Kiểu chữa bệnh kỳ lạ của nhóm “thầy lang” không bằng cấp
Mỗi ngày có cả nghìn lượt người từ khắp các tỉnh miền Tây và cả TPHCM đổ về chữa bệnh ở ấp Đông, xã Tân Bình, thuộc vùng sâu huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Đội ngũ “thầy thuốc” là một nhóm người chưa qua đào tạo ngành y.
Vòng vây cảnh giới
Địa điểm khám chữa bệnh là căn nhà có tường rào bao bọc. Để vào được đây, khách chỉ có thể đi bằng xuồng, ghe hoặc dùng xe gắn máy men theo những con lộ nông thôn ngoằn ngoèo. Ấy vậy mà từ 2, 3 giờ sáng đã có cả nghìn người - đa số già yếu - tụ tập, bốc thăm chờ đến lúc được “thầy” xem mạch, chích thuốc. Đứng đầu nhóm “thầy lang” tại đây là Trần Hữu Nghĩa (biệt danh Mười Nghĩa, sinh năm 1968, con ruột chủ nhà) cùng 6 “cộng sự”.
Để tránh bị kiểm tra, nhóm “thầy lang” đã tổ chức các vòng cảnh giới khá nghiêm ngặt. Đầu tiên là tại các quán ăn uống của thân nhân Mười Nghĩa, cách nơi khám khoảng trăm mét. Ở đây luôn có một thanh niên ngồi quan sát, ghi số xe máy của khách đến khám chữa bệnh; nếu thấy có người khả nghi thì cử ngay “liên lạc viên” là các em nhỏ chạy đến báo cho nhóm canh cửa nhà Mười Nghĩa.
Vòng 2: Tất cả khách đến đều phải bước qua cánh cửa sắt chỉ mở một bên cho 2 người đi lọt vào. Nếu thấy đúng là người cao tuổi, có nhu cầu khám bệnh thực sự thì gác cổng sẽ trao một lá phiếu ghi số thứ tự khám. Còn nếu nghi ngờ, cánh cửa sẽ lập tức khóa chặt. Ngay cả khi chính quyền địa phương đến kiểm tra cũng không lọt qua được cánh cửa này, bởi sẽ có hàng chục người, trong đó không ít là trẻ em, sẵn sàng lăn sả vào và lu loa lên rằng lực lượng kiểm tra gây khó người làm từ thiện. Họ còn thủ sẵn những bịch nylon đựng nước, sẵn sàng ném vào bất cứ cán bộ nào đến làm nhiệm vụ.
Người bệnh sau khi qua hai cửa ải trên sẽ được đưa vào bên trong để các “cộng sự” Mười Nghĩa khám và chích thuốc, còn Mười Nghĩa thì ngồi ở bên trong.
Bệnh gì cũng tiêm một loại “thuốc”
Mới 9 giờ sáng nhưng lá thăm trên tay cụ Thanh, một người già đến khám, đã lên đến con số 519. Sau khi khai bệnh đau lưng, cụ Thanh được một “thầy lang” trẻ măng sờ sờ nắn nắn, rồi bảo: “Bà bị thần kinh tọa nặng lắm rồi, phải thủy châm thôi”. Nói rồi không đợi bệnh nhân đồng ý, “thầy” bước vào trong lấy một bơm tiêm chứa thứ nước trong veo, tiêm ngay vào chỗ đau.
Sau cụ Thanh, đến lượt cụ Minh, 75 tuổi, quê ở ấp 3, xã Tân Hộ Trung, Cao Lãnh (Đồng Tháp) bị teo cơ. Thăm khám xong, thầy lang lại cứ y thuốc cũ mà tiêm. Hàng chục, hàng chục người kế tiếp vẫn một cách chữa theo kiểu đau đâu chích đó. “Thuốc” là một loại nước trong veo, đựng trong chai dịch truyền loại 0,5 lít, không nhãn mác, không niêm phong, ngoài vỏ chỉ ghi vỏn vẹn chữ “T” hoặc “H”.
“Thầy” Mười Nghĩa là một thanh niên dáng người dong dỏng, tóc để búi. Khi được hỏi vì sao mở phòng khám chữa bệnh mà không xin phép các cơ quan chức năng, Mười Nghĩa đáp: “Dễ gì mấy ổng cho mà xin”. Anh ta một mực khẳng định, tất cả những thầy lang ở đây đều đã qua các lớp huấn luyện tiêm chích, nhưng hỏi bằng thì Mười Nghĩa lắc đầu, bảo: “Làm gì có”.
Khi được hỏi thuốc chích cho người bệnh là loại thuốc gì, nếu tiêm vào xảy ra sự cố thì sao, Mười Nghĩa tỉnh queo đáp: “Đó là những bài thuốc do ông Ba Thiệu ở Lấp Vò, Đồng Tháp bào chế ra. Trước khi tiêm cho bệnh nhân, mấy thầy ở đây đã kiểm tra rất kỹ bằng cách ngửi và tự tiêm cho bản thân, thấy không bị ảnh hưởng gì mới tiêm cho người bệnh”.
Ông Lê Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, bước đầu cơ quan y tế đã xác định trong “thuốc” có thành phần giảm đau, kích thích sự ăn uống nên một số người lầm tưởng là hết bệnh. Nhưng sau một thời gian, bệnh vẫn không khỏi. Nhiều người dân địa phương đã không còn tin vào các “thầy” này, chỉ những người ở các tỉnh khác nghe đồn thổi đến khám chữa bệnh theo kiểu “may thầy phước chủ” mà thôi
Theo ông Tiên, chính quyền đã vận động, xử lý hành chính nhưng các “thầy” có thái độ chống đối, thách thức. An ninh trật tự địa phương cũng bị ảnh hưởng vì số người đến khám chữa bệnh hiện đã lên đến 1.200-1.500 lượt mỗi ngày. Bà Võ Thị Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết.huyện đã thành lập ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Theo Thanh Niên