1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Nhìn lại phía sau công trình thủy điện Rào Quán - Quảng Trị:

Kỳ 2: Bơ vơ trên đồi Cu-vơ

(Dân trí) - Đồi Cu-vơ, cái tên thoáng nghe đã gợi lên cảm giác xa xôi, đơn độc, hoang sơ. Đây là nơi trở về của 116 hộ gia đình bà con dân tộc Vân Kiều phải di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy lợi thủy điện Rào Quán (Quảng Trị).

Trước đây Cu-vơ là chốn sinh cơ lập nghiệp của hàng trăm hộ đồng bào Vân Kiều. Sau giải phóng, Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương đưa đồng bào xuống vùng thấp sinh sống, ổn định sản xuất. Cuộc sống của bà con ngày một khá hơn, Cu-vơ trở thành bản cũ. Nhưng khi lòng hồ thủy điện Rào Quán bắt đầu tích nước, hàng trăm hộ lại dìu dắt nhau trở về đồi Cu-vơ.

 

Chúng tôi theo lối mòn đi bộ 6 cây số đường rừng, leo ngược sườn núi lên độ cao 1.100 mét để đến với bản Cu-vơ 2. Cả bản có 62 hộ từ bản Miệt và Pa-công chuyển lên.

 

Đại diện cho bà con, ông Hồ Thương giãi bày: “Từ khi chuyển về đây đã gần 2 tháng qua nhưng chưa có một cán bộ nào của Ban Quản lý dự án di dân tái định cư, hoặc cán bộ huyện, tỉnh đến thăm, kiểm tra tình hình ăn ở, sinh hoạt của bà con. Bà con cũng không biết mình thuộc thôn nào, xã nào, do ai quản lý!”

 

Cả 3 bản trên đồi Cu-vơ hiện không có trường học, không trạm xá, không đường đi, không giếng nước, điện cũng không nốt... Khi gặp chúng tôi, nhiều người đã khóc! Năm học mới này có khoảng 30 em học cấp 2 và cấp 3 thuộc các gia đình ở Cu-vơ phải gửi nhờ người quen các xã khác để theo học. Còn hơn 100 em nhỏ tuổi từ 6 - 12 không có trường lớp đành phải bỏ học.

 

Vây quanh chúng tôi, em Hồ Thà Ơn (8 tuổi) nói: “Con học hết lớp 1, đang tập đọc tập viết, nhưng bữa nay không có trường, không đi học nữa. Ở nhà đi chăn trâu”. Chúng tôi hỏi có muốn đi học nữa không, tất cả đồng thanh: “Có chớ! Có chớ!”

 

Điều trớ trêu là, trong khi dân trên đồi Cu-vơ, dân của khu tái định cư Hoong-Coóc còn chịu bao nhiêu thiếu thốn, khổ cực thì Ban Quản lý dự án lại đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng một sân bóng đá ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Sân bóng này nằm cách khu tái định cư hơn 10 km, cách bản Cu-vơ gần chục cây số đường rừng. Cạnh sân bóng chỉ có duy nhất một điểm tái định cư với 4 hộ dân! Bà con đang thắc mắc, sân bóng này khi khánh thành sẽ phục vụ ai?

 

Chiều muộn, sương mù bắt đầu giăng kín đỉnh núi, phủ xuống bản Cu-vơ một màu bàng bạc, âm u. Bà Xu-In tiễn chúng tôi đến tận cuối bản, nắm chặt tay từng người bà nghẹn ngào: “Cảm ơn các con đã lên thăm, còn hơn cả cho gạo, cho tiền. Thế nào rồi cán bộ huyện, tỉnh cũng sẽ biết đến cái cơ cực của bà con, Chính phủ sẽ quan tâm giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống, làm cái đường, kéo cái điện, xây cái trường cho lũ nhỏ đi học”.

 

Em Hồ Thà Ơn như không muốn chia tay chúng tôi, cứ quấn quýt không rời, rồi cầm tay tôi lắc lắc: “Chú ơi, bao giờ con được đi học?”.

 

Nguyễn Thanh - Uy Minh

 

Kỳ 1: “Công trường” tái định cư Hoong-Coóc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm