1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Loạn súng săn ở Mai Châu (Hoà Bình):

Kỳ 1: Mua súng dễ như mua rau

(Dân trí) - Ở một huyện miền núi như Mai Châu (Hoà Bình) thì súng săn tự chế là vật rất phổ biến và gắn bó. Khẩu súng giúp người dân săn bắt hàng ngày, có thịt thú rừng để ăn, và để đổi được nhiều thứ có giá trị. Nhưng cũng chính khẩu súng đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình…

Đi tìm thợ chế súng

 

Mang danh một người đi mua súng, tôi đã tìm về những xã hẻo lánh nhất của huyện Mai Châu. Trong những ngày đông giá, rét như dao cứa, bản Lác - một bản du lịch khá nổi tiếng thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu - vẫn lác đác có một vài nhóm du khách lên chơi.

 

Ở một bản đã nhuốm màu thương mại như Lác, không phải lúc nào người dân cũng sẵn sàng đem súng ra cho bạn ngắm nghía hay bắn thử nếu không phải thân quen hoặc có người thân giới thiệu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mua một khẩu súng kíp cho riêng mình, chỉ cần bỏ ra 250 ngàn đồng, thậm chí ít hơn. Khi dân bản không sẵn “hàng”, họ sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn một địa chỉ cách đó chừng vài chục cây số.

 

Theo lời chỉ dẫn của dân bản Lác, tôi tìm về xã Xăm Khòe cách đó chừng 30 km. Đường vào xã xấu kinh khủng, đá nổi lổn nhổn, bụi đỏ bay mù trời. Xã Xăm Khòe trước có cụ Ẩm người miền xuôi (Nam Định) lên đây lập nghiệp, chuyên làm súng kíp bán cho dân săn trong vùng. Giờ ông cụ mất đi, con trai cũng bỏ nghề cha. Cậu con trai chỉ cho tôi vào xóm Băng thuộc xã Piềng Vế: “Vào đó hỏi ông Phán chế súng thì ai cũng biết”.

 

Ông Phán là thợ chế súng nức tiếng cả vùng Piềng Vế. Nhưng ông Phán không có nhà. Nhìn thấy vẻ ngán ngẩm ra mặt của tôi, một thanh niên chơi bi-a gần đó lại nhiệt tình dẫn tôi đến nhà thợ Tuân.

 

“Súng săn dễ làm thôi”

 

Thợ Tuân cũng đi ăn cưới. Nhưng tay thanh niên tên Hà Văn Quốc vẫn tự nhiên dắt tôi vào nhà pha trà uống nước. Trong góc phòng nhà Tuân, tôi thấy ngổn ngang hàng chục cây súng kíp dài ngắn các loại, cái nào cái nấy đều lên nước đen bóng; có cả những khẩu đang làm dang dở, báng gỗ vẫn chưa đẽo xong. “Của khách sửa đấy, ở đây nhà nào chả có súng, một khẩu súng giá rẻ thôi mà. Mang đi bắn được một con thú là bán được tiền bằng mấy súng”, Quốc nói.

 

Mấy tuần trà nhạt dần thì câu chuyện về súng thêm đậm đà. Quốc thao thao kể về các loại súng kíp như một chuyên gia vũ khí thực thụ. Khẩu nòng dài tác dụng ra sao, nòng ngắn sức công phá thế nào, bộ phận cò, bộ phận khai hoả mua ở đâu, nòng nên khoan mấy “li”, một cối nhồi mấy “phân” thuốc thì vừa… Và để tỏ ra là một người sành, cậu tiện tay vớ luôn một cây súng (chả cần biết của ai), nhoay nhoáy tháo ra. “Đây mày thấy chưa, tháo ra rồi bọc gói vào, mang về dưới đấy lắp lại mà treo. Súng dễ làm thôi mà, đâu có gì khó. Thợ chẳng qua là có đồ nghề. Chúng tao có, chúng tao cũng làm được”, vừa nói, Quốc và lắp lại thoăn thoắt.

 

Làm cho súng nổ không khó, khó là làm được những thao tác căn chỉnh để đạn bắn trúng đích ngắm, nòng không bị tắc. Thế nên mới cần đến những người thợ như ông Phán, thợ Tuân, làm cả ngày không hết việc.

 

Quả thật, nhìn Quốc tháo cây súng ra, tôi thấy nó thật đơn giản, thô sơ, thế nên với người dân bản, nó cũng giản dị như cái gùi lên nương, bó củi gác bếp, không có gì nguy hiểm.

 

Dao săn + súng kíp = 150.000 đồng

 

Quốc nói, nếu tôi muốn mua súng, cậu sẽ bán cho khẩu của cậu, thích mua nhiều thì hỏi những người xung quanh, nhà ai cũng có. “Mày yên tâm, súng của tao đen bóng, treo gác bếp suốt ngày mà. Cứ lên nhà tao xem, ưng bụng thì lấy. Tao bán 180 nghìn đấy. Nếu cần thêm thì tao gọi đứa khác bán cho. Ở đây mua lúc nào chẳng được”, Quốc liến thoắng. 

 

Nhà Quốc nằm khuất trong một quả đồi. Khẩu súng đúng là đang dúi vào gác bếp thật, lẫn trong đống củi khô. “Đạn tao nạp sẵn rồi đấy, tao mang ra bắn thử nhé”, miệng nói, chân bước, tay làm, ra đến búi chuối sau nhà, Quốc đưa tay bóp cò, lá chuối dính đạn rách tả tơi. Quốc cười hề hề: “Súng này săn được khối rồi đấy. Tao canh trộm nữa, trộm vào bắn phát chết ngay. Ưng chưa?”.

 

Tôi ngỏ ý muốn theo thanh niên ở đây đi săn đêm một lần. Quốc hỏi tôi: “Mày có dao săn chưa?”. Con dao săn của Quốc chuôi bằng sừng trâu, dài khoảng 25 cm, vẫn dính đầy nhựa cây. Tôi đồng ý mua nốt.

 

Cuối cùng, chúng tôi cũng thoả thuận xong thương vụ mua bán: Dao với súng, tổng cộng 150 nghìn đồng, kèm một cái hẹn sẽ đi săn cùng nhau. Đường về, lời Quốc vẫn văng vẳng bên tai: “trộm vào bắn phát chết ngay”. Súng dễ tìm, dễ mua như thế thì lời nói ấy cũng chẳng phải chuyện chơi.

 

(Còn nữa)

 

Lê Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm