1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Kinh hoàng “nước đỏ” bủa vây xã nghèo

(Dân trí) - Nguồn nước của hai con khe chính chảy qua địa bàn xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã bị ô nhiễm trầm trọng do quá trình khai thác khoáng sản ở đầu nguồn gây ra suốt 20 năm nay.

Kinh hoàng “nước đỏ” bủa vây xã nghèo  - 1
Nhiều diện tích lúa không thể sinh trưởng được vì đã nhuốm một màu đục, đỏ ngầu do khai thác khoáng sản gây ra...
 
Đến khe Nậm Tôn (được gọi là “khe nước đỏ” do nước khe này quanh năm đặc quánh màu bùn đỏ), bằng mắt thường cũng nhận ra ngay là nước khe bị ô nhiễm rất nặng.
 
Nước ô nhiễm tràn vào đến đâu thì đồng ruộng xác xơ đến đó, cây lúa và hoa màu khác cứ lụi dần không phát triển được, năng suất giảm đi rõ rệt theo từng năm và các loài thuỷ sinh như tôm, cá, cua, ốc… đều biến mất hoàn toàn!
 
Theo kết quả phân tích mẫu nước trong xã Châu Quang của Sở khoa học - Công nghệ & Môi trường tỉnh Nghệ An, nguồn nước ở xã ngày càng bị ô nhiễm, tất cả các điểm lấy mẫu nước đều bị nhiễm khuẩn, chất hữu cơ, nhiễm thuỷ ngân… có những mẫu rất cao.
 
Đó là nước khe, còn nước giếng thì hầu hết các giếng được lấy mẫu trong vùng đều không đạt tiêu chuẩn nước dùng cho sinh hoạt theo TCVN 5502:2003, các giếng đều nhiễm vi khuẩn, chất hữu cơ và một số kim loại nặng có tính độc cao như mangan, chì, asen, thiếc, thuỷ ngân…
 
Kinh hoàng “nước đỏ” bủa vây xã nghèo  - 2
Dòng Nậm Tôn giờ đã chuyển sang màu đỏ vì khai thác khoáng sản
 
Theo số liệu thống kê của trạm Y tế xã Châu Quang, số lượt người đến thăm khám tại trạm y tế xã tăng lên hàng năm, từ 580 lượt người năm 2005 đã vọt lên 3.750 lượt người năm 2006. Con số này trong các năm 2007 là 4.800 lượt, năm 2008 là 4.980 lượt, năm 2009 là 5.100 lượt…!
 
Sự gia tăng số lượng người đến khám và chữa bệnh tại trạm y tế xã (chưa kể số người đi thẳng lên bệnh viện huyện) có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do nguồn nước sinh hoạt đã bị ô nhiễm nặng nề. Trong xã vô số người dân mắc bệnh ngoài da, hô hấp… đủ mọi lứa tuổi và một số đã chết do ung thư càng khiến người dân lo lắng.
 
Được biết các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện đã có nhiều cố gắng khắc phục hậu quả như kiểm tra thường xuyên nguồn nước, khuyến cáo, hỗ trợ người dân làm bể nước sạch đúng tiêu chuẩn, khoan thăm dò nước sạch… nhưng không vì thế mà hậu quả của nguồn nước bị ô nhiễm do khai thác thiếc ở đầu nguồn gây ra giảm đi.
 
Người dân xã Châu Quang hàng ngày vẫn đang phải chung sống với khe nước đỏ.
 
Nguyễn Phê - Thái Tâm