Kiến nghị thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư để trích quỹ "dự phòng rủi ro"
(Dân trí) - Đề xuất lập Quỹ PPP để có cơ chế xử lý ngay các rủi ro với hình thức đầu tư này, Cục trưởng Cục Đường cao tốc cho rằng có thể thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, trích lại 20-30% cho quỹ.
Những bất cập về cơ chế, chính sách khiến khó thu hút đầu tư PPP cho các dự án hạ tầng giao thông là vấn đề được nhiều chuyên gia góp ý tại hội thảo "Thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam", do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng phát triển giao thông đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nếu không tìm kiếm nguồn lực ngoài Nhà nước rất khó có thể thành công.
Cần có quỹ để Nhà nước "chia sẻ rủi ro"
Dẫn chứng bằng con số, ông cho biết năm 2021, ngành giao thông phê duyệt quy hoạch hệ thống đường quốc lộ và cao tốc, đến 2050, chỉ riêng đường cao tốc là 9.041km đường cao tốc.
"6 tháng qua, chúng ta khánh thành được 1.729km nhưng trong đó, một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc", ông Thành nói. Theo ông, với quy hoạch như vậy đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tính sơ bộ riêng giai đoạn 2021-2030 cần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư. Do vậy, không có nguồn lực không thể làm được.
Kiến nghị giải pháp thu hút đầu tư PPP, ông Thành cho rằng Nhà nước cần là đối tác của nhà đầu tư trong các dự án PPP đang triển khai; thực hiện điều khoản hợp đồng đã ký kết, giải quyết các vướng mắc trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro…
Về lâu dài, lãnh đạo Cục Đường cao tốc đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật PPP rõ ràng, cụ thể, đồng bộ, và đặc biệt là khả thi.
Đặc biệt, ông Thành đề xuất xem xét hình thành Quỹ PPP để có cơ chế xử lý ngay các rủi ro, không phải đợi từ các nguồn khác.
Về nguồn thành lập quỹ, ông Thành cho biết Chính phủ đang trình phương án thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Khi đó, có thể trích lại 20-30% từ khoản thu phí này để vào Quỹ PPP dành cho kết cấu hạ tầng nói chung, không chỉ với dự án giao thông.
Theo góc nhìn của các chuyên gia quốc tế, với mức tăng trưởng bình quân 6-7%/năm, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới và khu vực. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng này, nhu cầu phát triển hạ tầng logistics, nhà ga, sân bay hay y tế, giáo dục… là rất lớn.
Ông Donald Lambert, Giám đốc phụ trách khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định Việt Nam sử dụng phần lớn nguồn vốn công cho đầu tư hạ tầng. Theo ông, cần tái tư duy cho việc này.
Đại diện ADB nhấn mạnh nhiều lợi ích của PPP bởi đây là công cụ bền vững, là hình thức hiệu quả để thu hút nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng; tận dụng thế mạnh công nghệ, quản lý, vận hành tốt của nhà đầu tư quốc tế…
Ở khía cạnh khác, GS Akash Deep (Đại học Havard Kennedy School) cho rằng để thu hút tốt hơn nguồn vốn tư nhân, cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, minh bạch cơ chế quản lý tài chính cho các dự án PPP, đồng thời cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư.
"Mối quan hệ đối tác công tư ở các dự án sẽ kéo dài trong ít nhất hàng chục năm. Do đó, cần làm rõ các cơ chế, chính sách và nguồn tài nguyên sẵn có để hỗ trợ các nhà đầu tư PPP, kể cả nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng", Giáo sư Akash Deep nêu quan điểm.
Hình thành gần 700km đường cao tốc nhờ thu hút vốn PPP
Chia sẻ thêm về công việc "rất khó khăn" khi đang phải xử lý các dự án BOT còn bất cập, ông Thành cho biết Bộ GTVT đang xử lý 54/72 dự án giao thông huy động nguồn lực PPP, trong đó đa số đều không đạt doanh thu.
"Chúng tôi thống kê cần xử lý 9 dự án có doanh thu thấp dưới 30% và không có cách gì để kéo dài thu phí được", ông Thành nói phải có trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải mua lại các dự án BOT làm ăn thua lỗ, nhưng theo ông Thành, bản chất không phải như vậy.
Bản chất vấn đề là Nhà nước và nhà đầu tư ký hợp đồng với nhau, nhà đầu tư đã thực hiện đúng hợp đồng nhưng Nhà nước chưa đảm bảo các điều kiện, quyền lợi của họ, nên Nhà nước phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong chuyện này.
Khái quát bức tranh về đầu tư PPP, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết đến hết năm 2022, đã có 10 dự án mới được phê duyệt và 14 dự án đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật PPP.
"Các dự án này khi hoàn tất sẽ hình thành gần 700km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương", ông An cho hay.
Theo ông An, đầu tư PPP đang từng bước trở thành động lực quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng lớn nhưng nguồn lực của Nhà nước hạn chế. Nhưng thực tế, ông cũng thừa nhận quá trình thực hiện PPP có nhiều khó khăn khi hệ thống thể chế pháp luật chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chỗ tốt chỗ chưa tốt…
Ông kiến nghị hoàn thiện thể chế; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về các dự án PPP; nhất quán trong các chính sách và đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro hài hòa giữa các bên.