1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “bí mật” gần 30 năm của Công an Hà Tĩnh:

Kỳ 1: Lá thư chưa được hồi âm của người cảnh sát hình sự quá cố

(Dân trí) - 5 năm trước, ông Nguyễn Phi Lạc, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thị xã Hà Tĩnh qua đời. Trước ngày ra đi, ông viết một bức thư đầy nỗi niềm gửi cố Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương, rằng căn bệnh mà ông và những người bạn đang mắc phải có thể là hệ lụy của một chuyên án đặc biệt của Bộ Công an lúc bấy giờ.

Uẩn khúc quanh cái chết của người chiến sĩ công an

 

Ông Lạc vốn là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Hà Tĩnh. Từ khoảng cuối năm 1988, ông Lạc đột nhiên mắc những chứng bệnh lạ, kèm theo những cơn đau dữ dội vì xuất huyết dạ dày. Căn bệnh khiến sức khỏe ông giảm sút rất nhanh. Ông mất ngày 5/8/2002,  hưởng thọ 55 tuổi.

 

Bà Tâm đau đớn nhớ lại quãng thời gian bất hạnh, khổ sở của chồng: “Do sức khỏe không tốt, năm 1989, ông nhà tôi được nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên liên tiếp những năm sau đó, đặc biệt là từ năm 1991 trở đi, ông xuất hiện nhiều chứng bệnh như đau gan, thận, mất ngủ triền miên. Đúng là gần 14 năm ông nhà tôi sống trong bệnh tật giày vò...”.

 

Đặc biệt, những năm gần cuối đời, ông Lạc bị đau đầu dữ dội, “mỗi lúc lên cơn đau, ông ấy cứ đập đầu vào tường, phải trong tư thế trồng cây chuối mới chịu đựng được. Bác sĩ ở bệnh viện 198 cho biết ông ấy bị bệnh thần kinh, một thời gian, ông còn khạc ra máu”.

 

Đầu năm 2002, gia đình đưa ông Lạc ra viện K (Hà Nội), tại đây bác sĩ kết luận trong phổi ông có khối u. Ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn lên cổ, khiến một mắt của ông lồi hẳn ra ngoài.

 

Bà Tâm nhớ lại, trong năm 2002, trước khi quyết định phẫu thuật cho ông Lạc, một bác sĩ của bệnh viện K tên là Toàn đã trao đổi với bà rằng trong cuộc đời làm bác sĩ của ông chưa từng gặp một trường hợp nào lạ lùng như ông Lạc. Lúc đầu tưởng là ung thư dạ dày nhưng sau đó lại ung thư phổi, sau đó di căn lên đầu.

 

“Bác sĩ có hỏi tôi trước đây ông ấy có đi bộ đội ở chiến trường nào không và cho biết các chứng bệnh chồng tôi mang có căn nguyên từ nhiễm độc. Chiến trường thì tôi không rõ nhưng việc các ông ấy bắt “đồng lửa” từ những năm 1978 thì tôi có biết” - bà Tâm kể lại.

 

Lá thư của người đã khuất

 

Bà Tâm nhớ rằng vào những ngày cuối đời, chồng bà luôn gắng ngồi trước bàn làm việc để viết lách cái gì đó. Sau này bà mới biết đó là những lời trăng trối đầy trách nhiệm của một chiến sĩ công an gửi tới nhiều cơ quan chức năng cùng cố Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương xung quanh chứng bệnh của mình và của những người đồng đội.

 

Kỳ 1: Lá thư chưa được hồi âm của người cảnh sát hình sự quá cố  - 1

Bức thư đầy trách nhiệm của người chiến sĩ

cảnh sát hình sự.

 

Trong thư ông Lạc đề cập đến việc ông và những người đồng đội đều mắc những chứng bệnh giống nhau sau khi cùng thực hiện một chuyên án. Trong số đó có nhiều chiến sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, hoặc có người sống đớn đau cùng bệnh thần kinh hay các căn bệnh hiểm nghèo khác.

 

Trong bức thư ông Lạc gửi Bộ Công an, đề ngày 18/11/2001, có đoạn viết:

 

“Kính gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương, Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ông Trưởng ban bảo vệ sức khỏe, Bộ Công an.

 

Tôi viết lời thỉnh cầu đến quý cấp trên trình bày một việc như sau. Vào khoảng năm 1978 -1982, thời kỳ này trên địa bàn Nghệ Tĩnh xảy ra các vụ buôn bán “đồng lửa” hoặc “đồng đen”, những danh từ đó do con buôn quy định để giao dịch với nhau. Trước tình hình đó, chúng tôi đã lập ban chuyên án bắt được 11 vụ, với khối lượng 48kg.

 

Kết quả này chúng tôi đã báo cáo công an tỉnh và Bộ Công an. Sau khi nghe báo cáo, trên Bộ đã cho cán bộ kỹ thuật kinh tế III đưa máy móc về kiểm nghiệm và xác định đó là Uraniom có sức phóng xạ cực mạnh dùng để chế tạo công nghiệp nguyên tử.

 

Và từ đó, Bộ xác định đây là những chuyên án đặc biệt đã đưa lại cho tổ quốc những tài sản vô giá nên đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Chiến công Hạng hai cho công an thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ Tĩnh.

 

Do trình độ hiểu biết lúc đó còn hạn chế, việc thử “đồng lửa”, chúng tôi chỉ dùng đinh dài 10cm quẹt vào, nếu lửa phát ra mạnh thì cho là tốt, nếu phát ra yếu thì cho là xấu hơn. Thậm chí nhiều người đã để chất phóng xạ Uraniom vào áo Jacket hàng ngày, hoặc nguy hiểm hơn, số Uraniom được thu về để ngay trong phòng ngủ, nơi làm việc của các cán bộ chiến sĩ đội cảnh sát hình sự hoặc kho tang vật.

 

Trong số cán bộ, chiến sĩ tham gia trực tiếp chuyên án đó và những người liên quan sau này đã từ trần trong độ tuổi đang còn trẻ, hoặc những người còn sống chủ yếu bị bệnh thần kinh hoặc các bệnh hiểm nghèo khác, hàng này hàng giờ uy hiếp đến tính mạng của họ”.

 

Trong lá thư khác ông viết: “Nếu đúng thực trạng trên thì những vết thương không mảnh đạn, không hề rỉ máu nhưng lại nguy hiểm biết nhường nào? Lúc này hơn bao giờ hết phải xác định cho rõ những căn nguyên của cái chết, những căn bệnh hiểm nghèo”.

 

Cuối bức thư gửi Bộ trưởng Bộ công an, ông Lạc mong mỏi: “Tôi khẩn thiết kính đề nghị ông Bộ trưởng, ông Vụ trưởng vụ Tổ chức và ông Trưởng ban bảo vệ sức khỏe, quan tâm tạo điều kiện vật chất, phương tiện giúp chúng tôi thẩm định lại sức khỏe và có ý kiến với Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Ban Giám đốc Công an Bà Rịa Vũng Tàu quan tâm đến đề nghị của chúng tôi”.

 

Điều đáng lưu ý là trong bức thư của ông Lạc có ý kiến của nhiều nhân chứng, trong đó có xác nhận của Công an thị xã Hà Tĩnh, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo Công an tĩnh Nghệ Tĩnh thời kỳ các chuyên án “đồng lửa” được xác lập. Tuy nhiên, những văn bản, lá thư này chỉ được gửi đi mà không nhận được hồi âm.

 

Sự việc để ngỏ cho đến bây giờ...

 

Văn Dũng - Minh San