1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi

(Dân trí) - Tình trạng lộng hành của lâm tặc và đám “chim lợn” trên địa bàn huyện Nam Giang không chỉ qua phản ánh của phóng viên mà ngay cả ông Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cũng xác nhận. “Máu rừng” vẫn tiếp tục chảy trong sự bất lực của chính quyền địa phương.

Gỗ lậu ngang nhiên qua Hạt kiểm lâm
 
6 giờ sáng, từ những điểm tập kết gỗ phía bên kia cầu Thạnh Mỹ, hơn 5 chiếc xe máy với những phách gỗ lớn phía sau lao nhanh về hướng thị trấn Thạnh Mỹ.

Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 1
Gỗ lậu bon bon trên đường qua thị trấn Thạnh Mỹ...
 
Chúng tôi bám theo một chiếc xe ba gác chở phách gỗ lớn dày khoảng 0,5m và dài khoảng 1,5m được che đậy sơ sài. Dù lúc này khá đông các phương tiện ô tô, xe máy trên đường nhưng chiếc xe chở gỗ lậu vẫn lao nhanh, lượn lách trên tuyến đường qua huyện. Đi ngang Hạt kiểm lâm Nam Giang, ngó vào phía Hạt vẫn chưa mở cửa làm việc, chiếc xe tiếp tục lao nhanh. Phải khá vất vả chúng tôi mới bám theo được chiếc xe này.
 
Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 2
… và nhanh chóng vào xưởng cưa nằm khuất sau nhà dân tại thôn Pà Dấu, thị trấn Thạnh Mỹ
 
Qua khỏi thị trấn Thạnh Mỹ chừng 2km, xe gỗ gặp một người đàn ông khác đã chờ sẵn. Tháo nhanh chiếc xe ba gác ra, xe gỗ được đẩy vào một con đường nhỏ đưa vào xưởng cưa nằm khuất sau những nhà dân tại thôn Pà Dấu thuộc thị trấn Thạnh Mỹ. Chỉ trong khoảng từ 6 giờ đến 6 giờ 30’ có đến 4 chiếc xe ba gác chở những phách gỗ lớn ngang nhiên phóng ngang qua Hạt kiểm lâm đi về các xưởng cưa.
 
Bên cạnh Trạm kiểm soát liên ngành huyện Nam Giang hình thành một con đường mòn từ sông lên, vòng qua trạm để tránh sự kiểm tra. Con đường đã được lâm tặc mở từ lâu, sau đó đã bị chính quyền địa phương dẹp bỏ, song lâm tặc vẫn lén lút chuyển gỗ từ sông lên quốc lộ 14B để về xuôi.

Không những thế, có mặt cả ngày tại thị trấn Thạnh Mỹ, phóng viên chứng kiến: trên đường thi thoảng vẫn xuất hiện từng chiếc xe máy chở những khúc gỗ lớn lao nhanh qua Hạt kiểm lâm về các xưởng cưa. Đặc biệt, phía Bắc cầu Thạnh Mỹ, gỗ lậu từ những cánh rừng phòng hộ vẫn tuôn về. Những chiếc xe máy chở gỗ hướng về thị trấn Thạnh Mỹ hoặc chạy vào thôn ven sông tập kết chờ vận chuyển về xuôi.

Khó giữ được rừng

Qua những ngày thực tế tại đây, chúng tôi nhận thấy việc vận chuyển và giám sát của nhóm “chim lợn” luôn tỏ ra thách thức, manh động. Trao đổi với ông Đỗ Tuấn - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Giang - ông này thừa nhận: “Hiện nay có một nhóm người từ địa phương khác cùng với dân bản địa phá rừng. Hành vi của các đối tượng này rất manh động, liều lĩnh và tinh vi, có lúc thách thức pháp luật, hăm dọa chống đối người thi hành công vụ”.

Ông Tuấn còn nhớ rõ vụ việc: sau khi lực lượng kiểm lâm bắt giữ một đối tượng vận chuyển gỗ trái phép, ngay sau đó một nhóm đối tượng tấn công lại lực lượng kiểm lâm, khóa tay ông hạt trưởng, cướp chìa khóa số 8 để giải vây cho đồng bọn.
 
Hay như vụ việc kiểm lâm viên Lê Hoàng Hải bị đánh bất tỉnh bởi 5 tên lâm tặc; vụ một kiểm lâm bị nước cuốn trôi khi chặn lâm tặc đưa gỗ về xuôi bằng đường thủy...
 
Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 3
Ông Đỗ Tuấn vẫn còn nhớ như in vụ lâm tặc tấn công ông, cướp chìa khóa còng số 8 giải thoát cho đồng bọn.

Có một thực tế tồn tại nhức nhối là tình trạng lâm tặc sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, bắt giữ để tẩu tán gỗ và phương tiện. Bên cạnh đó “việc một số người dân địa phương vì sự cám dỗ của kẻ xấu đi làm thuê cho các đối tượng khai thác rừng trái phép hay bao che, tiếp tay cho chúng khiến cho việc ngăn chặn càng khó hơn” - ông Tuấn thừa nhận.

Hiện nay, Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang chỉ có vẻn vẹn 40 người trong khi quản lý một diện tích rừng khá lớn với hơn 184.000 hécta. Địa bàn đan xen giao thông thủy - bộ cũng khiến việc quản lý thêm phần khó khăn.
 
Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 4

Phương tiện vận chuyển gỗ lậu bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm Nam Giang

Từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm Nam Giang đã phối hợp với các lực lượng tổ chức 55 đợt truy quét, tạm giữ gần 77m3 gỗ xẻ, hơn 20m3 gỗ tròn, phá hủy 30 lán trại và hàng loạt công cụ khai thác gỗ trái phép; đẩy đuổi hàng trăm người làm ăn phi pháp ra khỏi những khu vực rừng.
 
Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 5
Mỗi xe máy đều chở được 1-2 phách gỗ như thế này

Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm lâm rút đi, lâm tặc lại quay trở lại lập lán trại mới, bởi nguồn thu bất lợi từ rừng luôn là miếng mồi béo bở. Việc lập lán trại và “chim lợn” rải đầy từ chân cầu Thạnh Mỹ hướng lên rừng luôn là thách thức của lực lượng kiểm lâm qua các đợt ra quân, kiểm tra xử lý.

“Việc thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế đã và đang làm giảm đi đáng kể diện tích đất canh tác của người dân. Trong khi đó dân ngày càng tăng, công việc không ổn định, người dân thiếu đất canh tác sản xuất thì việc lấn chiếm rừng sẽ xảy ra trong tương lai”, ông Tuấn lo lắng.

Tình trạng đối phó của lâm tặc cũng ngày càng tinh vi, manh động hơn. Trong khi chừng ấy nhân viên kiểm lâm, để quản lý hết toàn bộ trên 184.000 hécta rừng và ngăn chặn nạn chặt phá rừng, chưa nói đến chuyện chính người dân địa phương tiếp tay cho lâm tặc, đã là một bài toán quá khó.
.
Kỳ 2: “Máu rừng” vẫn chảy về xuôi - 6
Gỗ lậu từ Nam Giang vượt qua 2 trạm kiểm soát rồi từ xã Đại Hưng về thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (ảnh chụp tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc)

Chính quyền ra tay xử lý chỉ tạm thời một phần nào bởi khi ngay chính người dân địa phương làm “chim lợn”, làm thuê cho lâm tặc từ nơi khác đến tàn phá những cánh rừng phòng hộ nuôi sống, che chắn bao đời cho người dân ở đây.

Việc lâm tặc ngang nhiên lập lán trại trái phép ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm hành chính huyện chỉ 5km và những chuyến xe máy chở gỗ về các xưởng cưa ngay thị trấn Thạnh Mỹ… đang đặt ra nhiều câu hỏi cho lực lượng chức năng huyện Nam Giang.

Và, ngày lại ngày, những cánh rừng phòng hộ nơi đây đang thưa dần...

Ô Châu