1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Kinh tế Việt Nam cần một chiếc mũ bảo hiểm..."

(Dân trí) - "Cũng giống như trong giao thông, Việt Nam cần một cái mũ bảo hiểm để tránh những cú sốc về tài chính khi nguồn vốn nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều" - ông Martin Rama chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nói.

Hội thảo "Thị trường vốn và tài chính Việt Nam 2008" do Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Euro Events (Hồng Kông) tổ chức đã khai mạc vào ngày 23/1.

Mục đích của hội thảo là để điểm lại các thành tựu kinh tế trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam sau một năm gia nhập WTO và tìm ra phương hướng phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong những năm tới.

Trao đổi tại cuộc thảo luận nhóm "Việt Nam-một năm sau khi gia nhập WTO", nhiều diễn giả đã nêu lên những điểm yếu, những bất cập của cơ chế, chính sách trên thị trường vốn, tài chính mà Việt Nam cần phải giải quyết.

Bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho rằng: "Thị trường tài chính Việt Nam đã có 1 năm phát triển nhanh nhưng còn tiềm ẩn những rủi ro do hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, do nguồn nhân lực chất lượng còn yếu và cách thức quản trị doanh nghiệp còn cần nhiều thời gian để thay đổi".

Cùng ý kiến với bà Tâm, ông Sin Foong Wong, Giám đốc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) bày tỏ ý kiến: "Việt Nam phải bỏ ngay những giấy phép kinh doanh không cần thiết mới đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng hơn".

Ông Wong lý giải, thị trường Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng hiện còn rất nhiều rào cản về tiếp cận tài chính, đất đai... đi ngược lại tinh thần WTO.

Cùng với ý nhấn mạnh nền tài chính Việt Nam cần một chiếc "mũ bảo hiểm" để tránh cú sốc về tài chính khi dòng vốn "ngoại" không ngừng đổ vào, ông Martin Rama cũng bày tỏ sự lo ngại về xu hướng nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh doanh nhà nước lại mở rộng, tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính, thành lập ngân hàng riêng.

Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi thì lưu ý: Việt Nam cần quan tâm hơn tới sự nhất quán, "an toàn" trong tăng trưởng, khi thị trường vốn đã tăng trưởng nóng.

Việc đảm bảo phát triển bền vững, an toàn cần được Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm hàng đầu trong chiến lược thúc đẩy thị trường vốn, đặc biệt là những vấn đề nền tảng như: đào tạo nhân lực, thể chế giáo dục…

Tại cuộc thảo luận về thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Madhur Mehta, Giám đốc điều hành Standard Chatter Bank nhận xét: "Thị trường trái phiếu của Việt Nam nhìn chung còn nhỏ về quy mô và giao dịch khó do tính thanh khoản còn chưa tốt".

Ông Mark Adams, đại diện của BNP Paribas thì lại đề cập tới nhận thức chung của giới doanh nghiệp Việt Nam về phát hành trái phiếu là chưa cao.

Nhận xét về ý kiến các thành viên nhóm thảo luận, ông Trương Hùng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho rằng, do thị trường trái phiếu của Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn đầu phát triển.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý đến việc phát hành trái phiếu do hoạt động của họ từ trước vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng và sự nhận thực chưa cao.

Đặc biệt, công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng đang thu hút phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn tới sao nhãng việc phát hành trái phiếu.

Nguyễn Hiền