1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những “bí mật” gần 30 năm của Công an Hà Tĩnh:

Kỳ 2: Nỗi đau của những người còn sống

(Dân trí) - Chúng tôi tìm gặp những chiến sĩ công an đã tham gia chuyên án đồng lửa năm ấy, và tận mắt chứng kiến những nỗi đau quái ác không thể nói bằng lời. Gặp và nghe các anh nói, mới thấm thía lá thư viết vội của đội trưởng Nguyễn Phi Lạc...

>> Kỳ 1: Lá thư của người cảnh sát hình sự quá cố

 

Hơn 20 năm không đêm nào ngon giấc

 

Nhiều năm qua người dân phường Nam Hà, thị xã Hà Tĩnh đã quá quen với hình ảnh một chiến sĩ công an dễ gần, ngay thẳng, vóc dáng gầy còm, đó là Đại úy Phạm Khắc Lương - một trong những chiến sĩ đã tham gia chuyên án đồng lửa của nguyên Đại đội trưởng Nguyễn Phi Lạc. 

 

Muốn gặp anh nhưng bị từ chối: “Mình bận công việc lắm”. Nhưng tôi vẫn tìm đến nhà anh, và nhói lòng trước một sự thật: anh đang đổ bệnh nên rất ngại tiếp xúc với người lạ.

 

Anh Lương gắng gượng kể lại chuyên án đồng lửa từ 26 năm trước. Tháng 8/1981, 23 tuổi, anh Lương đã được giao trách nhiệm lập chuyên án điều tra vụ việc “Tại Công ty Ăn uống Nghệ Tĩnh có một tổ chức buôn lậu đang cần bán một số đồng lửa”.

 

Qua điều tra xác định có 2 người ở công ty nói trên đang cần bán 1 tấm kim loại hình tam giác cân, mỗi cạnh khoảng 20cm, dày khoảng 2,5cm, màu chì, bề mặt có in ký hiệu nổi bằng tiếng Anh.

 

Đại uý Lương đóng vai người mua, là người trực tiếp tiếp cận đối tượng và món hàng đồng lửa. “Tôi lấy que sắt đập vào cục đồng lửa thì nó phát ra tia lửa mạnh, dài gần nửa mét”, anh Lương nhớ lại. Ngay ngày hôm sau, khi “cuộc mua bán” đang diễn ra thì công an ập vào, thu giữ mảnh tang vật có trọng lượng 5,3 kg.

 

Chiến công lập được chưa lâu thì anh Lương bất ngờ đổ bệnh lạ. “Toàn thân tôi như ớt chà, nóng ran khó chịu. Tại một số bộ phận trên cơ thể như lưỡi, môi, mi mắt, mũi, hậu môn bị chảy máu, nôn ọe liên tục”, Đại uý Lương nhớ lại những ngày đầu tiên phát bệnh. Sau đó, anh chuyển viện nhiều nơi nhưng các bác sĩ chưa phát hiện điều gì bất thường.

 

Sau đó, anh Lương lập gia đình, rồi chuyển công tác về thị xã Hà Tĩnh. Đó cũng là lúc căn bệnh trong người anh bùng phát dữ dội. Từ năm 1988 trở lại đây, hầu như không có năm nào anh không phải đi bệnh viện. Kết quả chẩn đoán sau mỗi lần đó anh thường giấu kín, ít khi dám cho vợ con xem.

 

Chẩn đoán của bác sĩ viện 198, Bộ Công an năm 1998: Rối loạn thần kinh thực vật kéo dài; suy nhược cơ thể; viêm niêm mạc dạ dạy tá tràng; giảm sản tủy xương mức độ nặng có liên quan đến tiền sử tiếp xúc phóng xạ; phiếu khám bệnh tháng 6/2007: Thiếu máu hồng cầu tròn; Viêm gan mạn tính…

 

Bệnh tật dày vò biến anh từ một chiến sĩ công an khỏe mạnh cao gần 1,7m, nặng trên 60kg xuống còn một tấm thân gầy còm. Đại uý Lương cho biết nhiều hôm anh lên cơ quan mà chỉ biết ngồi thở, không ít lần tưởng đã không qua khỏi.

 

Chị Huyền vợ anh xót xa: “20 năm nay không đêm nào anh nằm ngủ yên, mồ hôi chảy ướt đẫm áo, chăn. Chân tay rân rân khó chịu phải nắm chặt vào thân giường. Tính tình anh cũng thay đổi khác lạ, nhiều hôm vô cớ chửi bới vợ con thậm tệ. Mẹ con tôi cố chiều vì chẳng biết anh sẽ sống được bao lâu nữa”.

 

Có một sự thật buồn tại nhà Đại úy Lương: Chiếc tủ vốn chủ định dùng để những vật dụng kỷ niềm ngày cưới và những tư liệu quan trọng nay được dùng để đựng hàng trăm loại thuốc. Anh bảo uống thuốc nhiều đến nỗi quanh người toàn mùi thuốc.

 

Nỗi khốn cùng của một người cha

 

Chúng tôi tiếp tục hành trình, đến ngôi nhà ở phường 7, TP Vũng Tàu, gặp anh Nguyễn Công Mỹ, đang vật vã với cơn đau.

 

Anh Mỹ hiện đang là cán bộ quản lý thị trường của TP Vũng Tàu. Anh cho biết quyết định vào Vũng Tàu công tác vì một chứng bệnh mà như anh nói là chưa gặp ở bất cứ ai. Khi chúng tôi đề cập đến những người đồng đội của anh tại Hà Tĩnh đã mất hoặc đang vật lộn với những căn bệnh lạ, anh đã không cầm được nước mắt.

 

“Ngày ấy, chúng tôi chỉ nghĩ đó là 1 kim loại quý có tác dụng chống nhiễu hay gây nhiễu cho ra-đa. Bên ngoài của những khối kim loại đó đều có dòng chữ “USA Uranium”. Những lần bắt được “hàng”, tôi phải ôm nó trong người, phải giữ gìn cẩn thận, chậm chí còn để gối ở đầu giường vì “mất là bị kỷ luật chết” - anh Mỹ nhớ lại.

 

Khoảng 1 năm sau khi tiếp xúc với đồng lửa, cơ thể anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng lạ. Anh bị nấc cụt liên tục, mỗi sáng thức dậy lưỡi lại chảy máu; nghĩ do thời tiết nên anh xin chuyển vào thành phố Vũng Tàu công tác.

 

Rồi anh bị đau đầu, “đầu lúc nào cũng bưng bưng như có dòng điện chạy bên trong”. Để chữa trị, anh phải cạo trọc đầu. Nỗi đau của anh Mỹ nhân lên gấp bội khi người con gái thứ hai của anh cũng mang bệnh hiểm nghèo.

 

Vừa tròn 11 tháng tuổi, cháu đã bị nhiễm trùng máu, phải thay máu. Di chứng để lại bây giờ là đôi chận tật nguyền, dù đã qua 5 lần phẫu thuật vẫn chưa lành lặn. Đôi tay cũng bị tật, phải đi cắt thịt.

 

Ra về, chúng tôi đau đáu lời anh Mỹ: “Đã là nhiệm vụ thì ai cũng phải chấp hành. Bệnh tình của tôi hôm nay tôi xem như đó là một tai nạn nghề nghiệp. Có thể một ngày không xa nữa tôi không còn sống trên cõi đời này, nhưng trước khi chết tôi muốn biết mình bị chứng bệnh gì, như thế là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

 

Văn Dũng - Minh San