1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kinh nghiệm PCCC, thoát hiểm cho cư dân nhà cao tầng

(Dân trí) - Những ngày qua, tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn kinh hoàng, làm nhiều người thiệt mạng. Vụ cháy chung cư 18 tầng ở Hà Nội hôm 10/3 càng khiến cư dân sống trong những tòa nhà “chọc trời” lo lắng.

Kinh nghiệm PCCC, thoát hiểm cho cư dân nhà cao tầng - 1
Hiện trường vụ cháy làm 7 người chết ở Bình Dương.
 
PV Dân trí trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, Công an TPHCM về công tác an toàn cháy nổ và kinh nghiệm chữa cháy, thoát nạn… tại các tòa nhà chung cư cao tầng.
 
TPHCM xuất hiện hàng loạt chung cư cao tầng… Các công trình này có tuân thủ kỹ thuật PCCC, thưa ông?
 
Nhà cao tầng nói chung, nhà chung cư cao tầng nói riêng đều là dạng nhà cao tầng. Do vậy, việc PCCC từ khâu thiết kế, thi công đến lúc đưa công trình vào sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn bắt buộc.
 
Công trình phải thể hiện rõ các giải pháp chống cháy lan, có hệ thống thoát hiểm. Phải đặt biển hướng dẫn thoát hiểm tại các buồng thang kín. Mỗi tòa nhà phải có ít nhất 2 cầu thang thoát hiểm.
 
Ông đánh giá thế nào về công tác triển khai PCCC tại các cao ốc, chung cư?
 
Các nhà cao tầng thường được bố trí đầy đủ với hệ thống chuông báo cháy tự động, bình chữa cháy, máy bơm… Lực lượng PCCC tại chỗ phải được huấn luyện, kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy thường xuyên.
 
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cao ốc, chung cư… do vậy, từng cao ốc, chung cư phải thường xuyên kiểm tra thiết bị và tập huấn công tác PCCC định kỳ. Làm sao để cả người quản lý và từng cá nhân phải biết cách xử lý các tình huống khi xảy ra sự cố.
 
Khảo sát một số chung cư, cao ốc, Dân trí nhận được câu trả lời là họ chỉ diễn tập PCCC 1 lần/năm. Như vậy có ít quá?
 
Theo luật quy định thì nhà cao tầng, chung cư cao cấp thực hiện diễn tập PCCC tối thiểu mỗi năm 1 lần nhưng với trách nhiệm về sinh mạng và an toàn cho cư dân, ban quản lý chung cư phải căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức số lần thực tập cho phù hợp.
 
Kinh nghiệm PCCC, thoát hiểm cho cư dân nhà cao tầng - 2
Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM.
 
Đồng thời, phải giám sát thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình để Cảnh sát PCCC tư vấn. Mỗi lần diễn tập như vậy, tạo cho cư dân ý thức về PCCC. Đồng thời, Ban quản lý chung cư cũng sẽ phát hiện những tồn tại để có biện pháp khắc phục. Một vấn đề tối ưu trong PCCC là phải hết sức chú ý đến cách thoát nạn và chống cháy lan.
 
Thực tế, ở TPHCM có nhiều tòa nhà “chọc trời”. Với độ cao như vậy, thang chữa cháy làm sao bắt tới được những tầng trên cao?
 
Sở cảnh sát PCCC TPHCM hiện có các loại xe thang chữa cháy với độ cao 32m, 52m và 72m. Loại xe thang 72m hiện nay là xe thang chữa cháy cao nhất của thế giới rồi.
 
Xe thang chỉ là một trong những giải pháp khi cứu hộ, cứu nạn chứ không phải là giải pháp tối ưu. Còn lại, phải có cách đột nhập theo những hệ thống PCCC đã được thiết kế trong tòa nhà. Hiện chúng tôi đang đề xuất phương án cứu hỏa bằng trực thăng.
 
Những ngày qua, tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương hỏa hoạn liên tục xảy ra khiến cư dân sống trong những tòa nhà “chọc trời” càng thêm lo lắng. Người dân cần được trang bị những kỹ năng cơ bản nào?
 
Chúng tôi khuyến cáo bà con phải tự cứu mình trước. Khi có sự cố, mỗi người theo biển báo Exit hoặc theo đèn chiếu sáng để đi ra hướng thoát nạn. Khi hỏa hoạn, thường hay mất điện nên đèn báo hướng thoát hiểm tắt. Khi cháy, có nhiều khói.
 
Khói bốc ra theo hướng đi lên cao, khi thoát hiểm phải cúi thấp mặt xuống đất để giảm nồng độ khói. Nên sử dụng khăn tay thấm nước để bịt mũi và nhanh chóng thoát ra khỏi đám cháy.
 
Khi cháy mà đang ở trong phòng kín, nên tìm mọi cách mở cửa, đập cửa kính và nhanh chóng vào buồng thoát hiểm hoặc ra ban công kêu cứu. Lúc kêu cứu, nên cầm vải áo hay bất kỳ cái gì có thể làm tín hiệu thu hút sự chú ý để mọi người phát hiện và giải cứu.
 
Công Quang (thực hiện)