Ngôi làng “độc nhất” miền Trung:
Kỳ 2: Làng của nhiều cái nhất
(Dân trí) - Ngôi làng “độc nhất” miền Trung được biết đến với nhiều cái nhất: Làng có nhiều người sống thọ nhất, làng có nhiều cử nhân nhất. Những cái nhất đáng tự hào đó càng làm rạng danh cái tên Đại Bình.
“Làng đại thọ”
Trong quá trình tìm hiểu lịch sử làng Đại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam), chúng tôi bất ngờ khi biết rằng Đại Bình chỉ thuộc hàng “con cháu” so với nhiều làng quê Việt Nam khác. Làng mới tồn tại và phát triển chừng 300 - 400 năm nay.
Nhưng điều đặc biệt là trong làng chỉ vẻn vẹn có trên 300 hộ dân mà có đến… 215 người là hội viên Hội Người cao tuổi: 70 người trên 80 tuổi; 40 người trên 85 tuổi; gần 10 người trên 95 tuổi hiện đang còn sống. Quả là con số hiếm thấy ở một làng quê từ xưa đến nay!
Dù sắp bước sang tuổi “bách niên giai lão”, cụ Nguyễn Thị Nhân - 98 tuổi (cụ sinh năm 1910) vẫn kể chuyện xửa chuyện xưa cho cháu con nghe rất lưu loát, rõ ràng. Cụ ông tên Ngô Sơn (SN 1903) cũng là một trong những người đại thọ của làng, vừa qua đời cách đây 2 năm khi bước qua tuổi 103.

Những người cao tuổi ở Đại Bình phần lớn đều vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, sống điền viên thanh thản tuổi già.
Hai vợ chồng cụ Nhân có 3 người con, 2 người đã mất từ lúc nhỏ, hiện chỉ còn bà Ngô Thị Sỹ năm nay sắp bước qua tuổi 70. Mấy năm trước, bà Sỹ đón cụ Nhân về nuôi dưỡng. Cụ Nhân tuy tuổi cao nhưng mọi sinh hoạt từ ăn uống đến đi lại vẫn tự túc. Hỏi cụ bí quyết sống thọ, cụ cười hiền: “Có chi đâu, tui ăn uống bình thường mà”.
Ông Nguyễn Lạng là y sĩ, cán bộ dân số của làng, cho rằng sở dĩ người Đại Bình sống thọ như vậy là nhờ nguồn nước trong lành, khí hậu hiền hòa, cây trái rau quả xanh sạch quanh năm… “Người làng ăn rau quả quanh năm, những lúc hái quả, rau đi bán thì cất lại một ít để dùng. Tuyệt đối rau quả của làng không có một giọt hóa chất” - ông Lạng khẳng định.
“Làng cử nhân”
Tuy cuộc sống người dân làng Đại Bình còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng việc học luôn được đặt lên hàng đầu. Theo ông Bảy Tín (86 tuổi) thì cụ Huỳnh Châu không chỉ là “người mở đường về kinh tế” của làng (đưa giống hoa quả miền Nam ra trồng ở Đại Bình) mà còn là người tiến bộ nhất trong việc lấy con chữ làm cơ sở. Dù cuộc sống thời bấy giờ gian nan đến máy, cụ Châu vẫn cho các con theo học đầy đủ.
Ông Huỳnh Kháng, con cụ Châu, là người được học, hiểu biết nhất làng thời bấy giờ. Ông từng là thầy giáo của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Bùi Giáng; GS Hoàng Châu Ký…
Theo thống kê sơ bộ của ông Nguyễn Lạng - Chủ tịch Hội Khuyến học làng Đại Bình - thì “ở Đại Bình nhà nhà theo học, người người theo học”.

Một trong những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở Đại Bình.
Dù làng quê nghèo, nhưng làng có đến 5 vị tiến sĩ nổi tiếng, trong đó phải kể đến tiến sĩ Y khoa Nguyễn Hai - hiện đang công tác tại Mỹ; tiến sĩ Hứa Văn Phúc (công tác tại Viện Hải dương học Nha Trang) vừa du học tại Nhật… Ngoài ra, làng còn có 9 thạc sĩ và 106 người đã, đang học đại học.
“Cuộc sống khó khăn nên người làng Đại Bình lấy việc học làm “phương châm hành động”. Các thế hệ noi gương nhau, góp sức xây dựng cho quê hương, nước nhà. Trong mỗi tộc họ đều có hội khuyến học, có những chính sách khuyến khích con em theo học, thành tài” - ông Nguyễn Lạng đầy tự hào khi nói về việc học của làng mình.
Câu chuyện học của tiến sĩ Hứa Ngọc Phúc (36 tuổi) vẫn được người làng kể như một trong những tấm gương sáng về hiếu học ở Đại Bình. 4 anh chị em của anh Phúc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống cơ cực nơi quê nghèo, thiếu sự nuôi dưỡng, chăm bẵm của cha mẹ nhưng ai cũng ham học.
Nhất là anh Phúc, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Thủy Sản Nha Trang, Viện Thủy sản Thái Lan có qua mời anh về làm việc. Tuy nhiên, anh Phúc không nhận lời mà muốn ở lại cống hiến cho đất nước. Anh được giữ lại trường, sau đó công tác ở Viện Hải dương học Nha Trang.
Trong quá trình công tác, anh Phúc đã nghiên cứu và nuôi thành công nhiều loại hải sản quý như hải quỳ, ốc hương… nên được nhiều GS đầu ngành của thế giới lưu tâm. Sau đó anh Phúc được mời sang Nhật du học và trở thành một trong tiến sĩ trẻ nhất của ngành Hải dương học Việt Nam.
Rời Đại Bình, thấy nao nao mơ ước, giá miền quê nào trên dải đất Việt Nam cũng đẹp, nên thơ, trù phú, trong lành và hiếu học như Đại Bình…
Bài và ảnh: Minh San