1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị

Ngọc Tân

(Dân trí) - Thiết kế "Cánh chim hòa bình" của cầu Thượng Cát (Hà Nội) bị nghi ngờ trùng lặp ý tưởng kiến trúc với cầu Thạch Hãn 1 đang được thi công ở Quảng Trị.

Sau khi UBND Hà Nội công bố giải nhất cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát, mạng xã hội xuất hiện một số bài đăng đặt câu hỏi về sự tương đồng của thiết kế này với bản thiết kế cầu Thạch Hãn 1 đang được thi công ở Quảng Trị.

Chủ đầu tư cầu Thượng Cát khẳng định các bước thi tuyển, chấm giải được thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, cảm giác "nghi ngờ" vẫn xuất hiện khi đặt thiết kế 2 cây cầu ở cạnh nhau.

Nguồn cơn của mối nghi ngờ

Sau khi giải nhất kiến trúc cầu Thượng Cát với tên gọi Cánh chim hòa bình được công bố, nhiều người đã so sánh nó với thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị và đặt câu hỏi về sự giống nhau.

Trước đó, vào năm 2022, thiết kế cầu Thạch Hãn 1 với tên gọi Đón bình minh cũng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc do chủ đầu tư tổ chức và đang được thi công. 

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị - 1

Thiết kế cầu Thạch Hãn 1 bị so sánh với thiết kế cầu Thượng cát.

Một điểm trùng hợp là cả 2 bản thiết kế thắng giải nhất đều là của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Ở bản thiết kế cầu Thượng Cát, TEDI có liên danh cùng với Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC).

Qua tìm hiểu, 2 cây cầu này giống nhau về hình dáng trụ tháp nhưng có những khác biệt về kết cấu kỹ thuật.

Đơn cử như cầu Thượng Cát là cầu dây văng, trong khi cầu Thạch Hãn là cầu extradosed (một dạng cầu dây văng có trụ tháp thấp).

Điểm khác biệt tiếp theo là cầu Thượng Cát có 3 trụ tháp, trong đó trụ ở giữa cao hơn 10m; trong khi cầu Thạch Hãn 1 có 2 trụ tháp cao bằng nhau. Các dây văng của cầu Thạch Hãn 1 được bố trí song song với nhau, trong khi dây văng của cầu Thượng Cát được bố trí xòe nan quạt. 

Về quy mô, cầu Thượng Cát và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng chiều dài 5,22km, chiều dài cầu 4km, bề rộng 8 làn xe, tổng mức đầu tư 8.298 tỷ đồng. Trong khi đó, cầu Thạch Hãn 1 chỉ có chiều dài cầu 1,3km, bề rộng mặt cầu đủ 4 làn xe, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. 

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị - 2

Phương án thiết kế cầu Thượng Cát đoạt giải nhất.

Dấu hỏi về "liêm chính khoa học"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Tống Trần Tùng (Tổ trưởng Tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng GTVT, nguyên Trưởng bộ môn Kết cấu, Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT) đồng ý rằng thiết kế cầu Thượng Cát giống với cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị.

Ông Tùng không phản đối nếu chủ đầu tư chỉ căn cứ các yêu cầu về công năng và kỹ thuật để "đặt hàng" thiết kế kiến trúc cầu Thượng Cát. Thiết kế ấy giống cây cầu ở Quảng Trị hay giống nhiều cây cầu khác trên thế giới là quyền của địa phương.

"Thiết kế tháp cầu dây văng hay extradosed chỉ có mấy dạng cơ bản như chữ A, chữ H, chữ V hay thẳng đứng, nghiêng vuốt cong... Dạng tháp chữ V của cầu Thượng Cát và Thạch Hãn 1 cũng giống cây cầu Zolotoy ở Vladivostok, Nga", PGS.TS Tống Trần Tùng chia sẻ.

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị - 3

Thiết kế trụ tháp chữ V của cầu Zolotoy ở Vladivostok (Nga) (Ảnh: Wikipedia).

Ở đây, chủ đầu tư đã tổ chức cả một cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu với đầy đủ ban bệ, hội đồng. Ông Tùng cho rằng khi đã tổ chức thi thì tính tôn nghiêm của một cuộc thi, tính liêm chính trong học thuật cũng như trong sáng tạo kiến trúc cần đặt lên hàng đầu.

Trước quan điểm cho rằng 2 cây cầu có sự khác nhau như thiết kế dây văng và extradosed, số lượng tháp trụ khác nhau, tổng mức đầu tư khác nhau..., ông Tùng khẳng định cách giải thích đó không thuyết phục, bởi đó chỉ đơn thuần là khác biệt về kinh tế - kỹ thuật và kết cấu cầu.

Những dữ kiện này không biện minh được thực tế rằng 2 cây cầu có sự tương đồng về ý tưởng kiến trúc, điều mà lẽ ra hội đồng chấm giải phải biết để cân nhắc trao giải.

Theo chuyên gia về kết cấu xây dựng, việc đơn vị tác giả của cầu Thượng Cát (TEDI) cũng đồng thời là tác giả của cầu Thạch Hãn 1 càng khiến người ta đặt câu hỏi về tính liêm chính khoa học khi 2 cây cầu có điểm tương đồng nhau.

"Cái đó dưới góc độ liêm chính trong học thuật, trong sáng tạo thì bị đánh giá rất nặng. Từng có những vị khá nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã bị tước cả học hàm, học vị vì đạo nhái lại tác phẩm của chính mình", PGS.TS Tống Trần Tùng khẳng định.

Phóng viên đã liên hệ chủ đầu tư dự án cầu Thượng Cát và được biết cơ quan này chỉ phụ trách tổ chức cuộc thi tuyển kiến trúc. Chịu trách nhiệm chuyên môn liên quan đến việc chấm thi là một hội đồng các kiến trúc sư.

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị - 4

Phương án thiết kế cầu Thượng Cát đoạt giải nhì.

Kiến trúc cầu Thượng Cát ở Hà Nội bị nghi giống cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị - 5

Phương án thiết kế cầu Thượng Cát đoạt giải ba.

Việc thi tuyển thiết kế kiến trúc cầu là quy trình bắt buộc đối với các dự án cầu cấp II trong khu vực đô thị. Quy định này không bao gồm các cây cầu ở ngoại thành (do đó 2 cây cầu vượt sông Hồng trên tuyến vành đai 4 không cần thi tuyển kiến trúc).

Trên lưu vực sông Hồng chảy qua Hà Nội, một loạt cây cầu nằm trong nội thành như Thượng Cát, Trần Hưng Đạo, Tứ Liên đều phải thi tuyển kiến trúc.

Phương án kiến trúc đoạt giải nhất không nhất thiết được lựa chọn làm kiến trúc chính thức cho cây cầu (có trường hợp chủ đầu tư chọn sản phẩm đạt giải nhì, giải ba để thi công).

Tuy nhiên, kiến trúc giành giải nhất sẽ được ưu tiên và có nhiều cơ hội nhất để trở thành kiến trúc chính thức của công trình.