1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiến nghị xây mới 6 sân bay toàn bộ bằng vốn xã hội

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Các cảng hàng không mới là Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô - Hà Nội.

Chi tiết 5 nhóm sân bay

Tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị phân loại 21 sân bay hiện hữu do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý thành 5 nhóm; xã hội hóa đầu tư sân bay mới.

Nhóm 1 gồm các sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Long Thành, Tân Sơn Nhất. Đây là các cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 25 triệu hành khách/năm.

Nhóm 2 gồm các sân bay: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đây là các sân bay có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý.

Nhóm 3 gồm các sân bay: Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, vốn là các cảng hàng không ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm.

Kiến nghị xây mới 6 sân bay toàn bộ bằng vốn xã hội - 1

Hệ thống cảng hàng không, sân bay Việt Nam có định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nhóm 4 gồm các sân bay: Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Cần Thơ, có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư, không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Nhóm 5 là các cảng hàng không mới là Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như: Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.

"Rót" vốn như thế nào?

Định hướng huy động vốn đầu tư các dự án hạ tầng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đối với nhóm 1, Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư khu bay; ACV bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại; huy động 100% nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không theo hình thức đầu tư kinh doanh.

Đối với nhóm 2, trường hợp Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay cho Bộ GTVT hoặc địa phương quản lý, sẽ huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ sân bay theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án.

Với nhóm 3 và nhóm 4, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị riêng nhóm 5 huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư, chủ động huy động, tổ chức thực hiện đầu tư.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 là khoảng gần 480.000 tỷ đồng, trong số này nguồn vốn xã hội cần huy động khoảng hơn 204.600 tỷ đồng.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong tổng số vốn trên, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 là khoảng hơn 403.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không giai đoạn 2021-2030 là khoảng 76.500 tỷ đồng.

Trong số này, ngoài 109.000 tỷ đồng đầu tư cho sân bay Long Thành thì số tiền đầu tư khu phía Bắc, nhà ga hành khách T3 và khu bay phía Nam của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài lên tới hơn 96.500 tỷ đồng.

Các sân bay khác có nhu cầu đầu tư lớn gồm: Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Phú Quốc, Phan Thiết. Khoản tiền đầu tư cho các sân bay trên chủ yếu tập trung vào đường lăn, sân đỗ, nhà ga, riêng sân bay Phan Thiết là đầu tư mới.