Kiều bào hiến kế xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM
(Dân trí) - Với tham vọng xây dựng TPHCM trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính khu vực, TPHCM tổ chức gặp gỡ gần 50 chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp kiều bào để cùng đưa ra giải pháp.
Sáng 6/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có buổi gặp mặt gần 50 chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp kiều bào với chủ đề: “Giải pháp xây dựng TPHCM trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính khu vực”.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông với nền tảng là hệ thống trường đại học ở quận Thủ Đức, khu công nghệ cao (quận 9) và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm trong tương lai.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay trong những ngày thành phố còn gian khó thì kiều hối, vốn đầu tư, công nghệ, ý tưởng và các kênh kết nối của kiều bào đã là nguồn lực quan trọng, góp phần mang lại sự tăng trưởng và hội nhập cho thành phố.
TPHCM luôn tự hào vì có sự đồng hành của kiều bào và tin tưởng với sự gắn kết, tình cảm của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, TP sẽ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
“Để trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là một tham vọng, mà còn là kế hoạch cần triển khai của thành phố nhằm xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như việc thực thi các công cụ tài chính khác của các cơ quan Nhà nước”, ông Phong nói.
Lãnh đạo TPHCM với tham vọng xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP trên nền tảng lợi thế của quậnThủ Đức, quận 2 và quận 9
Ông Phong hy vọng TP sẽ từng bước khắc phục được bất cập, trở thành thành phố đáng sống, phục vụ tốt nhất nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có kiều bào.
Buổi gặp mặt đã nhận hàng chục lượt ý kiến phát biểu của chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào để cùng chung tay phát triển thành phố trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính.
GS Trần Hải Linh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Hàn Quốc, đã so sánh điểm tương đồng từ kinh nghiệm của Hàn Quốc để áp dụng vào mô hình đô thị sáng tạo ở TP.
Theo ông Linh, TPHCM dự kiến xây Khu đô thị sáng tạo dựa trên liên kết của 3 quận phía Đông. Đây là điểm tương đồng với Incheon, Hàn Quốc đã và đang xây dựng khu đô thị thông minh ở 3 khu vực là Yeongjong – Cheongna – Songdo.
Ở Incheon có sân bay quốc tế và cảng biển là cửa ngõ để kết nối các khu vực Đông Bắc Á thì TPHCM có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái - cửa ngõ kết nối các khu vực Đông Nam Á.
Điều này có điểm tương đồng khi chính quyền TPHCM cho rằng sự quản trị của chính quyền chỉ thành công khi có sự tham gia từ khu vực tư nhân, các trường đại học, tổ chức quốc tế trong mọi cấp độ của tất cả tiến trình.
Điểm đáng chú ý, mô hình của khu đô thị thông minh Songdo – Incheon và mong muốn của khu đô thị sáng tạo của TPHCM đều có 3 nhóm chức năng chính: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ; trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm thương mại quốc tế dựa trên nền tảng dịch vụ công nghệ cao.
Từ đó, GS Linh kiến nghị TP nên hình thành ngay một Ủy ban tư vấn việc xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo TP, đứng đầu là một lãnh đạo TP. Các thành viên gồm lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã, đang và sẽ có dự án ở 3 khu vực trên; lãnh đạo các trường đại học, Viện Nghiên cứu mạnh nhất của TP; đại diện chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào...
Ủy ban này sẽ giúp tăng cường liên kết, phản ánh thực tế, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo hoạt động nhanh – gọn – hiệu quả. Ủy ban phải nhanh chóng đưa ra kế hoạch ngắn, trung và dài hạn; nhanh chóng xác định một vài lĩnh vực công nghệ cao như các sản phẩm sinh – y – dược – nông nghiệp, logistics... để áp dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất.
“Chính quyền đóng vai trò cầu nối và “chất xúc tác” để tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, tạo hành lang hỗ trợ và chính sách đặc biệt. Các trường đại học cùng viện nghiên cứu và các chuyên gia trí thức kiều bào sẽ “lĩnh ấn tiên phong” lập nhóm nghiên cứu mạnh với các lĩnh vực cụ thể, từ đó tạo ra sản phẩm thương mại hóa”, ông Linh nói.
Góp ý cho việc xây dựng trung tâm tài chính, ông Peter Hồng (chuyên gia trong linh vực tài chính) quan tâm đến vấn đề cơ chế cho trung tâm này. Bởi, theo ông, 15 năm qua thành phố vẫn chưa xây dựng được trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm mà hoàn toàn nằm trên giấy. “Việc này nói lên nhiều vấn đề thể chế và cần có giải pháp tháo gỡ”, ông Hồng nói.
Theo ông Peter Hồng, TPHCM chưa có thể chế chính thức để chuẩn bị cho việc phát triển trung tâm tài chính. Ông đặt vấn đề: Trung ương cho phép TP làm gì và bản thân TPHCM chuẩn bị cơ chế như thế nào cho trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm?
Ngoài ra, TPHCM phải nhìn nhận nhiều vấn đề lớn trong đó có việc mời những đơn vị nào về, đào tạo nhân lực ngân hàng ra sao, phát triển hạ tầng…
“Chúng ta xem hiện dòng tiền đầu tư đang chảy đi đâu? Cơ chế tài chính cũng như nước chảy tới chỗ trũng. TP chưa tạo được chỗ trũng thì tiền chưa tới. TP có tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư hay không?”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, để đầu tư 1 tỷ USD vào TPHCM cũng mất 2 năm, thể hiện cơ chế đầu tư còn vướng.
"TP có lượng kiều hối rất lớn là hơn 5 tỷ USD mỗi năm. Tiền này như trên trời rơi xuống. Với số tiền cực lớn này thì thành phố cần quan tâm. Kiều bào mong muốn đóng góp cho thành phố nhưng vẫn còn đâu đó khó khăn. Nếu TP làm sớm thì năm 2025 có thể khai thác trung tâm tài chính. TP có định chế đàng hoàng là chúng tôi tới”, ông Hồng nói.
Phát biểu kết thúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng 4,5 triệu kiều bảo ở nước ngoài là 4,5 triệu đại sứ. Đây là vốn quý của TPHCM và cả nước, để xây dựng, phát triển quê hương Việt Nam.
Về trung tâm tài chính, ông Nhân cho rằng đã bàn 15 năm rồi nhưng chưa xong, nhiệm kỳ này cần quyết liệt, làm nhanh hơn để cho ra đời trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm.
Người đứng đầu Đảng bộ TP cho rằng TP sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư, Nhà nước và doanh nghiệp cùng bỏ tiền để xây dựng, phát triển thành phố. Ông dẫn kinh nghiệm trên thế giới rằng, các công trình hạ tầng đa chức năng thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Quốc Anh