Kinh dị những tiếng chuông điện thoại!
"Anh ơi, nghe tiếng chuông kêu mà sao anh không nhấc máy, hãy nhấc máy đi anh em đang chờ đang đợi, em mà tức lên em bóp chết bây giờ…". Đoạn ca cải lương kinh dị khiến mọi người trong quán cà phê X. đổ dồn vào nơi cất lên tiếng ca.
Một chàng trai trông khá lịch sự, móc vội chiếc Nokia 8800 ra khỏi túi quần trước bao cặp mắt tò mò.
Chỉ một vài thao tác đơn giản, qua đường truyền Bluetooth, những tiếng chuông điện thoại không có bản quyền tác giả hiện nhan nhản trên các trang mua bán điện thoại, được một bộ phận thanh niên coi là mốt thời thượng khi trang bị tiếng kêu cho "dế" của mình.
Cách đây một hai năm, nhạc quảng cáo Kotex, ôtô Ford, các bài hát của các ca sĩ "hot"… đã là sành điệu thì bây giờ chỉ là trò giải trí của vài ba anh chàng tỉnh lẻ. "Dế" thời "hai-tếch" có giá chục triệu đồng nên nhạc chuông cũng phải đáng đồng tiền bát gạo.
Tiêu chí số một của các sản phẩm nhạc chuông là lời lẽ "chân thật" đến mức trần tục, bậy bạ. Đó có thể là tiếng của một cô gái miền Tây eo éo, nũng nịu: Anh ơi khoan đọc tin nhắn, "tiếp" đi anh…, Anh ơi, có điện thoại của "con già" nè, hoặc là những âm thanh nhạy cảm mà thoáng nghe, người ta có thể liên tưởng ngay đến chốn phòng the, được một đôi nam nữ thể hiện hết sức "chuyên nghiệp".
Không bậy nhưng lại rất "trưởng giả học làm sang" là giọng một “thằng ở": Bẩm thiếu gia, có điện thoại của phu nhân ạ, Bẩm cụ, có điện thoại ạ…
Một mớ tạp nham hỗn độn các câu nói, các câu hát với đầy đủ các cung bậc tình cảm, hỉ nộ ái ố được người ta tổng hợp vào các trang web mua bán điện thoại, cho khách hàng sử dụng tha hồ mà không phải trả một đồng xu nào, chỉ cốt để bán được hàng. Nhạc chuông kiểu này có khi rất ma quái, rùng rợn nếu như giữa đêm tối, vang lên ở đâu đó tiếng cười ré lên như bị ma trêu của một em bé vài tháng tuổi, tiếng khóc đám ma, tiếng gọi hồn, tiếng tế lễ: Con lạy bà, bà ở trên ngàn… bà xá lầm xá lú xá mê…. Pha tạp vào đó là những đoạn hài rẻ tiền, bắt chước tiếng địa phương của một vài “nghệ sĩ”.
Gây sốc nhất trong thế giới quái dị này là đoạn đọc rap của một nam ca sĩ phòng trà, bài Trai Hải Phòng với những ca từ có vần có điệu nhưng lại tục tĩu và đầy màu sắc "cục bộ địa phương", được phụ họa bởi một giọng nữ non choẹt. Nghe đâu, nhóm ca hát này từng về các trường trung học cơ sở biểu diễn và được các nhóc mới lớn hâm mộ bởi nghệ danh rất tây.
Không ai bắt những người có điện thoại không được phép cài những nhạc chuông quái dị kể trên. Nhưng sử dụng điện thoại thế nào để những người xung quanh không khó chịu cũng là một biểu hiện văn hóa.
Theo Hồng Anh
Công An Nhân Dân