1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ

(Dân trí) - Những cánh rừng phòng hộ bao đời hùng vĩ trên dải Đông Trường Sơn thuộc địa bàn huyện Nam Giang giờ ngày càng cạn kiệt. Lâm tặc nhiều như nấm sau mưa, luôn manh động, sẵn sàng chống trả bất cứ "vật cản" nào.

“Chim lợn” cảnh giới khắp đường lên rừng

 

Trên con đường Hồ Chí Minh từ Đông Giang qua Nam Giang (Quảng Nam), bắt đầu qua địa phận của huyện Nam Giang, bên sườn núi bắt đầu xuất hiện những vết “gỗ trượt” do lâm tặc đẩy gỗ từ trên núi xuống đường, có cả vết cũ và mới.

 

4 giờ chiều, khi chỉ cách khoảng 5km là đến thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), tiếng máy cưa xé vang cả một đoạn đường yên tĩnh. Khi dừng lại quan sát, ngay bên đường, che khuất phía trên núi là những bụi cây vang lên tiếng máy cưa rè rè ngay cánh rừng phòng hộ của huyện Nam Giang.

 

Tuy nhiên, khi tiến lại gần chưa đầy 100m, phóng viên bị chặn lại bởi hàng chục ánh mắt “mang hình viên đạn” và lăm lăm cưa máy, gậy gộc trong tay. Đành bạo miệng lên tiếng: “Mấy anh ơi, cho tôi hỏi chút!” Chưa dứt lời đã có tiếng quát: “Không có hỏi gì hết, biến!”.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 1
“Chim lợn” dẫn đường và xe chở những phách gỗ theo sau

Biết là không thể tiếp cận dù bất cứ bằng cách nào, bởi lán trại của nhóm lâm tặc này lập ngay bên đường và chỉ có thể tiếp cận bằng con đường độc đạo lên thẳng tới lán bởi hai bên là vách núi và rừng rậm. Phía ngoài luôn có 4-5 thanh niên ngó nghiêng, trên tay cầm gậy gộc, một trong số họ rút điện thoại và gọi điện. Chúng tôi vội rút đi.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 2
Dừng lại chờ thông tin từ “chim lợn” báo về

Chúng tôi quyết định dừng chân ở quán cà phê ngay chân cầu Thạnh Mỹ để tìm hiểu thông tin. Vừa đặt ba lô, túi xách xuống, cô chủ quán đã hỏi rất “nhiệt tình”: Mấy anh đi công tác à? Mấy anh ở đâu đến vậy? (chứ chưa hỏi khách uống  gì). Biết đã gặp phải “chim lợn” của lâm tặc (tiếng lóng chỉ người cảnh giới của lâm tặc), phóng viên trả lời: “Tụi em đi du lịch bụi thôi, mấy anh em rủ nhau đi phượt ấy mà!”. Nhìn dáng vẻ bụi bặm của khách, cô chủ quán có vẻ yên tâm.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 3
Đống mùn cưa khổng lồ tại lán trại của lâm tặc

Tuy nhiên, ngồi chừng 15 phút lại có 2 thanh niên đi chiếc xe Mink không biển số từ bên kia đường lượn qua, lượn lại dò xét rồi nẹt pô phóng thẳng lên phía rừng. 10 phút sau lại có 2 thanh niên khác đi trên chiếc xe Wave, để mình trần lộ vết xăm lớn trên ngực và cánh tay, đi ngang giơ tay chào chúng tôi, ánh mắt thách thức.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 4

PV Dân trí bên những mùn cưa còn mới tinh, thơm mùi nhựa

Hội ý nhanh với đồng nghiệp báo Công an TP Đà Nẵng đi cùng, hai anh em quyết định mạo hiểm, lên núi phục kích chờ gỗ lậu đổ về vào chiều nay. Phóng nhanh chiếc xe giấu vào bìa rừng, khuất sau những bụi cây, chúng tôi leo lên đỉnh đồi ngay ven đường chờ những chuyến gỗ về.

Đúng như dự đoán, bắt đầu từ 17 giờ, chiếc xe máy đầu tiên chở những phách gỗ lớn dài 2-3m còn mới tinh, toàn bộ được che đậy bằng những bao tải từ rừng đổ về hướng Nam Giang. Đi đầu là một phụ nữ chở những bao bịt kín như những người bán hàng rong làm “chim lợn” dẫn đường, phía sau là chiếc xe máy chở gỗ. Qua đoạn cua khuất, xe chở gỗ dừng lại. Sau cuộc điện thoại, chiếc xe chở gỗ lại tiếp tục lao nhanh về thị trấn Thạnh Mỹ.
 
Đúng lúc này, có cuộc điện thoại từ một đồng nghiệp báo lên: “Có xe máy chở 2 thanh niên trên tay cầm gậy đang chạy lên hướng rừng, hai anh em rút đi”. Chúng tôi lấy xe, chạy nhanh về quán cà phê cũ, 2 thanh niên đi ngược chiều phía trước đột nhiên quay xe đánh thẳng vào tay lái, ném chiếc gậy vào phía trước xe. Kịp thời phanh xe lại chúng tôi im lặng, không nói câu nào. Từ từ chạy đi trong ánh mắt hằn học của 2 thanh niên nọ.
 
Những đống mùn cưa khổng lồ
 
Xác định vào tầm 8 giờ sáng, các đối tượng lâm tặc và “chim lợn” sẽ còn nghỉ sau một đêm vận chuyển gỗ, chúng tôi quyết định đột kích lán trại của các đối tượng.
 
Từ thị trấn Thạnh Mỹ đi đúng 5km, chúng tôi đến rừng phòng hộ của huyện Nam Giang. Men theo con đường duy nhất lên lán, cảnh tượng trước mắt là những bãi mùn cưa khổng lồ còn thơm mùi nhựa. Cả một dải đất dài 30m, rộng 5m được lâm tặc kê những đòn gỗ để cưa nhỏ gỗ. Lẫn dưới lớp mùn cưa mới là cả một lớp mùn cưa đã cũ, úa màu. Ước đoán lán trại này có thể đã lập 3 - 4 hôm nay, ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 5

Lớp mùn cưa dày chừng 40cm

Bên gốc cây vẫn còn nguyên những sợi dây cu-roăng và xích cưa, có lẽ nhóm lâm tặc này vẫn tiếp tục hoạt động tại địa điểm này vào chiều nay. Phía trên còn hằn sâu những dấu gỗ được kéo về từ phía rừng ra ngay ven con đường này. Lần theo lối gỗ được đưa về là một con đường kéo sâu hun hút về phía những cánh rừng đại ngàn trên kia. Trên đường vẫn còn nguyên những vết chân trâu kéo gỗ mới tinh.

Ngoài tuyến đường duy nhất để lên lán trại và đường gỗ về này, những đối tượng lâm tặc mở thêm một con đường khác xuôi ra hướng bờ suối để dễ dàng tháo chạy vào rừng khi có lực lượng kiểm tra.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 6

Đồ nghề của lâm tặc để lại hiện trường

Điểm lán trại này chỉ cách trung tâm hành chính huyện Nam Giang tầm 5 km.
 
Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 7
Vết gỗ được kéo từ rừng ra lán của lâm tặc

Kỳ 1: Lâm tặc lập “xưởng gỗ” giữa rừng phòng hộ - 8

Gỗ được đẩy từ lán trại ra đường Hồ Chí Minh để vận chuyển về các điểm tập kết

 
Ngày qua ngày, lâm tặc thản nhiên đưa gỗ từ đại ngàn về, ngang nhiên xẻ, bào thành từng phách vuông vắn để vận chuyển tập kết xuống thị trấn Thạnh Mỹ. Gỗ từ đây được đưa vào các xưởng cưa tại thị trấn hoặc chờ ngày về xuôi.
 
(Còn nữa)
Ô Châu