1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ 2: Một ngày đi “sờ gáy thần chết”

(Dân trí) - “Chú đi theo tôi làm gì. Muốn tìm hiểu gì thì tôi kể cho mà nghe chứ muốn chết mất xác hay sao mà đòi đi “sờ gáy thần chết”... Lớ rớ như các chú nguy hiểm lắm!”, người đàn bà liều chân tình can ngăn khi biết chúng tôi có ý định theo chị một ngày đi rà phế liệu.

>> Người đàn bà mười năm... "sờ gáy thần chết"

Đúng 5h sáng, chúng tôi có mặt, đã thấy chị đang lụi hụi bên chiếc xe đạp, đằng sau buộc chiếc làn nhựa, bên trong lủng củng cơm, nước uống, máy dò...; đằng trước là một chiếc cuốc được buộc dọc theo gióng xe.

 

Ở cái buổi “người khôn của khó” này, những mớ sắt lộ thiên đã bị lấy hết. Mỗi ngày chị phải đạp xe 50 - 60 km mới đến được các “đại bản doanh của thần chết”, chưa kể đi bộ giữa cái nắng như thiêu như đốt, nhiều khi phải đạp xe ra tận phía Tây huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình để tìm nhặt những vụn sắt. 

 

Chị khoe từ ngày người ta “phát minh” ra cái máy dò tìm thô sơ (loại máy này bình thường phát ra tiếng kêu đồng giọng nhưng khi gặp vật thể kim loại, xa thì âm sắc thay đổi, gọi là “tiếng gió”, gần thì ngưng phát tiếng kêu), chị cũng đỡ vất vả hơn. Để có được bộ cảm ứng chạy bằng pin này, chị đã phải vay tiền trả góp của chủ hàng thu mua sắt vụn 500.000 đồng. Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc dò tìm phế liệu nhưng chị cũng thừa nhận rằng tiếng kêu của máy chỉ có thể giúp ta biết được kim loại ở xa hay gần, to hay nhỏ chứ ko biết nó là bom, mìn hay sắt vụn.

 

Bởi vậy mà cái cuốc lưỡi sáng loáng, cán nhẵn bóng, đã 10 năm cùng chị đi “sờ gáy thần chết” giống như một kíp nổ. Mỗi nhát cuốc bổ xuống có thể giúp chị có tiền, cũng có thể khiến chị tan xác.

 

 

Kỳ 2: Một ngày đi “sờ gáy thần chết” - 1
 

Chị Tam và mớ sắt vụn thu được sau

một ngày làm việc vất vả.

 

Nhìn chị một tay cầm chiếc máy rà lia đi lia lại theo từng bước chân, một tay lăm lăm chiếc quốc, tôi thấy hơi rợn. Đang rụt rè bước theo chị, chợt chiếc máy rít lên liên hồi rồi ngưng bặt; chị dừng chân, những nhát cuốc bổ xuống đất phầm phập.

 

Chị kể, cách đây không lâu cũng gặp trường hợp như thế này, chiếc máy bỗng rít lên rồi ngưng tiếng, chị mừng rỡ chắc mẩm đó là một chiếc xác xe nên hăm hở bổ cuốc. Đào được chừng 50cm, bỗng lộ ra một hầm trái đạn M79. Chị ngồi vật xuống, mồ hôi vã ra như tắm, may mà nhẹ tay bới chứ không đã mất xác.

 

Theo số liệu thống kê, tính từ năm 1975 đến 2005, số người chết vì bom mìn tại tỉnh Quảng trị đã lên tới gần 7.000 người, trong đó 20% chết do công việc rà tìm phế liệu; số người bị thương trên 10.000 người.

 

Số diện tích đất của tỉnh Quảng Trị bị “nhiễm” bom mìn, không thể khai thác, canh tác được chiếm 35% diện tích đất của tỉnh.

Ngần ấy năm làm nghề, không biết đã bao nhiêu lần chị đào phải bom mìn. Như một chuyên gia quân sự thực thụ, chị tả cho tôi nghe hình dáng các loại bom mìn, thứ nào dễ nổ, thứ nào có tầm sát thương mạnh nhất... “Ngán nhất là các anh chống tăng, đến cả chiếc xe tăng còn bị thổi bay nữa là miềng. Miềng gặp nhiều nhất là các loại cối 105, loại 8 lạng, bom bi, M79, pháo tăng....”, chị hăng hái liệt kê, đọc vanh vách: vùng Thủy Khê - Gio Mỹ nhiều bom bi, ổi, 79; vùng Cổ Mỹ - Vĩnh Giang - Vĩnh Linh nhiều bom mìn...

 

Có những lần chị đào được trái bom dài đến 1,6m, to bằng cả vòng tay người ôm, nhưng không dám lấy. Nhiều lúc tiếc lắm nhưng có đem về, để nguyên thế cũng chẳng ai mua, mà tháo ra thì sợ. Mỗi lần như thế, chị lại nhớ đến người chồng xấu số, phải đến cả tuần sau ko dám đi làm.

 

Những cái chết vì “sờ gáy thần chết”

 

“Tôi vung lưỡi cuốc xuống đất, bỗng một quầng sáng vụt lên. Người tôi bị đẩy tung lên cao. Bốn đứa con ôm mặt nhìn mẹ mà gào thét”, chị thần mặt, nghĩ lại giấc mơ luôn ám ảnh chị bao năm nay. Chị kể cứ hôm nào đi làm gặp bom mìn, y như rằng tối đó ngủ mơ thấy chồng về, đứng đầu giường nhìn vợ không nói một lời.

 

Đó là những giấc mơ của chị, còn những cái chết thật, những nỗi đau thật thì ở làng này đã có nhiều rồi. Điển hình như em Nguyễn Quang Đông, bị kíp mìn nổ làm hỏng 2 con mắt khi mới 19 tuổi; rồi cháu Tính, cháu Hà, cháu Vũ bị bom lân tinh đốt cháy da cháy thịt.... 

 

Và có lẽ một trong những cảnh tượng hãi hùng nhất mà chị từng chứng kiến, sau cái chết thương tâm của chồng chị, là cái chết của một người “đồng nghiệp” từ Huế ra Quảng Trị rà sắt. Người này không may rớ đúng “thần chết”, bị nổ tan thây, đầu đứt lìa thân...

 

 

Kỳ 2: Một ngày đi “sờ gáy thần chết” - 2
 

Chị Tam đang cho chúng tôi xem 2 quả bom và

một chiếc líp nổ, sản phẩm do chị thu lượm được

trong quá trình mưu sinh.

 

Cậu con thứ 3 Nguyễn Quang Sinh (14 tuổi) than: Em không thích mẹ đi rà nữa, chỉ thích trời mưa để mẹ ở nhà. Cậu đã mất bố, giờ không muốn mất thêm mẹ. 

 

Bản thân chị cũng canh cánh trong lòng một ước mơ, mơ làm sao có đủ tiền để các con không phải tha phương cầu thực, có thể học hết lớp 9; mơ có một nghề ổn định để giã từ chiếc máy rà kim loại cùng cái cuốc chim; mơ cậu con thứ hai không phải ngưng học giữa chừng để theo mẹ đi thí mạng sống kiếm tiền...

 

Rồi người đàn bà liều bỗng chua chát cười: “Nghề rà tìm phế liệu như ở đây chắc chẳng nơi nào có. Người ta cứ thấy bom đạn là sợ, co chân chạy. Còn chúng tôi lại cứ lăn xả vào xin chết, thế mới lạ”.

 

Phan Tùng - Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm