Kinh hoàng với những bình gas chờ... nổ
(Dân trí) - Nhiều cửa hàng tư nhân bất chấp nguy hiểm đối với người tiêu dùng, sang chiết gas trái phép, sử dụng các thiết bị có chất lượng kém, hàng đã qua sử dụng, thậm chí còn cố tình gây hỏng linh kiện bếp của chủ nhà để gạ mua linh kiện mới...
Đây là thực trạng đang diễn ra phổ biến trong thị trường kinh doanh gas hiện nay.
Phá đồ cũ để gạ bán đồ mới
Cơ quan chức năng đã phát hiện tại trụ sở Công ty gas Thăng Long (Thái Nguyên) có hiện tượng sang chiết gas vào đủ loại bình với nhiều nhãn hiệu khác nhau: GAS Petrolimex, Sai Gon Petro... trong khi theo quy định, công ty này chỉ được sang chiết và bán gas dưới nhãn hiệu gas Thăng Long.
Hay như Công ty gas UP dù đã không còn hoạt động nhưng bình gas UP vẫn thấy xuất hiện trên thị trường. Chỉ riêng Công ty tư nhân Văn Bồng đã mua lại 200.000 bình gas UP sau đó sang chiết trái phép và đưa ra lưu hành trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Bồng, chủ doanh nghiệp này cho biết: "Tôi mua được vỏ bình gas của Công ty UP sau khi công ty này phá sản với giá rẻ. Sẵn có thương hiệu trên nhãn bình nên tôi cứ đổ gas vào bán".
Việc chiếm dụng bình gas và thương hiệu gas một cách trái phép đang là thực tế phổ biến hiện nay. Một số công ty chỉ phát hành một số lượng bình hạn chế sau đó lấy bình của các hãng khác, sơn dán logo rồi nạp gas bán cho người tiêu dùng; thậm chí nạp gas trực tiếp vào bình của công ty khác để bán. Nhiều vụ cháy nổ do gas, gia chủ không biết kêu ai vì trên bình gas không có địa chỉ hãng sản xuất nên không được bảo hiểm.
Có những thương hiệu không đăng ký tên tuổi đã kinh doanh bằng cách chiếm đoạt và chiết nạp gas vào vỏ bình của những hãng có tiếng như Petro gas, Shell gas, Petrolimex gas, Saigon...
Thậm chí, không hiếm những cơ sở kinh doanh gas còn cho người giả danh nhân viên các công ty lớn đến các gia đình với danh nghĩa bảo dưỡng bếp gas miễn phí nhưng thực chất là xoá số điện thoại gas cũ và thay số của hàng mình vào, đồng thời cố tình gây hỏng linh kiện bếp của chủ nhà rồi gạ bán các linh kiện không đảm bảo nhằm thu lợi cao, không loại trừ cả việc đánh tráo vỏ bình để lấy vỏ của hãng có uy tín.
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, để xảy ra tình trạng trên là do các cơ quan quản lý Nhà nước đã cấp phép tràn lan cho các trạm chiết và các công ty ty kinh doanh gas không đủ điều kiện chiết nạp.
Hiện nay, thị trường Việt Nam đã có đến hơn 70 công ty gas lớn nhỏ, 1.600 đại lý ở TP Hồ Chí Minh và khoảng 800 đại lý ở Hà Nội cùng hơn 5.000 cửa hàng đại lý bán gas. Việc cấp phép cho quá nhiều thương hiệu gas trong khi thiếu chế tài, nhận lực quản lý cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng, thiếu lành mạnh. Vỏ bình gas bị chiếm dụng đưa vào các trạm chiết nạp lậu rồi đưa đi tiêu thụ gây thiệt hại cho khách hàng.
30% gas trên thị trường là giả
Theo điều tra của 12 công ty kinh doanh gas lớn tại Việt Nam, tình trạng sang chiết gas lậu, trái phép gia tăng đến mức báo động, ngày càng khó kiểm soát. Hiện trên thị trường tồn tại tới 30% lượng bình gas và gas giả. Điều đó lý giải vì sao hàng năm có tới khoảng 2.000 vụ cháy nổ, trong đó nguyên nhân từ khí gas tới hàng trăm vụ, làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại tài sản lớn.
Đối tượng bị thiệt hại phần lớn là người tiêu dùng mua phải loại bình gas, gas kém chất lượng, thiết bị không an toàn, dẫn đến rủi ro; khi gặp rủi ro thì lại không được bảo hiểm.
Theo tính toán sơ bộ, nếu số lượng bình gas bị chiếm dụng là 20-30% thì mỗi năm nhà nước thất thu trên 80 tỷ đồng.
Tại buổi toạ đàm về cơ chế quản lý kinh doanh gas do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh khí hóa lỏng Miền Nam (Gas South) - cho rằng: Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân: Thứ nhất, mặc dù kinh doanh gas gần 20 năm nhưng hành lang pháp lý chưa đáp ứng sự phát triển rất nhanh của thị trường gas. Ví dụ như những quy định cụ thể về tồn trữ, chiết nạp, lưu thông phân phối, XNK… chưa có, trong khi bộ máy chức năng thực thi pháp luật còn thiếu và yếu.
Thứ hai, có rất ít công ty gas quan tâm đến việc chống các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc nhiều người tiêu dùng không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đến việc an toàn khi sử dụng gas chính là kẽ hở cho những địa chỉ làm ăn bất chính hoạt động.
Theo ông Trần Trung Chính - Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh khí hóa lỏng (VT Gas) - cũng giải thích: Đầu tư một trạm sang chiết đủ tiêu chuẩn có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế có những trạm chiết chỉ đầu tư vài trăm triệu đồng lại vẫn được cấp phép. Việc cấp phép dễ dàng dẫn tới nhiều công ty không đủ điều kiện hoạt động sang chiết vẫn được hoạt động.
Nguồn gas từ một số nhà cung cấp trong nước và nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ, đem bán trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sang chiết gas trái phép rất phổ biến.
Việc sang chiết gas lậu thu lời rất cao (khoảng 50.000 - 100.000 đ/bình và trung bình một ngày các cửa hàng gas tiêu thụ hàng chục bình). Do đó, mức xử phạt hành chính chỉ 10 - 20 triệu đồng/vụ là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Lan Hương