải tìm đến Tổ công tác của đồn Biên phòng 585 với hy vọng có được một câu trả lời gần với sự thật hơn. Ông Hà Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ công tác thừa nhận có tình trạng phá rừng ở Thượng Hóa, nhưng khẳng định lực lượng Biên phòng chỉ “ra tay” khi có đề nghị phối hợp từ các cơ quan chức năng như KL, BVR.

 

Về tình trạng “làm luật” để khai thác và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng mà một số đầu nậu, lái xe phản ánh, ông Hải cho biết: “Đôi khi người dân trong xã đến xin đi làm ít gỗ để dựng nhà, chứ chưa có đầu nậu nơi khác đến “đặt vấn đề” với chúng tôi”.

 

Nhiều trạm KL - BVR, vẫn thiếu “bàn tay sắt”

 

Trên cung đường dài hơn 20 km từ đèo Đá Đẽo tới cửa ngõ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có tới 4 trạm KL, BVR là: Chà Nòi, Khe Sến, Khe Gát và Troóc. Đây có lẽ cũng là nơi có mật độ các đơn vị liên quan đến công tác BVR cao nhất nước. Nhưng những chuyến xe chở gỗ lậu vẫn chạy có hệ thống, lọt qua các trạm để đến “đích” Hoàn Lão, Đồng Hới.


Kỳ 2: Về cơ bản đã… phá xong rừng! - 3
Hai sườn đèo Đá Đẽo có 7 đơn vị có trách nhiệm BVR, còn trên đèo có hàng chục đường xương cá tuồn gỗ lậu.
 
Có thể nói, những chiếc xe chở gỗ lậu đã “nhẵn mặt” trên từng cây số cung đường này, bởi tất cả đều đậu quay lưng ra đường Hồ Chí Minh sau những chuyến “ăn đêm” no nê.

 

Ông Phan Duy Trí - Trạm phó Trạm KL Chà Nòi (thuộc Hạt KL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) giải thích: “Đã có lần chúng tôi truy đuổi lâm tặc trên đường, khiến anh này ngã chết. Sau lần đó thì lãnh đạo quán triệt không kiểm tra trên đường nữa. Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi bất lực, chúng tôi vẫn kiểm tra khi có tin báo rõ xe nào, chở cái gì”.

 

Giải thích cho việc 4 cán bộ KL trạm Chà Nòi đứng ở cửa rừng không thuộc lâm phận mình quản lý và lên xe đi ngay khi giáp mặt với chúng tôi vài ngày về trước, ông Trí nói: “Anh em đang đi trực phòng cháy rừng, trên đèo không có sóng điện thoại nên xuống đó nghe điện thoại chứ làm gì có chuyện lấy tiền luật giữa ban ngày ban mặt như thế. Hôm trước, không biết nắm thông tin ở đâu mà một lãnh đạo cũng gọi điện hỏi chúng tôi thế. Không có đâu”.


Kỳ 2: Về cơ bản đã… phá xong rừng! - 4
Cần một "bàn tay sắt" để cứu lấy rừng Thượng Hóa.

 

Còn ông Nguyễn Cẩm Sâm - Trạm trưởng Trạm BVR Khe Sến, đơn vị vừa phối hợp với KL cơ động thu giữ 6m3 gỗ lậu trong rừng Thượng Hóa, cũng thừa nhận không phát hiện được vụ vận chuyển lâm sản trái phép nào qua trạm từ đầu năm tới nay.

 

“Thẩm quyền của lực lượng BVR hạn chế lắm. Trước nay, chúng tôi cũng kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường, nhưng nhiều khi chặn xe mà không có lâm sản bị họ chửi ghê quá thành ra chỉ dám chặn khi có tin báo chính xác” - ông Sâm nói.

 

Theo ông Sâm, nhờ có sự phối hợp với các lực lượng Cảnh sát, KL cơ động nên tình trạng phá rừng ở các tiểu khu 218, 238 giảm hơn trước. Ông cũng cho rằng dù là KL hay trạm BVR thì việc bắt gỗ khi đang nằm ở trong rừng là dễ, còn khi gỗ đã lên xe thì việc phát hiện khi vận chuyển là cực kỳ khó khăn.

 

Trả lời về thông tin mà chính một cơ quan chức năng khẳng định rằng trạm BVR Khe Sến thường “thả” cho các xe chở lâm sản lọt trạm, ông Sâm nói: “Không có chuyện cầm tiền để thả cho các xe lọt trạm, chỉ có thỉnh thoảng xe chở cho một số vị lãnh đạo thì chúng tôi phải thông cảm cho qua thôi”.

 

Cứ như vậy, những lý do muôn thưở được đưa ra: rừng rộng, người ít, thẩm quyền hạn chế, tạo điều kiện cho dân nghèo, nể nang lãnh đạo… Chỉ tiếc chúng tôi không gặp được các trạm KL Khe Gát và Troóc để nghe thêm những lý do khác.

 

Lý do nào cũng có tình, có lý, song hậu quả là rừng vẫn ngày đêm rỉ máu dưới lưỡi cưa máy của lâm tặc.

 

Với địa hình và thế độc đạo của con đường Hồ Chí Minh qua khu vực này, với mật độ ken đặc các đơn vị KL, BVR phân bổ ở hai sườn đèo Đá Đẽo, có thể nói không ngoa rằng nếu có một “bàn tay sắt” thực thụ thì lâm tặc khó bề vào rừng chứ chưa nói đến việc hình thành một đường dây phá rừng có tổ chức như vậy.

 

Hồng Kỹ